Dịch COVID-19 đã làm gián đoạn hoạt động nghiên cứu của nhiều nhà khoa học. Các chuyên gia cũng phải tạm ngưng công việc do quy định giãn cách xã hội ở nhiều quốc gia.
Hơn nữa, tình hình dịch bệnh ở Nam Mỹ vẫn đang diễn biến phức tạp. Riêng ở Chile, hiện có hơn 150.000 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 2.450 trường hợp tử vong.
Bà Itziar de Gregorio, Trưởng phòng Khoa học tại Đài thiên văn phía Nam châu Âu (ESO), cho biết hiện tại vẫn giao một nhóm nhỏ các nhà khoa học ở lại trông coi kính thiên văn nhưng buộc phải ngưng hầu hết các hoạt động quan sát.
Theo ông Claudio Melo, đại diện ESO tại Chile, cơ quan này vẫn chưa rõ thời gian hoạt động thiên văn trở lại như bình thường ở khu vực Nam Mỹ.
Các nhà khoa học tại Đài thiên văn ALMA lo sợ sẽ bỏ lỡ những sự kiện thiên văn quan trọng có thể diễn ra bất ngờ như các vụ nổ tia gamma (GRB) hay việc hình thành siêu tân tinh.
ALMA gồm hệ thống 66 ăng-ten đĩa với đường kính 12 m hoặc 6 m, trong đó khoảng cách giữa 2 ăng-ten xa nhất lên đến 16 km.
ALMA có thể phát hiện những bức xạ không thể nhìn thấy bằng mắt, có thể theo dõi khoảnh khắc một số ngôi sao ra đời, thiên hà sơ sinh, những hành tinh kết hợp xung quanh các ngôi sao xa… Ngoài ra, ALMA có thể nhìn xuyên qua các đám mây bụi dày đặc sâu trong vũ trụ.
Hằng năm, ALMA quan sát vũ trụ đến 4.000 giờ nhưng dự kiến năm nay giảm còn chưa tới 2.000 giờ vì ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Chi phí xây dựng và vận hành cho ALMA rơi vào khoảng 1,5 tỉ USD.
ALMA là một trong số nhiều đài quan sát đặt tại Chile – đất nước thu hút hơn phân nửa các đài quan sát, kính thiên văn lớn trên thế giới. Lý do là bởi các vùng đất sâu trong sa mạc Atacama thuộc cao nguyên Chajnantor (miền Bắc Chile) nằm ở địa điểm cao, khô ráo nên hơi nước trong bầu khí quyển Trái đất không cản trở tầm nhìn.
Nhiều nhà khoa học còn ví von bầu trời ở khu vực này vẫn vẹn nguyên như thời sơ khai, chưa chịu nhiều tác động của con người, nhất là ô nhiễm ánh sáng.