Chiều 13/6, giải trình thêm trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường thừa nhận là có việc “thiếu thịt lợn”, nguyên nhân giá tăng là do quy luật cung cầu chưa gặp nhau. Bộ trưởng cũng khuyến cáo nên lựa chọn thực phẩm khác thay bằng thịt lợn.
Phải đến cuối năm mới phục hồi đàn lợn
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, thời điểm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Chính phủ đã yêu cầu đối với ngành Nông nghiệp, là bằng giá nào cũng phải bảo đảm hai chỉ tiêu: lương thực và thực phẩm. “Đất nước gần 100 triệu dân, trong bối cảnh đại dịch, hai chỉ tiêu này không hoàn thành sẽ có rất nhiều hệ lụy xảy ra. Trước tình hình đó, với chỉ đạo chung của Trung ương, ngành Nông nghiệp cũng như các địa phương, các thành phần kinh tế, có nhiều cố gắng” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Ông cho biết: “Đến giờ phút này điểm lại mục tiêu lương thực rất đáng mừng, tất cả vụ xuân từ Bắc – Trung – Nam, chúng ta đã thu hoạch xong 3 triệu ha với sản lượng cao nhất, năng suất bình quân 60 tạ, tổng sản phẩm bảo đảm 20,5 triệu tấn lương thực”.
Đây là mục tiêu mà bà con nông dân, các thành phần kinh tế và hệ thống chính trị chúng ta đã đạt được, góp phần quan trọng vào việc củng cố kết quả chống dịch Covid – 19. Từ đó, đưa lại 3 kết quả kép: Tổng sản phẩm vụ xuân cao nhất trong những năm gần đây, giá thành sản xuất chỉ hơn 3.000 đồng/kg, bà con nông dân bán ra thấp nhất 5.800 đồng/kg, bà con được giá. Xuất khẩu gạo 5 tháng đạt 3 triệu tấn, tăng 19% về giá trị. Lương thực đạt kết quả tích cực trong hoàn cảnh khó khăn…
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, “tất cả mục tiêu, tiến độ của chúng ta đều cơ bản đáp ứng, trừ giá lợn hơi cao”.
Bộ trưởng cho biết, do dịch tả lợn châu Phi là loại dịch bệnh rất đặc biệt, hết sức nguy hiểm cho ngành chăn nuôi lợn trên thế giới và Việt Nam. Tháng 8/2018, chính thức xảy ra ở Trung Quốc, sau một năm rưỡi, trên toàn thế giới 33 nước bị ảnh hưởng, và tổng đàn lợn của toàn thế giới vào tháng 12/2019 đã bị giảm 12%. Trung Quốc là quốc gia bị tổn thương lớn nhất giảm tới 53%, kéo theo hệ lụy là giá lợn cao.
“Quyết tâm chúng ta thì cần phải có thời gian. Quý I/2020, chúng ta phải nhập 1 triệu tấn thịt lợn. Vì dịch này đặc biệt như vậy, nên ảnh hưởng đến chúng ta, thiệt hại tổng số xấp xỉ 6 triệu con lợn, về lượng giảm 20%. Đây là nguyên nhân cơ bản gây biến động giá thịt lợn” – người đứng đầu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.
Trước tình hình đó, ngay từ tháng 3/2019, nước ta đã có chủ trương phát triển các nhóm thực phẩm khác, là phát triển đàn gà, thủy sản, trứng. Cuối năm 2019, bù đắp được 760 nghìn tấn, do đó không xảy ra thiếu thực phẩm.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận có tình trạng “thiếu thịt lợn”. Theo lộ trình phải phục hồi đàn đến quý IV/2020, thì số lợn sẽ ngang bằng 31 triệu con trước khi bị dịch. Chính vì thế, theo Bộ trưởng: “quy luật cung cầu chưa gặp nhau, nên giá tăng”.
