Khu vực khai thác đất lậu bị đào sâu, xe cộ hạng nặng vào ra chở đất liên tục nhưng chính quyền xã sau khi nhận được tin báo thì chỉ lập biên bản trộm 8 m3!.
Ngày 12-6, chúng tôi đã trở lại hiện trường vụ khai thác đất lậu ở trang trại ông Nguyễn Dành tại Khe Cóc, xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Tại điểm khai thác lậu mà ông này đã cho Công ty CP đầu tư 468 (đơn vị thi công gói XL10 dự án Cam Lộ – La Sơn) thuê làm bãi thải, đất đá đã đổ xuống nhưng vẫn chừa lại miệng hố rộng hàng chục m2, sâu hoắm.
Tại hiện trường, đại diện Công ty CP đầu tư 468 nói rằng khu vực này mới chỉ đổ thải lấp ở 2 hồ cá, đắp đường với khối lượng khoảng 60.000 m3. Riêng vị trí hố đào đất trộm, người này nói rằng họ không đổ đất lấp lại mà ai đó đã tiến hành. “Khai thác đất trộm ở khu vực này ảnh hưởng đến việc đổ thải, chúng tôi không thể tính được khối lượng mình đã vận chuyển tới. Khi phát hiện sự việc, chúng tôi đã báo cáo với UBND xã Thủy Phù và họ có vào lập biên bản” – người này nói thêm.
Và biên bản lập hiện trường vào 7 giờ ngày 9-6 do ông Lê Hữu Trí, Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Phù ký, kèm với đó là chữ ký thừa nhận của ông Dành, nêu rõ ông Dành đã múc đất trái phép từ trang trại chở đi với khối lượng 8 m3!
Trước đó vài giờ, đêm 8-6, Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế ập vào bắt quả tang việc khai thác đất trộm ở đây. Một hố rộng chừng 400 m2, sâu hàng mét đã được đào lấy đất. Cách đó chừng 100 m, cũng thuộc trang trại ông Dành là một điểm khai thác khác.
Trước khi cảnh sát ập vào, chúng tôi ghi nhận hoạt động khai thác đất trộm ở đây chẳng khác nào một khu mỏ có phép với hàng chục đầu xe tải trọng 5-20 m3, 2 xe múc và tiến hành đào đất ở 2 điểm. Xe liên tục vào ra chở đất đi.
Chưa cần đối chứng hiện trường, với khối lượng 8 m3 mà UBND xã Thủy Phù lập thì chỉ mới chưa đầy thùng của một xe loại 3 trục có mặt tại hiện trường khai thác đất trộm.
Lý giải điều này, ông Trí nói rằng vào thời điểm đoàn của xã vào ghi nhận hiện trường thì hố khai thác nằm trong khu vực bãi thải đã bị lấp lại một phần nên khối lượng chỉ chừng đó. Các điểm khai thác khác thì xã không ghi nhận được hoặc đã lập biên xử lý trước đó.
Lập luận trên của ông Trí quả thật “có vấn đề” bởi hiện trường khu vực khai thác đất lậu ở bãi tập kết đất thải vẫn chưa lấp lại hoàn toàn hố đã đào. Tại đây vẫn còn một diện tích lớn, ít nhất thể tích của nó cũng gấp hàng chục lần con số 8.
Còn điểm khai thác đất lậu thứ 2 chỉ cách điểm đầu chưa tới 100 m, dấu hiệu đất bị đào còn mới toanh, trên một khu vực rộng lớn nhưng “xã không phát hiện” thì quả thật rất lạ.
Theo hồ sơ, khu vực này ông Nguyễn Dành được thuê với diện tích hơn 19 ha, từ năm 2005-2025 để làm trang trại tổng hợp rừng – vườn – ao – chuồng. Tuy nhiên, Phòng Kinh tế thị xã Hương Thủy cho biết mô hình của ông đã làm sai phương án được duyệt.
Chúng tôi nghi ngờ rằng đây không phải là lần đầu ông Dành “hợp tác” với người ngoài đào trộm đất đi bán. Ngay ở khu vực giáp với Nghĩa trang nhân dân phía Nam có một con đường mở vào trang trại ông, dấu vết xe vẫn còn mới. Một khu vực đất rộng hàng ngàn mét vuông đã bị cạo thấp xuống vài mét, đất đã chở đi, hàng chục ngôi mộ vừa mới đắp lên. Cạnh đó là khu vực điểm khai thác lậu với những dấu vết cũ – mới trên diện tích rộng lớn đầy nham nhở.
Với những khối lượng đất đó ông Dành đào, nếu đã bán đi thì số tiền thu lợi bất chính sẽ rất lớn. Và tin chắc rằng ông này rất sẵn sàng mở hầu bao nộp phạt khối lượng khai thác đất trái phép 8 m3 mà chính quyền xã đã lập.
Trước đó, vào ngày 10-6, Báo Người Lao Động đã đăng tải bài viết Khai thác đất lậu, chính quyền ở đâu? Bài báo phản ánh tình trạng khai thác đất trái phép chở đi bán làm vật liệu san lấp xảy ra tại trang trại ông Dành. Sự việc đã bị Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế bắt quả tang.
Hiện, chúng tôi đang đợi thông tin xử lý từ Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế để cung cấp đến bạn đọc.