Chiều 17/6, tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.
Dự án luật nhận được sự tán thành của 449/462 đại biểu tham gia biểu quyết (chiếm 92,96% tổng số đại biểu Quốc hội).
Trước đó, nhiều vấn đề về dự án Luật đã được các đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến. Cụ thể, về quy định liên quan đến Giấy phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng (sửa đổi, bổ sung một số điều của Chương V), theo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần cải cách thủ tục hành chính đối với quy trình thẩm định cấp Giấy phép xây dựng, đặc biệt là các công trình nhà ở riêng lẻ; cần phân cấp mạnh hơn cho địa phương trong việc cấp Giấy phép xây dựng; đề nghị làm rõ các trường hợp được miễn Giấy phép xây dựng.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã sửa đổi việc tích hợp một số nội dung thẩm định thiết kế xây dựng được xem xét đồng thời trong bước cấp giấy phép xây dựng đối với công trình thuộc đối tượng phải thực hiện cả hai thủ tục này. Quy định này đã được sửa đổi, bổ sung phù hợp với nguyên tắc cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo thuận tiện, thông thoáng cho người dân và doanh nghiệp.
Theo đó, tất cả các công trình đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở hoặc được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng thì không yêu cầu phải có giấy phép xây dựng (Điểm g, Khoản 2, Điều 89). Các trường hợp không yêu cầu phải có Giấy phép xây dựng, điều kiện chung cấp Giấy phép xây dựng có thời hạn đã được quy định rõ hơn tại Điều 89 và Điều 94 của dự thảo Luật. Hiện nay, việc cấp Giấy phép xây dựng tất cả các công trình xây dựng đều đã được phân cấp cho địa phương.
Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cấp phép xây dựng ở nông thôn cần quản lý chặt chẽ hơn; đề nghị miễn Giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực miền núi, hải đảo.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã quy định chặt chẽ hơn đối với việc cấp Giấy phép cho công trình xây dựng, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn cho phù hợp với tình hình thực tế và xu thế phát triển đất nước. Theo đó, dự thảo Luật quy định không yêu cầu phải có Giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng ở nông thôn và nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn; nhà ở riêng lẻ thuộc vùng miền núi, hải đảo thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng; trừ công trình, nhà ở riêng lẻ được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa (Điểm I, Khoản 2, Điều 89).
Về ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần quản lý nghiêm trật tự xây dựng, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết: Quản lý trật tự xây dựng là một trong những vấn đề được xã hội rất quan tâm và có quan hệ trực tiếp với hoạt động cấp Giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, việc thực hiện quản lý trật tự xây dựng không chỉ gắn liền với pháp luật về xây dựng mà còn liên quan đến pháp luật về đất đai, quy hoạch, thanh tra, xử lý vi phạm hành chính, tổ chức chính quyền địa phương… Về cơ bản, Luật Xây dựng hiện hành đã có quy định liên quan đến bảo đảm trật tự xây dựng. Một số hạn chế trong quản lý trật tự xây dựng thời gian vừa qua chủ yếu do khâu tổ chức thực hiện pháp luật chưa nghiêm, thiếu kịp thời. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng không nên quy định lại những nội dung về quản lý trật tự xây dựng tại Chương V dự thảo Luật.
Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được sửa đổi, bổ sung, làm rõ trách nhiệm UBND cấp tỉnh, huyện về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn theo phân cấp của Chính phủ.