Ủy hội sông Mê Kông gồm 4 nước Đông Nam Á đã yêu cầu Trung Quốc cung cấp thông tin minh bạch về các con đập do nước này quản lý sau mùa khô hạn kỷ lục ở hạ lưu sông Mê Kông.
Theo AFP, Ủy hội sông Mê Kông, với thành viên gồm 4 nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, hôm 16/6 đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc công bố kịp thời dữ liệu về lưu lượng nước tại các con đập do nước này xây dựng và quản lý, sau khi khu vực hạ lưu sông Mê Kông trải qua mùa khô hạn kỷ lục.
Cụ thể, Ủy hội sông Mê Kông kêu gọi Bắc Kinh cung cấp “dữ liệu trong cả năm để phục vụ giám sát và báo cáo hiệu quả hơn về tình trạng lũ lụt và hạn hán” trên sông Mê Kông.
Tuyên bố được Ủy hội sông Mê Kông đưa ra sau khi khu vực sông Mê Kông chảy trên lãnh thổ 4 nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam đã trải qua mùa khô hạn khốc liệt vào cuối năm 2019, đầu năm 2020. Mực nước sông Mê Kông tại khu vực hạ lưu xuống thấp kỷ lục, để lộ ra lòng sông trơ đá sỏi và cá chết, đe dọa sinh kế của hàng triệu người dân.
Tuy nhiên, theo hình ảnh vệ tinh công bố bởi chương trình Eyes on the Earth của NASA trong tháng 4, mực nước trên đoạn sông Mê Kông chảy trên vùng lãnh thổ của Trung Quốc, được gọi là Lan Thương, ở mức cao hơn so với mực nước bình quân hàng năm vào cùng thời điểm.
Trung Quốc tới nay đã xây dựng 11 đập nước lớn trên đoạn sông Mê Kông do nước này quản lý. Trong khi đó, các nước ở khu vực hạ lưu, trong đó có Lào, cũng đã xây dựng và đang lên kế hoạch xây dựng hàng chục con đập thủy điện lớn nhỏ, phần lớn được các công ty Trung Quốc tài trợ.
Các dự án xây dựng đập nước khổng lồ, chủ yếu do Trung Quốc tiến hành, từ lâu đã được coi là nguyên nhân khiến khu vực hạ lưu sông Mê Kông ngày càng khô cạn, đe dọa sinh kế của hàng triệu người dân các nước ở khu vực hạ lưu. Bên cạnh đó, Mỹ cũng cảnh báo Trung Quốc sử dụng các đập nước để gia tăng ảnh hưởng địa chính trị tại khu vực.
Bắc Kinh từ lâu luôn bác bỏ trách nhiệm trong việc dòng chảy tại khu vực hạ lưu sông Mê Kông ngày càng khô cạn. Năm 2019, Ngoại trưởng Vương Nghị thậm chí tuyên bố các đập do Trung Quốc quản lý đã xả nhiều nước hơn khi Thái Lan có yêu cầu, trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á hứng chịu hạn hán.