Cùng với việc thành lập lực lượng Bảo vệ rừng (BVR), vận động người dân trồng cây lấy gỗ làm nhà, UBND tỉnh Quảng Nam còn mở tour du lịch tuần tra bảo vệ rừng hướng đến kế hoạch bảo vệ, quản lý rừng tốt hơn, đưa Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh trở thành Vườn Quốc gia Sông Thanh.
Nằm trên địa bàn hai huyện Nam Giang và Phước Sơn, giáp biên giới nước bạn Lào, Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh có diện tích vùng lõi hơn 93.000ha và trên 108.000ha vùng đệm. Nơi đây có hệ sinh thái rừng vô cùng đa đạng với 831 loài thực vật bậc cao, trong số đó có 23 loài hữu dụng và 38 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam. Hệ động vật rừng của khu bảo tồn này cũng rất đa dạng với danh mục gồm 53 loài thú, 183 loài chim, 44 loài bò sát, 21 loài lưỡng cư…
Tuy nhiên, vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh luôn là “điểm nóng” dai dẳng của tình trạng khai thác lâm khoáng sản trái phép. Chính vì thế tỉnh Quảng Nam đã có rất nhiều quyết sách tập trung bảo tồn khu rừng Sông Thanh.
Để quản lý và bảo vệ rừng hiệu quả, mới đây, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh vừa ra mắt các tổ BVR chuyên trách, thay cho hình thức giao cho cộng đồng làng quản lý như trước đây. Đây là lực lượng nòng cốt của chủ rừng thực hiện tuần tra BVR, triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật khác về lâm nghiệp; thực hiện các phương án, biện pháp PCCC rừng, đồng thời vận động, tuyên truyền người dân các địa phương tham gia BVR, phòng cháy chữa cháy rừng…
Theo quy chế hoạt động của lực lượng này, mỗi tháng các thành viên sẽ đảm bảo việc tuần tra 22 ngày ở những khu vực rừng tự nhiên, những khu vực dễ xảy ra phá rừng và rừng khu vực giáp ranh.
Theo ông Đinh Văn Hồng, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, cho biết, các cán bộ BVR chuyên trách của đơn vị đa phần là người dân địa phương, Công an, bộ đội xuất ngũ có thể lực tốt nên bên cạnh việc đảm bảo công tác BVR đạt hiệu quả, còn góp phần giải quyết công ăn việc làm cho lao động ở địa phương. Bước đầu công tác tuần tra, chốt chặn tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh của Quảng Nam đã đem lại tín hiệu khả quan, đầy tích cực trong việc giữ môi trường sinh thái và ngăn chặn tình trạng khu bảo tồn bị xâm hại như trước đây.
Ngoài việc thành lập lực lượng bảo vệ rừng, tỉnh Quảng Nam sẽ mở tour du lịch từ khe Ru đến thác 3 tầng (thuộc khu vực rừng đặc dụng- Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh), hướng đến kế hoạch bảo vệ, quản lý rừng tốt hơn. Tour du lịch cũng nhằm đánh giá hiện trạng rừng, du khách sẽ chứng kiến việc tháo dỡ bẫy thú rừng của lực lượng bảo vệ rừng, xử lý các tình huống đẩy đuổi các đối tượng xâm hại rừng. Đây là những việc làm thường xuyên của lực lượng bảo vệ rừng.
“Nơi đây sẽ trở thành điểm tham quan du lịch sinh thái lý tưởng cho du khách thích khám phá, chiêm ngưỡng những khu rừng nguyên sinh, những con sông suối trong mát và cùng trải nghiệm với sự đa dạng về sinh vật trong môi trường hoang sơ, hùng vĩ ”, ông Đinh Văn Hồng nói.
Hiện nay, tỉnh Quảng Nam đã mời các tổ chức trong và ngoài nước đến như tổ chức Trường Sơn Xanh, tổ chức WWF nhằm giúp cho Quảng Nam xây dựng đề án nâng hạng Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh thành Vườn quốc gia. Trên cơ sở đó đánh giá toàn bộ thực trạng khu bảo tồn. Qua sơ bộ ban đầu có thể nhận thấy đây là một miền Trung Trường Sơn còn sót lại một hệ động thực vật rất phong phú.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho biết, Quảng Nam đang khẩn trương xây dựng đề án phát triển hành lang đa dạng sinh học của khu vực Trường Sơn nhằm kết nối giữa Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, Khu bảo tồn loài Sao La, và Rừng Ngọc Linh. Toàn bộ khu vực này được kết nối tạo thành hành lang sinh thái bảo vệ.
“Chúng tôi đã làm việc với các bạn Lào (tỉnh Sê Kông) để kết nối. Giữa 2 địa phương phải có sự phối hợp với nhau cùng thiết lập một hành lang bảo vệ an toàn đa dạng sinh học Huế- Sê Kông – Quảng Nam- Kom Tum”, ông Lê Trí Thanh nói.
Với những biện pháp quyết liệt, tỉnh Quảng Nam đang nỗ lực để giữ gìn những cánh rừng đại ngàn quý hiếm ở vùng biên cương mãi xanh.