Các đại biểu công tác trong ngành công an phản đối quy định hạn chế thẩm quyền kiểm tra của cảnh sát môi trường đối với các doanh nghiệp trong dự án Luật bảo vệ môi trường.
Chiều ngày 18-6, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tranh luận nhiều là thẩm quyền kiểm tra của cảnh sát môi trường.
Theo điều 174 dự thảo luật, lực lượng cảnh sát môi trường tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu hoạt động phạm tội, có tố giác, tin báo tội phạm về môi trường; kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với tổ chức, cá nhân theo kế hoạch được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
Cơ quan soạn thảo lý giải dự luật đưa ra quy định này nhằm hạn chế việc thanh, kiểm tra chồng chéo giữa các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường cũng như tránh gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Phát biểu tại hội trường, Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh ủng hộ tinh thần hạn chế thấp nhất việc doanh nghiệp đón nhiều đoàn thanh kiểm tra.
Tuy nhiên ông cho rằng quy định này vênh một số quy định pháp luật khác về chức năng, trách nhiệm, thẩm quyền của cảnh sát môi trường vốn là công cụ hữu hiệu để đấu tranh phòng chống tội phạm về môi trường thời gian qua.
“Nếu quy định như dự thảo thì luật họ sẽ rất bị động, vì khi tiến hành kiểm tra thì phải xin ý kiến, hay theo kế hoạch của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Bộ trưởng TN&MT. Trong khi đó việc đấu tranh với tội phạm môi trường đòi hỏi phải nhanh chóng, kịp thời, đảm bảo bí mật… bởi vì ở đây có sử dụng các biệt pháp nghiệp vụ của ngành công an. Với quy định như vậy sẽ làm bó tay lực lượng cảnh sát môi trường”, ông Đức nói và đề nghị sửa lại điều khoản này.
Trước ý kiến này, ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) đã tranh luận lại.
Ông Cường cho hay qua thi hành luật hiện hành cho thấy có những bất cập, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ trong kiểm tra về môi trường giữa lực lượng cảnh sát môi trường và thanh tra môi trường. Điều này gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp nên cần phải phân định lại.
“Đấu tranh, phòng chống tội phạm về môi trường thì nên giao cho Cảnh sát môi trường… Còn với hoạt động thanh kiểm tra mang tính chất thường xuyên thì nên giao cho cơ quan thanh tra môi trường phù hợp hơn’ – ĐB Cường nói.
Phát biểu của ĐB Cường được Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk), nguyên Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) tranh luận.
Bà cho rằng công tác bảo vệ môi trường phải gắn liền với phòng chống tội phạm về môi trường, không nên cắt khúc. Đồng thời, thực tế việc kiểm tra của cảnh sát môi trường khác với kiểm tra mang tính định kỳ và không chồng chéo, trùng dẫm làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp.
“Như trường hợp một công ty tại Bình Dương có hành vi xả thải trái phép, khi Cục bảo vệ môi trường miền nam vào kiểm tra thì không phát hiện vi phạm, nhưng lực lượng Cảnh sát môi trường bằng biện pháp nghiệp vụ vào đã kiểm ra, phát hiện vi phạm và tiến hành xử phạt hành chính” – bà Xuân nói.
Tại phiên thảo luận, nhiều ĐBQH cho rằng dự án Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) là một dự luật lớn, quan trọng vì vậy cần được Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình 3 kỳ họp.
Giải trình trước Quốc hội về đề nghị này, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho hay vấn đề môi trường ngày càng bức thiết nên Quốc hội, Chính phủ luôn mong muốn và nỗ lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng bộ luật mà nhân dân đang chờ đợi, để làm sao có công cụ pháp lý để kiểm soát được tình hình. “Chúng ta vừa thống nhất phê chuẩn chương trình xây dựng pháp luật có bổ sung điều chỉnh. Với tinh thần trách nhiệm cao của Chính phủ, Quốc hội, chúng tôi cam kết tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội; mong muốn các đại biểu sẽ tiếp tục có những ý kiến cụ thể, thẳng thắn để làm sao thực hiện được chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật” – ông Hà nói. |