Sáng 19-6, với tỷ lệ đại biểu biểu quyết tán thành lần lượt là 91,51%, 91,10% và 91,72%, Quốc hội chính thức thông qua ba nghị quyết quan trọng, gồm: Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội; Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; Nghị quyết về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến bắc-nam phía đông giai đoạn 2017-2020.
Tạo chủ động cho thành phố Hà Nội trong việc quyết định, sử dụng ngân sách
Thực hiện chương trình kỳ họp, sáng 19-6, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội bằng hệ thống điện tử.
Kết quả có 91,51% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội.
Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết nêu rõ: Trong các ngày 9-6 và ngày 12-6, các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận tại Tổ và tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết; tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.
Đáng chú ý, Nghị quyết mới được thông qua quy định mức dư nợ vay của ngân sách thành phố Hà Nội không vượt quá 90% số thu ngân sách thành phố Hà Nội được hưởng theo phân cấp. UBND thành phố Hà Nội báo cáo HĐND thành phố quyết định tạm ứng Quỹ dự trữ tài chính để triển khai thực hiện các dự án đầu tư đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, đã có quyết định phê duyệt dự án và thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố theo quy định của Luật Đầu tư công và pháp luật có liên quan trong trường hợp cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Thời gian mỗi khoản tạm ứng không quá 36 tháng, kể từ ngày tạm ứng. Tổng các khoản tạm ứng tại một thời điểm không quá 50% số dư Quỹ dự trữ tài chính của thành phố Hà Nội đến ngày 31-12 của năm trước…
Nghị quyết cũng quy định Thành phố Hà Nội được thực hiện cơ chế tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định. Đồng thời, HĐND thành phố cũng quyết định việc sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên của ngân sách địa phương để đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục công trình thiết yếu trong các cơ sở đã có của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị thuộc tổ chức chính trị – xã hội do thành phố quản lý theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, Nghị quyết mới thông qua cũng quy định một số cơ chế tài chính – ngân sách đặc thù khác đối với Thành phố Hà Nội như: về quản lý thu, chi ngân sách nhà nước; thực hiện cơ chế tạo nguồn cải cách tiền lương; sử dụng ngân sách cấp thành phố hỗ trợ các địa phương khác trong nước; quyết định việc sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên của ngân sách địa phương để đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục công trình thiết yếu trong các cơ sở đã có của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị thuộc tổ chức chính trị – xã hội do thành phố quản lý theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước… nhằm khai thác có hiệu quả nguồn lực, tăng cường phân cấp, phân quyền tạo chủ động cho thành phố Hà Nội trong việc quyết định, sử dụng ngân sách.
Quốc hội quyết định giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020
Cũng trong phiên làm việc sáng 19-6, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.
Sau khi nghe báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết này với 91,10% đại biểu Quốc hội tán thành. Theo đó, Quốc hội đồng ý giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng. Doanh nghiệp căn cứ quy định để tự xác định số thuế được giảm khi tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quý và quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020.
Nghị quyết mới thông qua được áp dụng đối với người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sau đây gọi là doanh nghiệp), bao gồm: Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; Tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã; Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; Tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập.
Về điều khoản thi hành, Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký và áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2020. Quốc hội giao Chính phủ hướng dẫn thi hành Nghị quyết này.
Chuyển ba dự án cao tốc bắc-nam phía đông sang đầu tư công
Cũng tại phiên làm việc sáng 19-6, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến bắc-nam phía đông giai đoạn 2017-2020.
Kết quả biểu quyết có 91,72% đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22-11-2017 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến bắc-nam phía đông giai đoạn 2017-2020.
Theo đó, Quốc hội đồng ý chuyển đổi ba dự án thành phần Mai Sơn – quốc lộ 45, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây trên tuyến cao tốc bắc-nam phía đông từ phương thức đối tác công – tư (PPP) sang đầu tư công. Quốc hội cũng đồng ý bổ sung vốn không quá 23.461 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách nhà nước để đầu tư ba dự án này.
Tuy nhiên, Nghị quyết cũng yêu cầu Chính phủ rà soát, xác định và chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp lý của tổng mức đầu tư điều chỉnh của từng dự án thành phần chuyển đổi và tổng mức đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến bắc-nam phía đông giai đoạn 2017-2020.
Đồng thời tổ chức triển khai thực hiện các dự án thành phần chuyển đổi sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công, chậm nhất đến cuối năm 2022 hoàn thành, đưa vào sử dụng, xây dựng phương án phù hợp để thu hồi vốn hoàn trả vào ngân sách trung ương.