Bên cạnh việc tiếp tục miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp, cần có thêm gói cho vay lãi suất thấp hơn, tăng cơ hội tiếp cận vốn để bảo đảm việc làm, sinh kế cho người lao động
Ngày 13-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội (QH)thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước.
Bảo đảm việc làm, tiền lương
Các đại biểu (ĐB) đánh giá cao quá trình phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam và gọi đó là “kỳ tích” khi được nhiều nước trên thế giới ghi nhận.
Tuy nhiên, các ĐB đã dành phần lớn thời gian để phân tích những khó khăn, đặc biệt là của người dân, doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh hậu đại dịch, đề xuất Chính phủ các nhóm giải pháp để hồi phục sản xuất, kinh doanh, bảo đảm đời sống cho nhân dân và người lao động.
Bàn về giải pháp hỗ trợ DN, ĐB Nguyễn Như So (Bắc Ninh) nêu giải pháp về dòng tiền. Theo đó, DN có tiếp cận được dòng tiền mới kích hoạt được cỗ máy kinh doanh, tái khởi động. Ông So cho rằng cần phải có thêm gói cho vay với lãi suất thấp hơn, tăng cơ hội tiếp cận vốn, tránh tình trạng DN ngưng hoạt động, phá sản trước khi tiếp cận được vốn để cải thiện dòng tiền.
Vị ĐB tỉnh Bắc Ninh cũng nhấn mạnh hỗ trợ DN để bảo đảm tiền lương cho người lao động, bởi dù chịu thiệt hại lớn trong dịch nhưng không ít DN vẫn nỗ lực bảo đảm việc làm cho 80% đến 90% lao động.
“Kiên quyết không để các DN phá sản, bởi DN là nơi tạo ra công ăn việc làm, bảo đảm sinh kế cho người dân, góp phần ổn định tình hình chính trị” – ĐB Nguyễn Như So bày tỏ quan điểm.
Kiến nghị với Chính phủ về các gói giải pháp miễn, giảm, giãn thuế cho DN, ĐB Hoàng Quang Hàm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của QH, cho rằng cần tập trung vào các DN còn hoạt động, có doanh thu, có lãi, không bao quát hết.
“Để bảo đảm dòng tiền cho DN vượt qua khó khăn, dự báo còn kéo dài, ngoài chính sách tiền tệ cần tiếp tục giãn thời gian nộp thuế, kể cả năm 2021” – ĐB Hoàng Quang Hàm nhấn mạnh và lưu ý vấn đề lớn hiện nay là dịch Covid-19 gây đứt gãy chuỗi sản xuất. Để lấp đầy lỗ hổng này, ngoài việc thu hút, chọn lọc nguồn vốn đầu tư nước ngoài, phát triển kinh tế tư nhân thì cần tính đến vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.
Cần có một cuộc “trở về” với DN trong nước, bởi đây mới chính là động lực quan trọng của nền kinh tế, đặc biệt sau dịch Covid-19. Đây là quan điểm của ĐB Phạm Trọng Nhân (tỉnh Bình Dương) khi ông cho rằng quy mô đầu tư nước ngoài càng lớn thì nội lực nền kinh tế có chiều hướng yếu đi, dễ tổn thương trước khủng hoảng, nên việc gia cố lại nền kinh tế tại thời điểm này là vô cùng cấp bách.
“Từ việc về liên kết vùng, kết nối các địa phương, cùng với Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa sẽ gắn kết các thành phần DN thành một hệ thống chặt chẽ, tham gia sâu vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu. Làm sao để kết nối chuỗi giá trị không được dừng lại ở mức khiêm tốn của chiếc vỏ hộp 2 USD trong chiếc điện thoại mà phải cả ngàn USD” – ĐB Nhân kỳ vọng.
Quyết liệt hơn nữa
Cũng tại phiên thảo luận, nhiều ĐB quan tâm đến quá trình xét xử một số vụ án “nóng” được cử tri quan tâm.
ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án Hồ Duy Hải, vụ lùi xe trên đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, vụ nhảy lầu tự tử ở TAND tỉnh Bình Phước, vụ gỗ trắc ở Quảng Trị… gây bức xúc, nghi ngờ trong dư luận về tính đúng đắn trước phán quyết của tòa, cũng như những vi phạm trong hoạt động tố tụng.
ĐB Hoàng Đức Thắng nhấn mạnh vụ gỗ trắc tại tỉnh Quảng Trị có nhiều dấu hiệu oan sai, vi phạm nghiêm trọng pháp luật trong tố tụng và Đoàn ĐBQH Quảng Trị đã giám sát báo cáo, kiến nghị giám đốc thẩm nhưng đến nay chưa được xem xét trả lời. Trong khi đó, người dân phải chấp hành án phạt tù trong sự đau khổ, uất ức.
“Có thể nói đây là phần nổi của tảng băng chìm đang bào mòn lòng tin của người dân, nhưng nó là hồi chuông để hối thúc QH tiếp tục quyết liệt hơn nữa trách nhiệm giám sát của mình để bảo đảm cho pháp luật được thượng tôn, niềm tin của nhân dân vào nền tư pháp được củng cố” – ĐB Thắng nhấn mạnh.
