Tái đàn là giải pháp căn cơ và bền vững để bình ổn giá heo chứ không phải ồ ạt nhập heo từ các nước.
Một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập tại buổi thảo luận ngày 13-6 là vấn đề ổn định giá thịt heo đang ở mức cao và nguồn thịt heo đang thiếu.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi thuộc Bộ NN&PTNT, cho biết: “Phải đến quý III-2020 thì nguồn cung heo thịt và heo giống mới cơ bản ổn định”.
Không phải cứ muốn là có ngay
Phóng viên: Giá thịt heo vẫn đang ở mức cao do nguồn cung thiếu hụt, giải pháp bền vững nhất là đẩy mạnh tái đàn heo. Hiện tình hình tái đàn heo đang được thực hiện thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Trọng (ảnh): Ngay từ khi cơ bản kiểm soát được dịch tả heo châu Phi (DTHCP) vào cuối năm 2019, đầu năm 2020 thì các địa phương mới tăng cường tái đàn. Tuy nhiên, giá con giống rất cao vì các công ty có heo giống nhưng họ chủ yếu phục vụ cho mình, rất ít bán ra bên ngoài.
Do đó, trong quý I, quý II-2020 đã xảy ra tình trạng thiếu con giống, thiếu nguồn cung thịt heo. Giá heo giống đã lên trên dưới 3 triệu đồng/con nhưng vẫn không có để mua. Có những tỉnh thiếu đến 50% con giống để tái đàn.
Hiện giờ muốn nuôi 20 con heo thì cần có 60 triệu đồng, muốn nuôi 100 con thì vốn cần 300 triệu đồng, chưa kể tiền thức ăn. Ở nông thôn vay 300 triệu đồng đâu phải đơn giản.
Vậy Bộ NN&PTNT đã có giải pháp gì để hỗ trợ nông dân và khắc phục những khó khăn này?
Ông Nguyễn Văn Trọng: Bộ NN&PTNT đã có rất nhiều văn bản gửi cho các tỉnh đề nghị nếu đủ điều kiện công bố hết dịch thì phải công bố kịp thời, tạo mọi điều kiện để người dân yên tâm tái đàn, phát triển đàn heo. Cạnh đó, bộ yêu cầu các địa phương nhanh chóng hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để chi trả tiền hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do DTHCP năm 2019, tạo điều kiện về vốn, tín dụng, chính sách về mặt đất đai cho người dân tái đàn…
Vừa rồi, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng khuyến khích các doanh nghiệp nhập khẩu heo cha mẹ để sớm có nguồn cung cấp heo thương phẩm cho người chăn nuôi. Rất nhiều công ty đã nhập heo cha mẹ về để phối giống luôn.
Theo ông, đến khi nào số heo giống và nguồn cung thịt heo trong nước mới đáp ứng đủ?
Ông Nguyễn Văn Trọng: Tính đến đầu tháng 5, đàn heo tái đàn được 24,9 triệu con, đã đạt 80,3% so với trước khi xảy ra dịch. Dự kiến đến quý III-2020 này, tình hình con giống và nguồn cung thịt heo mới đáp ứng đủ, như vậy giá thịt heo, giá con giống mới giảm xuống và ổn định. Đây là chu kỳ sinh học chứ không phải mình muốn có ngay là được.
Chỉ nhập khẩu heo trong thời gian ngắn
Có ý kiến cho rằng đây là thời điểm vàng để tái cơ cấu ngành chăn nuôi?
Ông Nguyễn Văn Trọng: Trong đó cơ cấu chăn nuôi, trước khi xảy ra dịch thịt heo vẫn chiếm 70%, thịt gà 21%, thịt gia súc ăn cỏ chỉ chiếm 9%. Vì vậy, vừa qua khi chăn nuôi heo bị ảnh hưởng do DTHCP dẫn đến một loạt biến động, ảnh hưởng đến người tiêu dùng, ảnh hưởng giá cả thị trường và các yếu tố xã hội, kinh tế khác.
Trong chiến lược chăn nuôi, chúng tôi dự kiến đưa thị phần thịt heo xuống 60%-62%, tăng thịt gia súc ăn cỏ lên 11%-12%, gia cầm lên 28%. Vì nếu để cao như vậy ngành chăn nuôi heo có rất nhiều yếu tố bất cập, đặc biệt là vấn đề giải quyết ô nhiễm môi trường rất khó. Về chăn nuôi nông hộ, chỉ có thể giảm dần mà không thể xóa bỏ hoàn toàn nhưng dần dần chăn nuôi nông hộ sẽ mang tính chuyên nghiệp.
Sau khi có thông tin Bộ NN&PTNT đồng ý cho nhập khẩu heo sống từ Thái Lan, giá heo hơi trong nước giảm liên tiếp trong nhiều ngày qua. Ông đánh giá thế nào về động thái này?
