Ủy ban điều tra đã bắt giữ ba nhân viên tại nhà máy điện nơi xảy ra sự cố hàng nghìn tấn dầu diesel rò rỉ vào đất và đường thủy thuộc vùng Bắc Cực.
Theo The Moscow Times, sự cố tràn hơn 21.000 tấn nhiên liệu – các nhà môi trường nhận định là lớn nhất từ trước đến nay ở Bắc Cực – diễn ra sau khi một bể dự trữ nhiên liệu khổng lồ của một nhà máy nhiệt điện bị vỡ hôm 29.5 gần Norilsk, một thành phố xa xôi ở miền bắc nước Nga phía trên vòng Bắc Cực.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ban bố tình trạng khẩn cấp và người đứng đầu công ty kim loại Norilsk Niken – nơi vận hành nhà máy nhiệt điện – đã cam kết sẽ chi trả cho những hoạt động làm sạch môi trường sau sự cố, ước tính trị giá khoảng 146 triệu USD.
Ủy ban điều tra sự cố cho biết đã bắt giữ giám đốc nhà máy Pavel Smirnov, cùng với hai kỹ sư vì nghi ngờ vi phạm các quy tắc bảo vệ môi trường. Nếu bị buộc tội, những người này sẽ đối mặt với án tù lên tới 5 năm.
“Bể nhiên liệu đã phải tiến hành đại tu quy mô lớn từ năm 2018 nhưng sau đó các nghi phạm vẫn tiếp tục vận hành, hành vi này vi phạm các quy tắc an toàn và bảo vệ môi trường. Kết quả là sự cố đã xảy ra”, tuyên bố của ủy ban nêu rõ.
Trong các tài liệu được công bố hôm 9.6, phía công ty Norilsk Niken cho biết bể chứa nhiên liệu được xây dựng vào năm 1985, sau khi sửa chữa vào năm 2017 và 2018, nó đã được kiểm định là an toàn và nghiệm thu.
“Công ty coi kết luận này là khắt khe một cách vô lý. Những người bị giam giữ đang hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật, tuy nhiên, họ sẽ giúp ích được nhiều hơn nếu giờ đây có mặt dọn dẹp ở hiện trường”, hãng tin RIA Novosti dẫn lời phó chủ tịch công ty Nikolai Utkin cho hay.
Giới chức khu vực thông báo dù đã nỗ lực ngăn chặn rò rỉ sau sự cố, nhưng giờ đây dầu đã tràn tới một hồ nước ngọt – là nguồn cung cấp nước chính cho khu vực.
Không chỉ vậy, ô nhiễm còn có thể lan tới biển Kara ở Bắc Băng Dương phía bắc Siberia, chuyên gia Vladimir Chuprov của tổ chức Hòa bình xanh Nga chia sẻ trên AFP và gọi viễn cảnh đó là một “thảm họa”.
Trước đó, công ty Norilsk Niken cho biết sự cố xảy ra có thể do sự nóng lên toàn cầu đã làm tan các khối băng vĩnh cửu bên dưới bể chứa nhiên liệu, khiến các cọc móng của bể chứa đột ngột bị sụt lún.