Bộ trưởng TN&MT cho hay trong mùa khô hạn, các quốc gia thượng nguồn sông Mê Kông chỉ cần giữ lại 20% nước tại các hồ chứa, thủy điện thì an ninh nguồn nước của Việt Nam sẽ bị đe dọa…
Ngày 15-6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế, xã hội và ngân sách.
Trước tình hình khô hạn, xâm mặn diễn ra tại nhiều vùng trong cả nước đặc biệt là ở ĐBSCL, Tây Nguyên… nhiều đại biểu Quốc hội đã nhấn mạnh đã đến lúc Việt Nam phải có giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước.
Lý do, đây không chỉ là chính sách ổn định cuộc sống của người dân, phát triển bền vững mà còn liên quan đến ổn định chính trị, chủ quyền quốc gia và quyền quyết định đến an ninh lương thực.
Giải trình trước Quốc hội về nội dung này, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho biết vấn đề các đại biểu nêu ra là “hoàn toàn đúng đắn”, nhiều năm qua ngành tài nguyên và môi trường đã có những nghiên cứu và xác định các giải pháp.
Ông Hà cho hay mặc dù Việt Nam là đất nước có lượng nước dồi dào, tuy nhiên phần lớn nguồn nước này đến từ các con sông chảy vào Việt Nam. “Trung bình mỗi năm các sông, suối xuyên biên giới chuyển vào Việt Nam lượng nước khoảng 520 tỉ m3, chiếm khoảng 63% tổng lượng nước trung bình hàng năm. Trong khi đó, tỷ lệ sử dụng nước nội địa của người dân lại thấp hơn so với mức bình quân của khu vực và thế giới” – ông nói.
Bên cạnh đó, do tác động kép của biến đổi khí hậu khiến cho việc phân bổ nước không đều theo địa lý, theo mùa. Điều này dẫn đến nhiều vùng đất của Việt Nam xưa kia màu mỡ, phì nhiêu nay bị khô hạn, xâm mặn như các đại biểu Quốc hội đã chỉ ra. Đây không chỉ làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân mà còn ảnh hưởng đến chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.
“Như ở ĐBSCL, Nghị quyết số 120 (tháng 11-2017 của Chính Phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu) đã chỉ ra, nếu không thay đổi cơ cấu phát triển kinh tế thì chúng ta không đảm bảo được tính bền vững” – ông Hà cho hay.
Bộ trưởng TN&MT cho hay các nước ở thượng nguồn chiếm đến 20% trữ lượng nước các con sông, suối chảy vào Việt Nam thông qua các hồ chứa, hồ thủy điện. Vào mùa khô hạn, các con sông, suối này mất khoảng 70-80% lượng nước do biến đổi khí hậu và chỉ còn 20 – 30% lượng nước. “Nếu họ giữ lại lượng nước này thì phải nói là chúng ta sẽ mất an ninh nguồn nước” – ông Hà nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng TN&MT, những nghiên cứu của Ngân hàng thế giới (WB) đã chỉ ra thể chế về nước của Việt Nam đang có vấn đề. Cụ thể, Việt Nam chưa có sự phối hợp chặt chẽ, chưa có đầu tư để đảm bảo được hạ tầng về nước; chưa có chính sách kinh tế, tài chính về nước.
“Hiện nay, 80% lượng nước sử dụng của Việt Nam là dùng cho nông nghiệp. Hiệu quả sử dụng trên một đơn vị m3 ở nước ta mới có 2,37 USD, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới là 19,57 USD, thậm chí còn thấp hơn các nước trong khu vực là Lào 2,57 USD, Philippin 2,58 USD. Điều này có nghĩa chúng ta phải làm rất nhiều biện pháp để nâng hiệu quả sử dụng nước trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung” – Bộ trưởng TN&MT nhấn mạnh.
Về các giải pháp, người đứng đầu ngành tài nguyên môi trường cho biết những năm qua Bộ TN&MT đã xác định và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đảm bảo an ninh nguồn nước.
Đầu tiên là tiếp tục xem xét lại thể chế để rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước.
Thứ hai là làm rõ để tìm nguồn lực đầu tư vào cho vấn đề hạ tầng như quan trắc, xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn nước.
Thứ ba là công tác quy hoạch, thứ tư là làm tốt cơ chế phối hợp với các nước có liên quan. Ngoài ra, chủ động triển khai hợp tác chia sẻ nguồn nước xuyên biên giới thông qua hợp tác song phương, hợp tác đa phương.
“Bên cạnh hợp tác Ủy hội sông Mê Kông, sông Lan Thương chúng ta phải đưa vấn đề này lên quốc tế hóa, nhiều thiết chế chúng ta phải cùng với các nước vận động để tham gia vào thiết chế chung của quốc tế”- ông Hà nhấn mạnh.