Quốc hội Việt Nam vừa phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do với Liên minh Châu Âu (EVFTA) đã mở ra một kỷ nguyên hợp tác liên Chính phủ mới về phúc lợi động vật và bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) giữa hai bên.
Trước đó, vào đầu năm nay, Nghị viện châu Âu và Hội đồng Liên minh châu Âu đã phê chuẩn thỏa thuận thương mại này. Tổ chức Quốc tế Humane Society International (HSI) tin tưởng rằng, Hiệp định này có tiềm năng rất lớn trong việc thúc đẩy bảo vệ ĐVHD và tăng cường hợp tác liên quan đến đối xử nhân đạo với vật nuôi và động vật nói chung, nếu các nguồn lực được cung cấp đầy đủ.
TS. Joanna Swabe, Giám đốc cao cấp về các vấn đề công cộng của HSI/Châu Âu, cho biết: Đây là cơ hội lịch sử để tăng cường hợp tác bảo vệ động vật. Mặc dù, các điều khoản liên quan đến phúc lợi động vật rất hạn chế, nhưng ít nhất Hiệp định này đã tạo ra một cơ hội cho Liên minh châu Âu cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường năng lực để nâng cao phúc lợi động vật trang trại ở Việt Nam.
Bà Thẩm Hồng Phượng, Giám đốc HSI Việt Nam cho biết, ngoài việc chia sẻ kiến thức và hỗ trợ kỹ thuật cần thiết về phúc lợi động vật trang trại, Hiệp định EVFTA cũng bao gồm các điều khoản có thể hỗ trợ các nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong giảm thiểu việc buôn bán trái phép các sản phẩm ĐVHD. Thực tế hiện nay, Việt Nam vẫn đang tiếp tục bị xem là “điểm nóng” cung cấp, tiêu thụ và trung chuyển của nạn buôn lậu ĐVHD.
HSI Việt Nam hy vọng, thông qua việc thực hiện đúng thỏa thuận thương mại và hợp tác phát triển này, chúng ta sẽ thực hiện thành công giảm nhu cầu sử dụng đối với các sản phẩm động vật hoang dã trái phép và tăng cường năng lực thực thi của các cơ quan chức năng thông qua các khoá đào tạo tập huấn và các bộ công cụ phù hợp giải quyết các vấn nạn của việc buôn lậu ĐVHD.
Việc buôn bán bất hợp pháp này không chỉ gây ra mối đe dọa đối với đa dạng sinh học và môi trường sống tự nhiên, mà còn có thể là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng như đã và đang thể hiện trong đại dịch COVID-19 gần đây. Rõ ràng, theo các quy định hiện hành, việc buôn bán và tiêu thụ các loài ĐVHD ở Việt Nam là bất hợp pháp, nhưng việc thực thi những quy định này còn nhiều hạn chế.
Sau khi Hiệp định Thương mại có hiệu lực, cả HSI Châu Âu và HSI Việt Nam đều có ý định đăng ký tham gia các Nhóm tư vấn quốc gia tương ứng, sẽ được thành lập, nhằm cho phép các đại diện xã hội dân sự giám sát việc thực hiện hiệp định thương mại tự do này.
Liên minh châu Âu và Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư vào 30/6/2019. Hội đồng Liên minh châu Âu đã phê chuẩn thỏa thuận vào ngày 30/3/2020 sau khi Nghị viện châu Âu ký vào ngày 12/2/2020. Chương trình Hợp tác và Xây dựng Năng lực EVFTA đưa ra tuyên bố rằng: “Các Bên đồng ý hợp tác về phúc lợi động vật khi cần thiết, bao gồm hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực để phát triển các tiêu chuẩn phúc lợi động vật”. |