Ông Nguyễn Văn Trọng: Nếu không nhập thì không thể giảm nhiệt giá thịt heo đang ở mức cao như hiện nay. Ngay khi có kế hoạch nhập khẩu heo sống, giá thịt heo trong nước đã giảm nhiệt ngay lập tức. Đơn cử như ở Đồng Nai, thủ phủ nuôi heo thì hôm cao điểm nhất là 98.000 đồng/kg heo hơi, đến nay đã giảm còn 92.000 đồng/kg. Tôi nghĩ rằng giá chắc chắn sẽ còn giảm nữa nhưng để đi vào ổn định và cơ bản chủ động nguồn thịt heo phải vào cuối quý III.
Tuy nhiên, bộ trưởng đã yêu cầu chỉ nhập trong thời gian ngắn, sau đó thịt heo hạ nhiệt thì lại trở về kiểm soát như cũ. Bộ Công Thương cũng hỏi ý kiến về việc giảm thuế nhập khẩu thịt heo, quan điểm của tôi đồng ý về việc tạo điều kiện cho nhập khẩu nhưng chính sách chỉ thực hiện trong năm 2020. Sau năm 2020 lại trở về chính sách như cũ, vì nếu không sẽ không bảo vệ được ngành chăn nuôi trong nước.
Được nhập khẩu heo sống từ ngày 12-6
Bộ NN&PTNT đã có công văn gửi Cục Thú y cho phép nhập khẩu heo sống từ nước ngoài vào Việt Nam để nuôi hoặc giết mổ làm thực phẩm từ ngày 12-6. Hiện đã có nhiều công ty đăng ký nhập hàng trăm ngàn con heo thịt, heo giống từ Thái Lan. |
Không tái đàn bằng mọi giá
Ông có lời khuyên nào dành cho công ty chăn nuôi và người dân hiện vẫn đang đứng giữa ngã ba đường, không biết tiếp tục tái đàn hay chuyển đổi sang nghề khác?
Ông Nguyễn Văn Trọng: Các cơ quan nhà nước khuyến cáo tăng cường công tác tái đàn, tăng đàn nhưng người dân vẫn phải chủ động xem đã có đủ điều kiện về an toàn sinh học, nguồn vốn hay chưa để tái đàn.
Tôi cũng khuyên mặc dù giá heo đang cao nhưng không vì thế mà người dân tìm mọi cách để tái đàn. Hiện nay giá giống cao, chi phí giá thành cho sản phẩm cao nhưng không phải sáu tháng sau giá cũng cao như vậy. Ở Việt Nam người dân hay chăn nuôi theo phong trào, khi giá cao thì tăng cường nuôi, khi giá rẻ thì bỏ chuồng.
Vậy giải pháp căn cơ nhất để giải bài toán về thịt heo là gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Trọng: Người chăn nuôi dù là nông hộ nhưng cần phải có liên kết chuỗi thành các tổ hợp tác, nhóm hộ, hợp tác xã, có tổ trưởng quản lý. Nếu doanh nghiệp muốn đến ký hợp đồng thu mua giết mổ thì phải ký với cả chuỗi, còn nếu ký với từng hộ thì rủi ro rất cao, lúc đắt thì bán ra ngoài, rẻ bán cho người ta nên doanh nghiệp không mặn mà.
Việc liên kết chuỗi cũng tạo thành sản phẩm mang tính đồng nhất, có điều kiện thuận lợi khi mua thức ăn, thuốc thú y. Khi bán cũng chủ động hơn cho người mua.
Xin cám ơn ông!
Bộ trưởng khuyên ăn thịt gà
Giải trình trước các đại biểu Quốc hội ngày 13-6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết một trong những nguyên nhân dẫn đến giá thịt heo cao là do ảnh hưởng của DTHCP khiến đàn heo trong nước sụt giảm, gây hiện tượng cung ít, cầu nhiều. Ông Cường cho hay từ tháng 3-2019, ngành nông nghiệp đã có chủ trương phát triển các nhóm thực phẩm khác như gà, thủy sản, trứng. Chính vì thế, cuối năm 2019, cả nước có 760.000 tấn thực phẩm bù đắp, không xảy ra thiếu thực phẩm. “Nhân diễn đàn này, chúng tôi đề nghị tập trung khuyến cáo và lựa chọn các thực phẩm đa dạng. Không có lý gì bây giờ toàn dân cứ tập trung ăn thịt heo cả. Thịt gà rất tốt, do bà con nông dân sản xuất ra. Cá cũng vậy, tôm cũng vậy, trứng cũng vậy. Đều của nông dân Việt cả. Đa dạng các loại thực phẩm vừa bổ dưỡng tốt cho cơ thể vừa không gây áp lực cho một ngành nào” – ông Cường nói. |