Theo trang thống kê worldometers, thế giới ghi nhận 8.107.424 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus corona chủng mới SARS-CoV-2 gây ra, trong đó có 438.580 ca tử vong và 4.187.421 người bình phục.
Mỹ, quốc gia chịu tác động mạnh nhất trên thế giới với hơn 2.182.540 ca mắc và hơn 118.279 ca tử vong, ngày 15/6 ghi nhận số ca tử vong thấp nhất (382 ca) từ giữa tháng 4, khi dịch bệnh lên đến đỉnh điểm ở nước này.
Thời gian gần đây, trung bình mỗi ngày Mỹ ghi nhận dưới 1.000 ca tử vong do Covid-19. Tuy nhiên, Mỹ tiếp tục có khoảng 20.000 ca mắc mới mỗi ngày. Số ca nhiễm SARS-CoV-2 và nhập viện trong ngày 14/6 tăng cao kỷ lục ở nhiều tiểu bang của Mỹ, trong đó có Florida và Texas.
Số liệu trên làm dấy lên lo ngại về làn sóng bùng phát dịch thứ 2 khi các bang chuẩn bị cho mở cửa hoàn toàn nền kinh tế trong khi một số bang chưa đáp ứng các điều kiện để mở cửa trở lại.
Trước nguy cơ trên, không chỉ các chuyên gia y tế mà một số quan chức trong chính quyền Tổng thống Trump cũng khuyến cáo người dân cần đeo khẩu trang cũng như tránh tụ họp đông người để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Ngày 15/6, nghị sĩ đảng Cộng hòa Tom Rice thông báo ông và các thành viên gia đình có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Như vậy, tính tới thời điểm này đã có tổng cộng 8 nghị sĩ Quốc hội Mỹ xác nhận hoặc được chẩn đoán mắc bệnh Covid-19.
Cùng ngày, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) thông báo rút lại giấy phép ủy quyền sử dụng khẩn cấp đối với các loại thuốc chữa sốt rét là Hydroxychloroquine và Chloroquine trong điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 do ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy những loại thuốc này không có hiệu quả trong điều trị, ngược lại có thể có những tác dụng phụ gây chết người.
Với thông báo này, các lô thuốc của Chính phủ liên bang sẽ không được phân phối tới các cơ quan y tế địa phương.
* Theo AFP, dựa trên các số liệu chính thức, số ca tử vong do Covid-19 tại khu vực Mỹ Latinh va Caribbean ngày 15/6 đã vượt mốc 80.000 trường hợp, hơn một nửa trong số này ở Brazil, trong bối cảnh SARS-CoV-2 đang lây lan nhanh trên khắp khu vực này.
Kể từ khi phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở Mỹ Latinh vào tháng 3, khu vực này đã ghi nhân tổng cộng 80.505 người tử vong, trong đó 44.118 trường hợp ở Brazil, quốc gia có số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 cao thứ 2 thế giới, sau Mỹ.
Trong khi đó, cùng ngày, Bộ Y tế Brazil cho biết ghi nhận thêm 23.674 ca nhiễm SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua, nâng tổng số trường hợp mắc bệnh lên 891.556 người
Thành phố Santana Do Livramento ở miền Nam Brazil giáp với Uruguay đã phải ban bố lệnh giới nghiêm vào ban đêm do sự lây lan mạnh của dịch bệnh, đồng thời gây ảnh hưởng một cách nghiêm trong tới thành phố Rivera của nước láng giềng Uruguay do người dân hai bên thường xuyên qua lại cửa khẩu.
Mặc dù chỉ có 83.000 dân sinh sống, nhưng giới chức y tế đã buộc phải liệt thành phố Santana Do Livramento vào danh sách có nguy cơ cao và chỉ cho phép mở một số dịch vụ cơ bản.
Mexico được cho là đang trong giai đoạn đỉnh dịch Covid-19 với 146.837 ca mắc bệnh, trong đó có 17.141 ca tử vong cùng 52.636 người nghi ngờ nhiễm bệnh.
Bộ Y tế nước này dự báo, số ca tử vong có thể lên đến 35.000 người đồng thời nhận định làn sóng dịch thứ nhất sẽ kéo dài tới tháng 10 và dự kiến làn sóng dịch thứ 2 diễn ra vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12 tới.
Tại Colombia, số ca mắc Covid-19 đã ở mức trên 50.000 người, cụ thể đang là 50.939 người, trong khi số ca tử vong là 1.667.
Trong khi đó, tại khu vực Trung Mỹ, số ca mắc Covid-19 ở Panama, Costa Rica, Honduras, Guatemala và El Salvador tiếp tục tăng mạnh khi ghi nhận thêm 1.629 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh lên 44.067 ca, trong đó có 1.198 ca tử vong.
* Ngày 15/6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo, Trung Quốc đã chính thức ghi nhận hơn 100 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đợt bùng phát dịch bệnh mới bắt nguồn từ các khu chợ ở Tây Bắc Kinh, đồng thời cho biết, đang điều tra nguồn gốc và quy mô đợt dịch này.
Hãng tin CGTN đưa tin ngày 15/6, giới chức y tế Trung Quốc đang truy tìm tất cả những người từng đến chợ đầu mối Tân Phát Địa (Bắc Kinh) kể từ ngày 30/5. Ước tính có khoảng 200.000 người đã đến khu chợ này kể từ đó đến khi chợ phải tạm đóng cửa từ ngày 13/6.
