Trong hai ngày 10- 11/6 tại Lai Châu, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức khóa tập huấn vận động chính sách về lồng ghép nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Khóa tập huấn diễn ra với mục tiêu nâng cao kỹ năng vận động và lồng ghép các vấn đề biến đổi khí hậu và nông nghiệp thông minh vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Học viên tham gia tập huấn là cán bộ Ban quản lý dự án thuộc Hội Nông dân tỉnh Lai Châu, các thúc đẩy viên và cán bộ nông nghiệp đến từ hai xã Bình Lư, huyện Tam Đường và xã Bản Lang, huyện Phong Thổ cùng đại diện nhóm nông dân thích ứng của hai thôn bản Nà Cà (xã Bình Lư) và bản Hợp 1 (xã Bản Lang).
Trong hai ngày tập huấn, các học viên thảo luận về hoạt động nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu đang thực hiện ở thôn bản; xác định nhu cầu và các lĩnh vực cần lồng ghép nông nghiệp thông minh với kế hoạch địa phương; kiến thức và kỹ năng nhất định trong việc vận động và lồng ghép chính sách…
Trong khuôn khổ tập huấn, học viên được tham quan mô hình trồng rau thủy canh tại xã San Thàng, từ đó trao đổi, đánh giá và học tập các mô hình nông nghiệp thân thiện với môi trường.
Nhận xét về khóa tập huấn, chị Lành Thị Tâm, Chi hội trưởng Phụ nữ bản Hợp 1, xã Bản Lang, huyện Phong Thổ chia sẻ: “Tôi được trang bị những kỹ năng cần thiết để nhân rộng mô hình chăn nuôi và trồng trọt mới, từ đó áp dụng tại địa phương và chính gia đình của tôi. Sau khóa tập huấn, tôi sẽ tuyên truyền và vận động bà con thực hiện các mô hình nông nghiệp thân thiện với môi trường, hướng dẫn các phương pháp sản xuất bền vững để ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu”.
Anh Nguyễn Ngọc Trản, Thúc đẩy viên nhóm nông dân thích ứng bản Hợp 1, xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cho biết: “Khóa tập huấn giúp tôi củng cố những kĩ năng thúc đẩy nhóm hoạt động trong việc lồng ghép nông nghiệp thông minh vào kế hoạch phát triển của địa phương. Tôi cũng như các cán bộ khác sẽ trở thành cầu nối giữa nông dân với chính quyền xã khi triển khai các phương pháp sản xuất thông minh”.
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường tiếng nói và năng lực của các nhóm nông dân người dân tộc dễ bị tổn thương đối với biến đổi khí hậu ở Tây Bắc Việt Nam (VOF)”. Dự án được tiến hành thông qua việc xây dựng mô hình các Làng nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu tại một số địa phương ở Sơn La và Lai Châu.