Trong khi tổng nhu cầu năng lượng của thế giới tiếp tục tăng thì tỷ lệ năng lượng tái tạo trong đó hầu như không tăng từ năm 2013-2018, theo một báo cáo toàn cầu của 350 đồng tác giả vừa được công bố hôm nay.
Đó là Báo cáo Tình hình Năng lượng tái tạo Toàn cầu (GSR) năm 2020 của REN21 – một cộng đồng bao gồm các thành viên từ giới khoa học, chính phủ, tổ chức phi chính phủ và ngành công nghiệp trên tất cả các lĩnh vực năng lượng tái tạo ở nhiều nước.
GSR là ấn phẩm thường niên, cung cấp các thông tin, số liệu cập nhật và các phân tích đã được thẩm định về công nghệ, chính sách và thị trường cho các nhà hoạch định chính sách; trong đó GSR 2020 có hơn 350 chuyên gia đồng tác giả.
Báo cáo cho thấy tổng nhu cầu năng lượng của thế giới tiếp tục tăng (1,4% mỗi năm từ 2013 đến 2018). Trong khi đó, mặc dù có những tiến bộ đáng kể trong sản xuất, tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng nhu cầu năng lượng hầu như không tăng (9,6% năm 2013 lên 11% vào năm 2018).
Đặc biệt, tỷ lệ năng lượng tái tạo trong ngành sưởi ấm, làm mát là 10%, trong ngành vận tải là 3%; tụt lại rất xa so với 26% trong ngành điện.
Ở Việt Nam, đầu tư cho công suất điện tái tạo đã giảm 64% xuống 2,6 tỷ USD trong năm 2019.
“Những tiến bộ trong ngành năng lượng chỉ mới là một phần nhỏ bé của bức tranh,” Rana Adib, Giám đốc điều hành REN21, nói.
Trong khi một số quốc gia đang dần loại bỏ thì nhiều nước khác vẫn tiếp tục đầu tư xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện than. Tài trợ từ các ngân hàng tư nhân cho những dự án nhiên liệu hóa thạch vẫn tăng lên mỗi năm kể từ khi các nước ký Thỏa thuận Paris, với tổng trị giá 2,7 nghìn tỷ USD trong ba năm qua.
Hoàng Nam (Theo Media Climate Net, REN21)