Ngày 11/6, Trung Quốc đã phóng thành công một vệ tinh quan sát đại dương mới vào quỹ đạo từ Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên ở tỉnh Sơn Tây, miền Bắc nước này.
Cơ quan Vũ trụ quốc gia Trung Quốc (CNSA) xác nhận tên lửa Trường Chinh-2C, mang theo vệ tinh HY-1D, đã rời bệ phóng lúc 2h31 sáng 11/6 (theo giờ Bắc Kinh). Theo CNSA và Bộ Tài nguyên Trung Quốc, vệ tinh HY-1D sẽ kết hợp với vệ tinh HY-1C, được phóng hồi tháng 9/2018, tạo thành nhóm vệ tinh đầu tiên của Trung Quốc chuyên dịch vụ hàng hải dân sự và giúp tăng gấp đôi dữ liệu quan sát đại dương hiện nay.
Nhóm vệ tinh này dự kiến sẽ cải thiện khả năng của Trung Quốc trong việc quan sát màu nước biển, tài nguyên ven biển và môi trường sinh thái, đồng thời tăng cường hỗ trợ trong các lĩnh vực khí tượng, nông nghiệp, bảo tồn nước và giao thông. Nhóm vệ tinh này cũng sẽ giữ vai trò quan trọng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu và xây dựng văn minh sinh thái.
HY-1D là vệ tinh cảm biến từ xa quan sát đại dương thứ 4 của Trung Quốc, có chức năng tương tự HY-1C. Máy quét trên vệ tinh có thể quan sát được màu sắc của đại dương trên toàn cầu và đo nhiệt độ mặt biển mỗi ngày với độ phân giải không gian là 1,1km. Hình ảnh về môi trường nước ven biển, khu vực ven biển, môi trường sinh thái sông hồ sẽ được chụp 3 ngày 1 lần với độ phân giải không gian 50m.
Vệ tinh HY-1D cũng được trang bị hệ thống nhận diện tự động các tàu thuyền. Những dữ liệu này sẽ được dùng để khảo sát tài nguyên và môi trường, thúc đẩy việc ngăn ngừa và giảm nhẹ thảm họa hàng hải, sử dụng bền vững tài nguyên biển, đưa ra cảnh báo sớm đối với hệ sinh thái biển và bảo vệ môi trường.