* Tại Ấn Độ, chính quyền thành phố Chennai, thủ phủ bang Tamil Nadu, thông báo sẽ tái áp đặt biện pháp phong tỏa từ ngày 19/6 tới cho đến hết tháng, trong bối cảnh các ca nhiễm mới tăng mạnh trong khu vực có tới 15 triệu dân này.
Ấn Độ vẫn tiếp tục ghi nhận hơn 10.000 ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày. Đến nay, tổng số người mắc bệnh ở nước này đã lên tới 343.026 ca, cao thứ 4 thế giới sau Mỹ, Brazil và Nga.
* Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo cảnh báo nguy cơ tái bùng phát dịch trong bối cảnh số ca nhiễm mới ở thủ đô Tokyo tăng đột biến trong vài ngày gần đây. Thủ tướng Abe cảnh báo người dân không nên chủ quan rằng virus sẽ yếu đi trong mùa Hè bởi vì virus nguy hiểm này vẫn lây lan ngay cả ở các quốc gia cực nóng tại Trung Đông. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải chuẩn bị để đối phó với làn sóng lây nhiễm thứ 2 bằng cách củng cố hệ thống y tế và tăng cường xét nghiệm virus.
* Indonesia ghi nhận thêm 64 ca tử vong, con số được ghi nhận trong ngày cao nhất từ trước tới nay và 1.017 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt là 39.294 ca và 2.198 ca. Hiện Indonesia bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng dịch.
* Ngày 15/6, Thái Lan không ghi nhận thêm ca nhiễm Covid-19 nào, đánh dấu ngày thứ 21 không có trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Tới nay, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 3.135 ca mắc bệnh, trong đó có 58 trường hợp tử vong. Đây cũng là ngày đánh dấu Thái Lan bước vào giai đoạn 4 nới lỏng phong tỏa cùng với việc lệnh giới nghiêm ban đêm được dỡ bỏ và nhiều hoạt động trong danh mục nguy cơ cao nhất được nối lại, mặc dù Sắc lệnh Về tình trạng khẩn cấp vẫn còn hiệu lực.
* Tại Philippines, tổng số ca dương tính với SARS-CoV-2 đã lên tới 26.420 sau khi Bộ Y tế thông báo ghi nhận thêm 490 ca nhiễm. Số người tử vong trong ngày là 10, nâng tổng số bệnh nhân không qua khỏi tại nước này lên 1.098 ca.
* Chính phủ Singapore xác nhận, bắt đầu từ ngày 19/6 tới sẽ bước vào giai đoạn 2 của quá trình mở cửa nền kinh tế sau hơn 2 tuần thực hiện mở cửa giai đoạn 1 từ ngày 2/6.
Trong giai đoạn 2, hầu hết các hoạt động xã hội và kinh doanh sẽ được nối lại như kinh doanh bán lẻ, cửa hàng ăn uống, các cuộc tập trung ngoài xã hội theo nhóm nhỏ từ 5 người trở xuống; các lớp bồi dưỡng kiến thức, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, các trung tâm thể dục thể thao sẽ được mở cửa trở lại; học sinh từ tất cả các cấp học sẽ đến trường hằng ngày…
Tuy nhiên, một số hoạt động có số lượng lớn người tham gia như các dịch vụ tôn giáo, các địa điểm văn hóa lớn như thư viện và bảo tàng, các sự kiện quy mô lớn như hội nghị, triển lãm, hội trợ và các địa điểm giải trí như quán bar, rạp chiếu phim và câu lạc bộ đêm… vẫn bị đóng cửa. Người dân vẫn phải tiếp tục thực hiện giữ khoảng cách an toàn ít nhất 1m và đeo khẩu trang khi ra ngoài và tại nơi làm việc.
* Iran cảnh báo có thể sẽ tái áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để đảm bảo giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn đà lây lan dịch bệnh sau khi quốc gia này ngày thứ 2 liên tiếp ghi nhận hơn 100 ca tử vong vì dịch bệnh.
Trong ngày 15/6, Bộ Y tế Iran thông báo thêm 113 ca tử vong vì dịch Covid-19, nâng tổng số ca thiệt mạng lên 8.950 người. Bên cạnh đó, thêm 2.449 người mới được xác nhận mắc bệnh, nâng tổng số ca mắc tại Iran lên 189.876 ca.
* Bộ Y tế Ai Cập thông báo ghi nhận thêm 1.691 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên tới 46.289 người. Ngoài ra, theo cơ quan này, đã có thêm 97 bệnh nhân tử vong do Covid-19 trong 24 giờ qua, con số cao nhất được ghi nhận trong ngày kể từ khi dịch bùng phát, nâng tổng số ca thiệt mạng do căn bệnh nguy hiểm này đã lên đến 1.672 người. Bên cạnh đó, đã có thêm 398 bệnh nhân mắc Covid-19 khỏi bệnh và được ra viện, qua đó nâng tổng số trường hợp khỏi bệnh lên 12.329 người.
Tại Việt Nam, đã 61 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Số ca mắc Covid-19 được ghi nhận là 334, trong đó, 323 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Trong 11 bệnh nhân còn điều trị, có 5 bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 từ 1 lần trở lên.