Trung Quốc đã trở thành tác nhân hủy diệt môi trường sống ở Biển Đông khi việc nạo vét, bồi đắp để xây dựng các đảo nhân tạo trái phép hòng thực hiện tham vọng chủ quyền phi pháp cùng những hoạt động đánh bắt kiểu tận diệt đã tàn phá nghiêm trọng môi trường của vùng biển này.
Đòi Trung Quốc bồi thường cho việc tàn phá môi trường biển
Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario ngày 8-6 vừa qua đã có phát biểu gây chú ý khi cho rằng, Philippines có quyền tịch thu tài sản của Trung Quốc để đền bù tác động môi trường từ việc Bắc Kinh ngang nhiên xây đảo nhân tạo và đánh bắt trái phép ở Biển Đông.
Lên tiếng tại cuộc hội thảo trực tuyến do Thượng nghị sĩ nước này Risa Hontiveros chủ trì vào ngày 8-6, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Albert del Rosario nêu rõ, một khi khoản tiền gây thiệt hại của Trung Quốc được xác định, Chính phủ Philippines có quyền thu giữ tài sản thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc tại Philippines để thanh toán nợ của Trung Quốc đối với người dân Philippines.
Sở dĩ ông Albert del Rosario nêu ra quan điểm trên là bởi tại hội thảo có trích dẫn một nghiên cứu của Viện Khoa học Hàng hải Đại học Philippines (UP MSI) tính toán rằng, Trung Quốc nợ Philippines hơn 230 tỷ Peso (hơn 4,6 tỷ USD) do sự tàn phá các rạn san hô và sinh vật biển khác từ các hành động phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Trước đó, vào tháng 4 vừa qua, người chủ trì cuộc hội thảo là Thượng nghị sĩ Risa Hontiveros cũng đã đệ trình lên Thượng viện Philippines một dự luật đòi Trung Quốc bồi thường khoảng 200 tỉ Peso (khoảng 4 tỷ USD) với lý do Trung Quốc đã tàn phá 1.850 ha ở biển, số liệu cũng trích dẫn từ một nghiên cứu của UP MSI.
Để bồi thường cho những thiệt hại mà Trung Quốc gây ra tại các vùng biển thuộc chủ quyền Philippines ở Biển Đông, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Albert del Rosario đề xuất thu giữ tài sản mà Trung Quốc sở hữu ở Philippines. Trong đó, theo ông Albert del Rosario, hiện Trung Quốc đang sở hữu cổ phần lớn tại Tập đoàn Lưới điện Quốc gia Philippines (NGCP) và China Telecom, công ty viễn thông lớn thứ ba ở Philippines.
Tập đoàn lưới điện nhà nước Trung Quốc (SGCC) đã sở hữu tới 40% cổ phần của NGCP kể từ năm 2008. Trong khi đó, tập đoàn China Telecom của Trung Quốc cũng sở hữu tới 40% cổ phần của liên doanh viễn thông Dito Telecommunity với dự đoán có thể trở thành nhà cung cấp viễn thông thứ 3 của Philippines vào tháng 3-2021.
Việc tịch thu tài sản của Trung Quốc tại Philiipines được xem như “một mũi tên trúng hai đích”, vừa để đền bù cho những tàn phá môi trường biển của Trung Quốc, vừa ngăn ngừa trước những hậu họa khó lường trong tương lai. Giới chuyên gia cho rằng, thông qua SGCC, Bắc Kinh trên lý thuyết có thể ngắt nguồn cung cấp điện cho toàn bộ đất nước Philippines. Tương tự, nhiều chuyên gia và giới chức chính phủ Philippines cũng đã cảnh báo về những rủi ro an ninh do việc China Telecom tham gia sâu vào thị trường viễn thông Philippines.
Bày tỏ lo ngại những hành vi hủy hoại môi trường biển của Trung Quốc, ông Albert del Rosario kêu gọi Chính phủ Philippines liệt kê những hành vi của Bắc Kinh ở Biển Đông trước Đại hội đồng Liên hợp quốc. Vị cựu Bộ trưởng Ngoại giao và cựu Phó chánh án Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio cho rằng, chỉ có nỗ lực đa phương mới có thể buộc Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biển Đông, bao gồm phán quyết ngày 12-7-2016 của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) mà theo đó bác bỏ toàn bộ yêu sách đòi chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh đối với Biển Đông.
