Sự tử tế, lương thiện nằm sẵn trong trái tim mỗi đứa trẻ. Nếu được khai thác, hướng dẫn, nuôi dưỡng, lòng tốt sẽ phát triển thành nhân cách đẹp.
Những ngày qua, cộng đồng mạng liên tục chia sẻ đoạn video quay cảnh em Phạm Trọng Đạt – học sinh lớp 6/1, trường THCS Long An – nhặt rác thông miệng cống thoát nước ở xã Long An (Long Thành, Đồng Nai).
Không ai yêu cầu, cũng chẳng biết có camera ghi lại hình ảnh, cậu bé vẫn quyết định dừng xe, dành chút thời gian làm điều tử tế này dưới cơn mưa nặng hạt. Xong đâu đấy, em lại lên xe, thong dong đạp đi.
Nhìn cảnh cậu học trò không mũ nón, áo mưa, tự nguyện làm một việc mà không đợi ai khen ngợi, nhiều người bỗng nở nụ cười trước một nhân cách dễ thương.
Sự tử tế từ hành động nhỏ bé
“Hành động nhỏ nhưng thật đáng quý. Dù không quen biết bé cũng rất mong được gặp mặt, cảm ơn và mong bé sẽ giữ được sự tốt bụng này tới về sau”, chị Tạ Hương (ngụ Đồng Nai) – người chia sẻ lên mạng clip em Phạm Trọng Đạt nhặt rác dưới mưa – nói với Zing.
Cô Phan Thị Ngọc Mai, Hiệu trưởng trường THCS Long An, nơi Đạt theo học khẳng định với tính cách và những gì em thể hiện ở trường, cô biết nội dung video bắt nguồn tự hành động tự giác của em.
Trên mạng xã hội, có người cho rằng nhìn vẻ thản nhiên của cậu bé 12 tuổi khi làm việc tốt, có thể thấy đối với em, hành động này dường như chỉ là chuyện bình thường, rằng dọn rác nơi công cộng là điều đương nhiên.
Với nhiều người, không gì đẹp đẽ, lương thiện bằng khi cậu bé làm việc tốt một cách hồn nhiên, chẳng cần cân nhắc, nghĩ ngợi.
Câu chuyện về Phạm Trọng Đạt khiến nhiều người nhớ lại hình ảnh cậu bé nghèo nhặt ve chai Nguyễn Danh Thành Đạt vào năm 2017. Em khi ấy 5 tuổi, không được tới trường, mặc bộ quần áo nhàu nát, chân đi đôi dép cũ mèm, lon ton xếp gọn gàng đôi dép của cô giáo trong đoàn dã ngoại ở TP.HCM.
Hành động nhỏ nhưng có sức lay động trái tim nhiều người và được nhận xét còn ý nghĩa hơn cả trăm bài học đạo đức trên sách vở.
Hay như đầu tháng 2 vừa qua, khi đợt dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam dẫn đến tình trạng khan hiếm khẩu trang, cậu bé Andy Đào Nguyên (12 tuổi, TP.HCM) chủ động đưa cho mẹ 10 triệu đồng tiền lì xì Tết, nhờ mua mặt hàng này để tặng cho mọi người.
Suốt nhiều ngày, cậu bé đứng trên đường Lý Tự Trọng (quận 1, TP.HCM) phát từng chiếc khẩu trang đến tận tay ai cần. Khi được hỏi, em chỉ đáp ngắn gọn, lễ phép bằng nụ cười tươi rói: “Con mong món quà nhỏ của mình sẽ giúp nhiều người phòng tránh bệnh hơn”.
Cuối năm ngoái, một người trẻ khác cũng khiến cộng đồng mạng thán phục vì đức tính trung thực. Trên đường đi làm shipper ở Hà Nội, Giàng A Sở (sinh năm 2000, quê Yên Bái) nhặt được chiếc ví bên trong có tiền và nhiều thẻ ngân hàng.
Chàng trai H’Mông không biết của của ai, song vẫn đứng đợi dưới trời mưa rét gần 1 tiếng với hy vọng chủ nhân chiếc ví quay lại tìm. Chờ không thấy, chàng shipper mới trở về nhà, đăng thông tin trên mạng với mong muốn trả lại đồ.
Sự ấm áp nằm sẵn trong tim mỗi đứa trẻ
Giống như Phạm Trọng Đạt, cậu bé Nguyễn Danh Thành Đạt, Andy Đào Nguyên hay chàng trai H’Mông Giàng A Sở đều làm việc tốt mà không kỳ vọng hành động đẹp của mình được ghi lại, mọi người biết tới và dành lời tán dương.
Trọng Đạt có thể như bao người đi đường khác, cứ thế đạp xe đi tránh cơn mưa xối xả. Thành Đạt không xếp đôi dép của cô giáo lạ mặt cũng không sao. Chẳng ai trách được Andy Đào Nguyên nếu cậu bé chỉ bỏ tiền mua khẩu trang đủ cho mình và gia đình sử dụng trong mùa dịch. Và Giàng A Sở cũng có thể dùng cách khác, thay vì đợi hàng tiếng đồng hồ dưới cơn mưa để trả ví cho người đánh rơi.
Dù vậy, những cậu bé này chọn làm điều tử tế một cách bản năng, giống như những bài học đạo đức ai cũng được dạy từ tấm bé rằng nhặt được của rơi hãy trả lại người đánh mất, sống ngăn nắp gọn gàng, lễ phép với người lớn, biết nhận lỗi và sửa sai, biết nói lời cảm ơn, sẻ chia với người khác trong lúc khó khăn…
Trong cuốn sách Giá trị của sự tử tế, Piero Ferrucci – tác giả sách, nhà trị liệu tâm lý người Italy – quan niệm tử tế là việc “không cần nhiều nỗ lực”. Còn Leo Babauta – chủ blog về phong cách sống Zen Habits – cho rằng tử tế là một thói quen mà con người đều có thể nuôi dưỡng.
Không sự tử tế, lương thiện nào đợi khi lớn lên mới có, mà đã nằm sẵn trong trái tim mỗi đứa trẻ. Vì thế, ai cũng có thể lựa chọn để nuôi dưỡng những điều tốt đẹp vốn ẩn sâu trong con người mình.
Tất nhiên, để lòng tốt của một đứa trẻ phát triển thành nhân cách đẹp cho xã hội cũng cần nhiều thời gian, cùng với sự khai thác, hướng dẫn, chăm sóc đúng cách từ chính những người xung quanh.
Và như một tất yếu, những người làm điều tử tế cho người khác sẽ nhận lại niềm vui, sự tốt đẹp. Như cậu bé Phạm Trọng Đạt được nhà trường tuyên dương; “thiên thần trong chiếc áo quá khổ” Nguyễn Danh Thành Đạt có cơ hội tới trường; Andy Đào Nguyên trở thành nguồn cảm hứng sống đẹp cho mẹ; Giàng A Sử nhận về sự biết ơn, cảm kích từ người được giúp đỡ.
Bởi vậy, sự tử tế không phải điều tốt đẹp xa vời, mà nảy nầm từ chính những hành động nhỏ bé trong cuộc sống thường nhật. Cứ thế, lòng tốt được lan truyền từ người này sang người khác và lan tỏa ra cả xã hội.