Mới đây, chị Lê Thị Trang – Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh – GreenViet (Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đã được Quỹ hợp tác hỗ trợ các điểm nóng sinh thái (CEPF) vinh danh là 1 trong 10 “Anh hùng điểm nóng đa dạng sinh học”. Ở tuổi 34, chị là người phụ nữ duy nhất của Việt Nam được ghi danh trong danh sách nói trên của CEPF.
Với không ít bạn trẻ, công việc bảo tồn động vật hoang dã nghe có vẻ xa lạ. Nhưng với chị Trang, đó là cả niềm đam mê và quyết tâm.
Ngay từ khi còn là cô sinh viên Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, chị Trang đã tham gia nhiều hoạt động điều tra thực trạng buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm tại Đà Nẵng và 6 tỉnh miền Trung. Đi nhiều nơi, chứng kiến cảnh khi ra đường, hay đi chợ cũng có thể bắt gặp người buôn bán và tiêu thụ sản phẩm từ động vật hoang dã, chị lại càng quyết tâm làm một việc gì đó. Ra trường, chị Trang không đi theo ngành công nghệ môi trường đã lựa chọn trước đó mà tiếp tục theo đuổi, nghiên cứu các hoạt động săn bắt, buôn bán động vật hoang dã, kết hợp với cơ quan chức năng tổ chức các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng. Năm 2013, chị về làm việc tại GreenViet với mong muốn đóng góp công sức và kinh nghiệm để phát triển các chiến lược truyền thông bảo tồn đa dạng sinh học trong khu vực.
Từ đó, chị Trang và các cộng sự bắt tay xây dựng những chiến dịch truyền thông công chúng, nhằm đưa kiến thức về thực trạng các loài động vật hoang dã của Việt Nam đến cộng đồng.
“Những nhà khoa học nhí”
Mở đầu với Chiến dịch bảo tồn loài Voọc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà, chị Trang cùng với các tình nguyện viên in những tấm pano tuyên truyền, đưa hình ảnh của gia đình Voọc chà vá chân nâu đặt ở một số nhà chờ xe buýt của thành phố, qua đó thu hút quan tâm của người dân, du khách. “Dù ý thức cộng đồng có phần cải thiện, nhưng sau quá trình đi khảo sát, tôi nhận thấy hoạt động mua bán động vật hoang dã chủ yếu vẫn là do nhu cầu tiêu thụ. Để có thể thay đổi được hành vi này chỉ có thể thông qua việc nâng cao nhận thức của cộng đồng mà gốc rễ là giáo dục, đặc biệt cho các em học sinh”, chị Trang cho biết.
Xuất phát từ ý tưởng này, nhóm của chị Trang đã bắt đầu triển khai hoạt động giảng dạy ngoại khóa với chủ đề “những nhà khoa học nhí” cho các em học sinh cấp 2 về bảo tồn thiên nhiên; dẫn các em nhỏ lên tham quan, tìm hiểu về Sơn Trà; triển lãm ảnh, tổ chức các Hội thảo bảo tồn đa dạng sinh học… Ngoài ra, Chương trình “Tôi yêu Sơn Trà” do chị Trang tổ chức đã giúp người dân Đà Nẵng và cả du khách tận mắt nhìn thấy vẻ đẹp của Sơn Trà và sự quý hiếm của tài nguyên đa dạng sinh học ở đây. Hơn 10 năm nhiệt huyết, chị Trang đã cùng GreenViet góp phần mang lại một trong những câu chuyện bảo tồn thành công đáng chú ý nhất tại Việt Nam: Chiến dịch cứu bán đảo Sơn Trà kvôhỏi sự phát triển du lịch không kiểm soát.
Hiệu quả từ chiến dịch “Cứu bán đảo Sơn Trà”
Chiến dịch này đã cứu được số lượng lớn loài Voọc chà vá chân nâu có nguy cơ tuyệt chủng và kêu gọi mọi người tham gia phong trào bảo tồn. Chiến dịch tuyên truyền được đặt mục tiêu đến năm 2020, nhưng chỉ năm 2016-2017, mọi người dân Đà Nẵng đã hiểu biết và yêu Sơn Trà.
Không chỉ gắn bó với “lá phổi xanh của Đà Nẵng”, chị Trang còn theo đuổi các dự án ở Quảng Nam và Kon Tum nhằm bảo vệ loài linh trưởng quý hiếm là Chà vá chân xám, kêu gọi sự tham gia của người dân trong công tác bảo vệ và hướng đến xây dựng khu bảo tồn thiên nhiên; tuyên truyền người dân không săn bắn động vật hoang dã mà tham gia bảo vệ rừng. Hiện tại, ngoài triển khai các dự án về giáo dục, chị còn trăn trở và đặt mục tiêu quan tâm, hướng đến là năng lực thực thi pháp luật trong bảo vệ rừng và các khu bảo tồn, các điểm nóng đa dạng sinh học.
Với những cống hiến trong việc bảo tồn các điểm nóng, vì một môi trường xanh, chị Lê Thị Trang đã nhận Giải thưởng quốc tế “Nhà bảo tồn trẻ xuất sắc thế giới- Future For Nature Award” năm 2015 khi cùng GreenViet tham gia vào Chiến dịch bảo tồn loài Voọc chà vá chân nâu. Đặc biệt, nhân ngày đa dạng sinh học thế giới tại Virginia (Mỹ) vào thời điểm cuối tháng 5 vừa qua, chị Trang cùng 10 nhà bảo tồn đến từ các điểm nóng đa dạng sinh học trên thế giới được CEPF trao danh hiệu “Anh hùng điểm nóng đa dạng sinh học”.