Các hoạt động phi pháp gây thiệt hại lớn cho vùng biển
Việc cựu Bộ trưởng Ngoại giao Philippines lên tiếng về việc Trung Quốc tàn phá môi trường biển trong quá trình bồi đắp, xây dựng trái phép các đảo nhân tạo ở Biển Đông là cảnh báo mới nhất về thực trạng từng được dư luận khu vực và thế giới đề cập tới thời gian qua. Trung Quốc với tham vọng độc chiếm Biển Đông đã dùng sức mạnh chiếm đóng trái phép nhiều hòn đảo, thực thể thuộc chủ quyền hợp pháp của các quốc gia khác ở vùng biển này, đặc biệt là những hòn đảo và thực thể thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Trong đó, Trung Quốc sau khi dùng vũ lực cưỡng chiếm 7 bãi đá, rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988 đã triển khai hoạt động bồi đắp trái phép quy mô lớn những thực thể này thành các đảo nổi nhân tạo, thiết lập trên đó các căn cứ quân sự lớn có cả sân bay với đường băng dài 3.000m và hải cảng nước sâu. Trong đó, lớn nhất là đá Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi.
Theo ước tính, các hoạt động phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông đã gây thiệt hại tới 98% diện tích san hô tại vùng biển này. Trong đó, hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo nổi nhân tạo trái phép của Trung Quốc gây thiệt hại khoảng 14/15km2, hoạt động nạo vét của Trung Quốc gây thiệt hại khoảng 39/40km2, hoạt động nạo vét làm bến đỗ, kênh rạch cho tàu thuyền đi lại của Trung Quốc gây thiệt hại khoảng 2/3km2, và hoạt động khai thác trai khổng lồ của Trung Quốc gây thiệt hại khoảng 104/104 km2.
Việc nạo nét, bồi đắp, xây dựng trái phép các đảo nhân tạo của Trung Quốc đã hủy hoại vĩnh viễn 1.370ha rạn san hô trên 7 bãi đá, rạn san hô ở Biển Đông và đi liền với đó là sự phá hủy 160km2 đáy biển. Hoạt động bồi đắp trái phép của Trung Quốc đã vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) vốn quy định trách nhiệm của các nước thành viên công ước đối với việc bảo vệ môi trường trong bất kỳ hoạt động nào, đồng thời vi phạm Công ước về đa dạng sinh học (CBD) năm 1994 mà Trung Quốc, Việt Nam và các quốc gia trong khu vực đều là thành viên của hai công ước này.
Theo giới chuyên môn, các hệ thống rạn san hô ngoài khơi là nét đặc trưng cơ bản của Biển Đông, được phát triển kế thừa trên nền đá núi lửa cổ với các cấu trúc địa lý như đảo nhỏ (thường dưới 1km2), đá, bãi cạn và các vụng nước nông trong các rạn san hô vòng. Rạn san hô là hệ sinh thái quan trọng và dễ bị tổn thương nhất trong đại dương và biển, nhưng lại là “ngôi nhà chung” của khoảng 3.000 loài sinh vật trong Biển Đông.
Các rạn san hô ngoài khơi còn là nơi cung cấp các chất dinh dưỡng, nguồn giống hải sản và ấu trùng tôm cá… để nhờ đó mà Biển Đông có mức đa dạng sinh học và giá trị bảo tồn cao, có nguồn lợi thủy sản phong phú, giàu có. Ước tính, Biển Đông có tới 3.365 loài hải sản sinh sống và nguồn sinh vật biển phong phú này còn đáng giá hơn cả doanh thu cả chục tỷ USD mỗi năm bởi chúng giúp đảm bảo an ninh lương thực cho số dân lên tới hàng trăm triệu người ven vùng biển này.
Những hoạt động bồi đắp, xây trái phép đảo nhân tạo của Trung Quốc đã hủy hoại hệ sinh thái biển ở khu vực bãi cạn Scarborough thuộc quyền kiểm soát của Philippines cũng như hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Tham vọng độc chiếm Biển Đông đang biến Trung Quốc thành một “kẻ hủy diệt” ở vùng biển đóng vai trò sống còn với không chỉ các quốc gia, vùng lãnh thổ khác trong khu vực.