Bộ trưởng cho biết: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo ngành Nông nghiệp, các địa phương đẩy nhanh hơn quá trình tái đàn, tuy nhiên vừa phải bảo đảm tái đàn nhưng vừa phải bền vững, vì nguy cơ dịch quay trở lại rất cao, do đó, không phải “cứ quay trở lại, cứ tái đàn một cách bừa bãi”, Bộ trưởng nói.
Nói về việc tái đàn mà theo nhiều đại biểu Quốc hội, đây là vấn đề quan trọng nhất, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần tập trung tái đàn cho các hộ nhỏ lẻ, vừa bảo đảm an toàn, vừa bảo đảm đủ giống cho các hộ này và bảo đảm tính bền vững khi tái đàn, không bị tái dịch.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu 15 đơn vị lớn, là các doanh nghiệp không chỉ chăm lo con giống, mà còn phải bán, cung cấp dịch vụ cho người dân. Rất nhiều địa phương cũng có chính sách hỗ trợ, như Hà Nội hỗ trợ 4 triệu đồng/con lợn giống, Nghệ An 2 triệu đồng/con.
“Phải hỗ trợ cho bà con nông dân lúc này, chứ nếu không 3 triệu đồng/con giống, thì tiền đâu mua con giống. Đây là sự rất cố gắng. Nhà nước cũng đã bị thiệt hại” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ.
Trước tình hình khan hiếm thịt lợn, người đứng đầu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra khuyến nghị: “nên lựa chọn thực phẩm đa dạng, không có lý gì cứ tập trung ăn thịt lợn, có thể ăn cá, tôm, trứng, gà… đều của nông dân cả, vừa bổ dưỡng, tốt cho cơ thể, vừa không gây áp lực lên ngành hàng nào”.
“Không thể nói thịt lợn đắt thì chuyển qua ăn thịt gà, trứng”
Tuy nhiên, ý kiến lựa chọn thực phẩm của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường không nhận được sự đồng tình của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH).
Bấm nút tranh luận, ĐBQH Thái Trường Giang (Cà Mau) bày tỏ chia sẻ những khó khăn với ngành Nông nghiệp về dịch tả lợn Châu Phi từ cuối năm 2018, tuy nhiên, ĐB cho rằng, những giải pháp Bộ trưởng nêu ra thì ĐB chưa đồng tình.
“Đồng ý rằng ở đây là vấn đề quy luật cung – cầu, cung thiếu trong khi cầu nhiều nên vừa qua mệnh lệnh hành chính không hiệu quả, giải pháp đưa ra không thể nói rằng thịt lợn đắt quá thì chuyển qua ăn thịt gà, trứng gà. Đề nghị Bộ trưởng xem lại giải pháp của mình” – ĐB Thái Trường Giang thẳng thắn chỉ ra.
ĐB Thái Trường Giang cho biết thêm: “Việc nuôi gia công cho các doanh nghiệp, bà con thu được tiền công 4.000 đồng/kg thịt lợn. Đến khi khó khăn, thì người nuôi không được lợi gì nhiều, còn người tiêu dùng thì giá cao; tư thương với các doanh nghiệp điều chỉnh sẽ làm cho giá thịt lợn không thể giảm. Bây giờ phát sinh thêm chuyện nhập lậu ở các tỉnh giáp biên giới. Đề nghị Bộ trưởng xem lại vấn đề này”.
Nhân dịp này, ĐB cũng đề nghị Chính phủ xem xét việc điều hành giá. Theo ĐB, ngoài giá thịt lợn còn vấn đề giá xăng. “Ví dụ, giữa tháng 3 vừa qua, giá xăng giảm 50% nhưng các mặt hàng khác, dịch vụ khác không hề giảm theo giá xăng. Ngược lại, khi giá xăng tăng thì tất cả các loại mặt hàng khác đều tăng theo xăng. Chính phủ cần xem lại các giải pháp và điều hành, điều chỉnh giá theo quy luật cung cầu cho hợp lý” – ĐB Thái Trường Giang gửi kiến nghị đến Chính phủ.