Tham gia tranh luận, ĐB Phạm Hồng Phong, Phó Chánh án TAND Cấp cao tại TP HCM, cho biết khi xét xử thì hội đồng xét xử phải đọc hồ sơ, kiểm tra chứng cứ, lời khai, tranh tụng để đưa ra phán quyết. Theo ông Phong, không nên chỉ qua một vài trang giấy, một vài bình luận của báo chí để đưa ra một quyết định thiếu cơ sở.
“Theo tôi, hiện nay rất nhiều thế lực phản động đang chống phá nên chúng ta hết sức cảnh giác” – ông Phong nói và nhấn mạnh các hoạt động phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp đều đã được quy định rõ.
Trong hoạt động xét xử, ĐB Phong nhấn mạnh rằng bản án có hiệu lực nếu có sai phạm thì người tham gia tố tụng có quyền làm đơn khiếu nại, yêu cầu theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm và có quyền làm đơn khiếu nại gửi ĐBQH, đoàn ĐBQH để kiến nghị.
“Chúng ta không nên đưa ra những hiện tượng cá biệt để đánh giá bản chất của một nền tư pháp. Tôi chia sẻ sự mất mát của gia đình nhưng không nên bức xúc, tiêu cực để giải quyết vụ việc mà thiếu suy nghĩ, mà phải tiếp tục thực hiện những bước còn lại của pháp luật quy định” – ĐB Phong nêu quan điểm.
Chưa hoàn toàn đồng tình, ĐB Hoàng Đức Thắng bấm nút tranh luận. Vị ĐB tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh những phát biểu của ông trước QH và cử tri là xuất phát từ trách nhiệm, tình cảm, vì dân, vì công lý, vì trách nhiệm xây dựng chung, trong đó có các cơ quan tư pháp. “ĐBQH không thể và không được vô cảm trước nhân dân, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh” – ĐB Thắng bày tỏ.
Theo ĐB Hoàng Đức Thắng, các vụ án gây xôn xao dư luận và sự hoài nghi của nhân dân mà ông nêu ra trước QH là có thật. Ông lưu ý rằng không đánh giá là xử lý đúng hay sai mà là thông tin để ngành tòa án, các cơ quan tư pháp tự soi lại, kiểm tra lại, rà soát lại xem có đúng như dư luận phản ánh hay không.
“Nếu không đúng thì đó là điều hạnh phúc, còn đúng là nếu chưa tốt thì chúng ta phải làm cho tốt, lấy lại niềm tin của nhân dân” – ĐB Thắng nhấn mạnh.
Cấp bách xử lý sạt lở
Các vấn đề như giá thịt heo tăng cao, hạn hán, xâm nhập mặn, an ninh nguồn nước cũng được các ĐB đề cập.
ĐB Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa – Vũng Tàu) đề nghị Chính phủ có giải pháp hữu hiệu, tạo điều kiện cho DN, hộ gia đình tái đàn chăn nuôi và kích cung để bảo đảm nguồn cung trong nước. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết cung – cầu chưa gặp nhau nên thịt heo tăng giá, nguồn cung giảm mạnh do dịch tả heo châu Phi.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, các giải pháp tái đàn đã được triển khai, có giải pháp hỗ trợ người dân, DN về con giống, nhưng phải bảo đảm bền vững vì còn nguy cơ dịch quay lại. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp đã phát triển các nguồn thực phẩm khác như gà, thủy sản, trứng. Người dân có thể sử dụng các thực phẩm khác thay thịt heo như gà, tôm, cá đều là những sản phẩm có chất lượng rất tốt.
Về sạt lở bờ sông, bờ biển tại khu vực ĐBSCL, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá là vấn đề cấp bách cần xử lý ngay. Với hơn 242.000 km sạt lở, cần tới hơn 18.000 tỉ đồng để triển khai các giải pháp trước mắt, trong đó tập trung bố trí lại chỗ ở, đời sống, sản xuất cho đối tượng bị ảnh hưởng. Đến nay, các bộ ngành, địa phương đã giải ngân được hơn 11.000 tỉ đồng để ứng phó với sạt lở bờ sông, bờ biển. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, các ĐB đã nêu rất trúng về tình trạng hạn hán ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên. Hiện các hồ thủy lợi lớn như Tân Mỹ (Ninh Thuận) đang được đẩy nhanh tiến độ để giải quyết bài toán hạn hán.
Chặn việc “quan đi lạc vào hộ cận nghèo”
ĐB Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) đề nghị các chính sách hỗ trợ người dân, DN phải kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của cộng đồng và người dân để tránh tình trạng “bò đi lạc nhà quan, quan đi lạc vào hộ cận nghèo” như báo chí đã nêu trong thời gian gần đây. |
Muốn bưng bít, người ta cũng biết
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho rằng những phát biểu về hành pháp, tư pháp là phản ánh những băn khoăn của cử tri, thể hiện trách nhiệm của ĐBQH. Nói về vấn đề “thế lực thù địch” như ĐB Phạm Hồng Phong nêu, ĐB Trương Trọng Nghĩa trích lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh để làm rõ thêm: “Có những cán bộ tưởng là công khai phê bình khuyết điểm của mình là có hại, thế lực thù địch sẽ lợi dụng để tuyên truyền, giảm bớt uy tín của đoàn thể và chính quyền. Thế là tưởng lầm, thế là ốm mà sợ thuốc. Nếu không muốn kẻ địch lợi dụng phản tuyên truyền thì không gì hơn là khắc phục khuyết điểm và sửa chữa khuyết điểm. Một khi đã phạm khuyết điểm thì muốn bưng bít người ta cũng biết”. |