Phóng viên TTXVN tại Geneva dẫn báo cáo mới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết cuộc khủng hoảng do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra có nguy cơ dẫn đến sự gia tăng số lao động trẻ em lần đầu tiên sau 20 năm giảm.
Theo báo cáo, số lao động trẻ em trên thế giới đã giảm 94 triệu kể từ năm 2000, nhưng thành quả này có nguy cơ bị đẩy lùi do dịch COVID-19.
Theo Tổng giám đốc ILO Guy Ryder, dịch COVID-19 khiến các gia đình mất thu nhập, nhiều gia đình không được hỗ trợ có thể phải cho con em đi làm kiếm thu nhập. Chính vì vây, bảo vệ xã hội là rất quan trọng trong thời kỳ khủng hoảng này vì hỗ trợ cho những người dễ bị tổn thương nhất. Việc đưa các mối quan tâm đối với lao động trẻ em vào các chính sách về giáo dục, bảo trợ xã hội, công bằng, thị trường lao động, nhân quyền và quyền lao động quốc tế, giúp tạo nên khác biệt.
Báo cáo trên nhấn mạnh dịch COVID-19 có thể dẫn đến gia tăng đói nghèo, qua đó làm gia tăng số lao động trẻ em. Báo cáo dẫn các nghiên cứu ở một số quốc gia cho thấy tỷ lệ nghèo đói cứ tăng 1% sẽ dẫn đến gia tăng ít nhất 0,7% số lao động trẻ em. Trẻ em có thể bị buộc làm việc nhiều giờ hơn hoặc trong điều kiện và hình thức làm việc tồi tệ hơn, gây nhiều tác hại đối với sức khỏe và an toàn của các em.
Báo cáo dẫn lời Giám đốc điều hành UNICEF Henrietta Fore cho rằng trong thời kỳ khủng hoảng do COVID-19, nghèo đói tăng lên, các trường học đóng cửa và các dịch vụ xã hội giảm sút, nhiều trẻ em buộc phải tham gia lực lượng lao động. Giáo dục chất lượng, dịch vụ bảo trợ xã hội và cơ hội kinh tế tốt hơn có thể thay đổi tình trạng này.
Cũng theo báo cáo này, có những bằng chứng cho thấy số lao động trẻ em đang gia tăng khi các trường học đóng cửa do dịch COVID-19. Hơn 1 tỷ trẻ em ở hơn 130 quốc gia đã bị ảnh hưởng do các trường học tạm thời đóng cửa. Kể cả khi các trường học bắt đầu mở lại, nhiều gia đình không còn đủ khả năng cho con đến trường, kết quả là nhiều trẻ em có thể bị buộc phải làm những công việc bóc lột sức lao động và nguy hiểm.
Để ngăn chặn nguy cơ gia tăng số lao động trẻ em, ILO đề xuất một số biện pháp như bảo trợ xã hội toàn diện hơn, tạo điều kiện để các hộ gia đình nghèo tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn, đảm bảo công việc ổn định cho người lớn cùng với việc đưa trẻ em trở lại trường học.
Hiện ILO và UNICEF đang nghiên cứu mô hình mô phỏng tác động của COVID-19 đối với lao động trẻ em trên thế giới. Dự kiến, những đánh giá mới về lao động trẻ em trên toàn cầu sẽ được công bố vào năm 2021.