Quốc hội thông qua Luật Thanh niên và Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp 9, Quốc hội khoá XIV, chiều 16.6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thanh niên (sửa đổi); Biểu quyết thông qua Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.


Các đại biểu Quốc hội biểu quyết. Ảnh Quochoi.vn

Trước khi biểu quyết từng dự án Luật, các cơ quan thẩm tra báo cáo về việc tiếp thu, bổ sung ý kiến của các ĐBQH.

Ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi)

Dự thảo Luật đã thể chế hóa trách nhiệm của thanh niên thành các quy định pháp luật để nhấn mạnh vai trò, sứ mệnh của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới;

Quy định về chính sách của Nhà nước, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình nhằm tạo điều kiện cho thanh niên phát triển, để thanh niên xứng đáng là “…rường cột nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xã hội to lớn, xung kích, sáng tạo, đi đầu, có vai trò quan trọng góp phần quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội…”;

Để thanh niên Việt Nam nhận thức rõ và đầy đủ về trách nhiệm của mình, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó thanh niên làm”; “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì, mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?”.

Cách quy định như dự thảo Luật bảo đảm thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng, không chồng chéo với các luật chuyên ngành, đồng thời tạo hành lang pháp lý tạo điều kiện cho thanh niên khẳng định, phát huy và cống hiến.

Kết quả biểu quyết thông qua Luật Thanh niên (sửa đổi). Ảnh T.Vương

Kết quả biểu quyết thông qua Luật Thanh niên (sửa đổi) có 441/449 đại biểu tham gia tán thành (chiếm tổng số 91,3% đại biểu Quốc hội).

Sau đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đã có báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án.

Dự án gồm 4 chương, 42 điều. Luật này quy định nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên tại Tòa án, các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án; trách nhiệm của Tòa án đối với công tác hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại; công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án.

Hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này được thực hiện trước khi Tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn; đơn khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

Kết quả biểu quyết Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án. Ảnh T.Vương

Kết quả biểu quyết thông qua Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án: 436/455 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 90,27% tổng số đại biểu Quốc hội).