Với 92,34% số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều đã được thông qua sáng 17-6.
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ chín, Quốc hội Khóa XIV, sáng 17-6, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung làm việc.
Sau khi nghe báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, Quốc hội đã chính thức thông qua dự thảo luật với 446 đại biểu tán thành, chiếm 92,34%.
Theo đó, Luật này bổ sung cháy rừng do tự nhiên là một loại hình thiên tai.
Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với bổ sung cháy rừng là loại hình thiên tai đặc thù trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cần nhắc quy định cháy rừng trong Luật Phòng chống thiên tai để tránh chồng chéo với Luật Lâm nghiệp, Luật Phòng cháy và chữa cháy (PCCC).
Theo Báo cáo Giải trình tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cháy rừng có cả nguyên nhân do thiên tai và nhân tai. Việc phòng, chống cháy rừng đã được quy định trong pháp luật lâm nghiệp, pháp luật PCCC. Tuy nhiên, do tác động bất lợi của thời tiết như nắng nóng, hạn hán kéo dài… thì nguy cơ cháy rừng lớn, ở mức độ cao (cấp IV- nguy hiểm, cấp V – đặc biệt nguy hiểm), xảy ra trên diện rộng và đồng thời ở nhiều tỉnh/thành phố.
Do vậy, cháy rừng ở mức độ nghiêm trọng do nắng nóng, khô hạn kéo dài và các sự cố khác cần được xác định là một dạng thiên tai đặc thù. Việc quy định như vậy không chồng chéo với Luật Lâm nghiệp, Luật PCCC, đồng thời khắc phục được hạn chế của quy định hiện hành khi nguy cơ cháy rừng trên diện rộng, ở mức độ nghiêm trọng do nắng nóng, hạn hán dài ngày, vượt quá khả năng khống chế của lực lượng chuyên ngành; tạo điều kiện cho công tác ứng phó cháy rừng được sử dụng hệ thống chỉ đạo chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, huy động kịp thời, hiệu quả nguồn lực hiện có để việc ứng phó được kịp thời, hạn chế thiệt hại tài nguyên quốc gia, bảo vệ an toàn cho người dân, nhất là khi chúng ta đang có hơn 10 triệu người sinh sống ở trong rừng và gần rừng. Ở nhiều quốc gia trên thế giới đều coi cháy rừng là một dạng thảm họa thiên nhiên.
Để phân định ranh giới xác định cháy rừng điều chỉnh trong Luật Phòng chống thiên tai với pháp luật lâm nghiệp, pháp luật PCCC thì dự thảo Luật đã quy định rõ cháy rừng được điều chỉnh trong Luật PCTT là cháy rừng do tự nhiên, còn nguy cơ cháy ở mức độ nào để xác định là thiên tai sẽ do Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể.
Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2021.