Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 18/6, Quốc hội biểu quyết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA).
Sau đó, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Thảo luận nội dung này tại tổ, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nhằm khắc phục những bất cập, vướng mắc của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Nhiều ý kiến góp ý về các vấn đề: các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; biện pháp xử lý hành chính đối với người sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy, nhất là đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi; bổ sung quy định nâng mức phạt tiền tối đa đối với một số lĩnh vực nhằm tăng cường tính răn đe, phòng ngừa, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; về thẩm quyền, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính; về thi hành và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính; quy định đối với người dưới 18 tuổi vi phạm hành chính…
Trong phiên họp chiều, Quốc hội biểu quyết Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Sau đó, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Đây là dự án Luật có tác động lớn đến kinh tế – xã hội, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, liên quan với nhiều luật nên đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của các đại biểu tại Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Một số nội dung chính của dự thảo Luật tiếp tục được xin ý kiến các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này, gồm: việc xem xét để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật và các cam kết quốc tế về môi trường; việc đánh giá những tác động của 13 nhóm chính sách liên quan đến kinh tế-xã hội, tài chính, ngân sách trên cơ sở tình hình thực tiễn của Việt Nam; việc giải thích các khái niệm mới liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ môi trường; về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực môi trường; về mức chi tối thiểu 2% tổng chi ngân sách nhà nước cho sự nghiệp môi trường; về các vấn đề đã được đưa ra trong dự án Luật có liên quan đến thu chi ngân sách, phương thức tính toán, quy định về bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường.