Châu Âu hối thúc AIIB áp dụng tiêu chuẩn khí hậu cao hơn

Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) có thể gây bối rối cho các cổ đông châu Âu nếu tiếp tục đầu tư vào những dự án có hàm lượng carbon cao.

Sau 4 năm thành lập, AIIB đang rà soát những tiêu chuẩn xã hội và môi trường mà các khoản đầu tư phải đáp ứng. Đây là cơ hội để ngân hàng phát triển đa phương (MDB) non trẻ nhất thế giới cho thấy họ đang học hỏi từ những sai lầm ban đầu và đặt ra một tiến trình mới tránh xa các khoản đầu tư ô nhiễm và có hàm lượng carbon cao.

Thậm chí, AIIB nóng lòng chứng minh rằng mình không hề kém cạnh các MDB khác bằng việc công bố Khung môi trường và xã hội (ESF) đầu tiên ngay khi chính thức ra mắt vào tháng 1/2016, chỉ sau một khoảng thời gian tham vấn ngắn. Việc công bố ESF rất quan trọng với các cổ đông châu Âu – những đơn vị luôn cần chứng minh với chính phủ của họ rằng AIIB đang thực hiện nghiêm các vấn đề môi trường và xã hội, và việc họ tham gia AIIB là hành động phù hợp theo chính sách riêng của họ.

Sự hấp dẫn của AIIB khiến các nước châu Âu vội vã tham gia gần một năm trước khi ra ngân hàng này ra mắt chính thức. Đặc biệt, quyết định xin làm thành viên AIIB của Vương quốc Anh từng làm đảo lộn mối quan hệ của nước này với Hoa Kỳ – nước đặt nghi vấn về việc một tổ chức do Trung Quốc lãnh đạo (AIIB là sáng kiến của Trung Quốc) có thể hoặc sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn cao của các MDB khác, như Ngân hàng Thế giới?

Các nước châu Âu hiện nắm khoảng 23% quyền biểu quyết, trong đó Đức là cổ đông lớn thứ tư của AIIB. Vương quốc Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Hà Lan cũng có cổ phần đáng kể. Không ngạc nhiên khi Luxembourg được yêu cầu tổ chức cuộc họp thường niên đầu tiên bên ngoài châu Á của AIIB vào năm 2019.

Người châu Âu nắm những vị trí hàng đầu tại AIIB từ rất sớm. Chuyên gia kỳ cựu người Đức Joachim von Amsberg của Ngân hàng Thế giới và cựu Bộ trưởng Anh Alexander Alexander đều tham gia với vai trò phó chủ tịch vào tháng 2/2016, ngay sau đó là Thierry de Longuemar – một chuyên gia MDB kỳ cựu khác. Đức là quốc gia đầu tiên phụ trách khu vực đồng Euro (Eurozone) trong Hội đồng quản trị AIIB, còn Vương quốc Anh phụ trách khu vực châu Âu bao quát hơn.

Yếu về khí hậu

Như cổ đông và xã hội dân sự đã chỉ ra, một trong những thiếu sót quan trọng của Khung môi trường và xã hội (ESF) là diễn đạt rõ ràng và toàn diện về biến đổi khí hậu. Ngay từ đầu, chủ tịch AIIB Kim Lập Quần từng tuyên bố tiêu chí “xanh” là một phần cơ bản trong chức năng nhiệm vụ của ngân hàng. Tuy nhiên, định chế này khá chậm trong việc áp dụng vào thực tế. Một câu hỏi quan trọng cho đánh giá ESF là làm cách nào diễn đạt mạnh mẽ hơn để ngăn chặn các khoản đầu tư có hàm lượng carbon cao và khuyến khích đầu tư vào carbon thấp.

Kết quả nói lên tất cả. Cách diễn đạt về biến đổi khí hậu trong ESF hiện giờ không thể hiện dấu ấn trong danh mục đầu tư của AIIB. Ví dụ, ESF tuyên bố rằng AIIB nên ưu tiên đầu tư vào “cơ sở hạ tầng trung tính về phát thải khí nhà kính và chống biến đổi khí hậu”. Nhưng ngành năng lượng chiếm tỷ trọng cao nhất trong danh mục đầu tư tổng thể của AIIB, cứ 1 đô la AIIB đầu tư vào năng lượng tái tạo thì ít nhất định chế này cũng đầu tư gấp đôi vào nhiên liệu hóa thạch.

Năm 2019, Recourse tiết lộ không có khoản đầu tư nào của AIIB tại Bangladesh – một quốc gia dễ bị tổn thương bởi khí hậu nhắm vào các dự án năng lượng tái tạo. Thay vào đó, danh mục đầu tư của AIIB tại nước này nặng về nhiên liệu hóa thạch. Tính đến đầu tháng 5 năm nay, hơn 1/2 giá trị các khoản đầu tư của AIIB vào lĩnh vực năng lượng là tập trung cho nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là khí tự nhiên, so với chưa đến 1/4 cho năng lượng tái tạo.

Châu Âu thúc đẩy khí hậu

Biến đổi khí hậu là một điểm nghẽn với các cổ đông châu Âu. Họ đang tìm cách tránh để báo chí bêu xấu việc luân chuyển tài chính công chảy vào các dự án nhiên liệu hóa thạch, làm suy yếu cả các mục tiêu bền vững và khí hậu chung và riêng của họ.

Trong khi đó, chiến lược năng lượng năm 2017 của AIIB là một sự thất vọng lớn vì áp lực của châu Âu không thể khiến định chế cấm đầu tư vào than hoặc thậm chí đưa ra cách diễn đạt hoặc các phương thức có ý nghĩa để định hướng AIIB đi theo con đường carbon thấp. Ví dụ, trong khi AIIB đo lường lượng khí thải nhà kính giảm được thông qua các dự án triển khai nhưng không bao giờ đo mức phát thải từ những khoản đầu tư được thêm vào.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi khí hậu là ưu tiên hàng đầu của các nước châu Âu trong ESF sửa đổi. Châu Âu cũng ưu tiên dữ liệu khí hậu để đo lường hiệu quả mức độ xanh trong dự thảo chiến lược doanh nghiệp mới mà AIIB đang phát triển và dự kiến được Hội đồng phê duyệt vào tháng 9.

Các nước châu Âu có rất nhiều thứ phải tuân thủ. Tháng 11/2019, Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) chuyển sang đứng đầu khối MDB với tuyên bố sẽ không đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch từ cuối 2021. Nhưng uy tín về khí hậu không chỉ quan trọng đối với các cổ đông châu Âu mà cho chính AIIB.

Năm 2017, AIIB cùng các MDB khác, bao gồm Ngân hàng Thế giới và EIB tham gia vào nỗ lực điều chỉnh các chính sách và hoạt động để đáp ứng Thỏa thuận chung Paris. Tuy nhiên, ngoài những lời hoa mỹ, AIIB không có gì nhiều để trưng ra. Không chỉ có nhiều điểm yếu trong ESF, AIIB còn thiếu hẳn một chiến lược hoặc kế hoạch hành động về khí hậu để đạt được các giá trị đang tìm kiếm một cách có ý nghĩa, toàn diện và minh bạch. Đây cũng là điều trái ngược với các MDB khác.

Vương quốc Anh có lý do đặc biệt để được quan tâm bởi quốc gia nàyy là chủ nhà của các cuộc đàm phán về khí hậu toàn cầu tiếp theo, hiện đã bị hoãn đến tháng 11/2021. Tuy nhiên, cam kết của Vương quốc Anh có thể bị hủy hoại nếu AIIB không cải thiện. Khối MDB dự kiến sẽ báo cáo tiến trình về nỗ lực tuân thủ Thỏa thận chung Paris tại Hội nghị thượng đỉnh cấp cao diễn ra ở Paris vào tháng 11, ban đầu dự kiến trùng với các cuộc đàm phán về khí hậu. Điều này mang lại cho AIIB 6 tháng để chứng minh rằng mình không chỉ tham gia cho có mặt.

Giống như chiến lược doanh nghiệp của AIIB, Hội đồng quản trị dự kiến sẽ phê duyệt ESF mới vào tháng 9. Có thể không đủ thời gian cho một chiến lược khí hậu đầy đủ nhưng AIIB ít nhất cũng có thể phát đi các tín hiệu về tham vọng cao hơn. AIIB sẽ phát hành dự thảo ESF mới để lấy ý kiến công chúng vào tháng 6 này nhưng các cổ đông châu Âu cảnh báo rằng họ không ký vào phiên bản cuối cùng nếu chưa giải quyết được một cách có ý nghĩa các vấn đề như khí hậu ngay cả khi mất nhiều thời gian hơn.

Đẩy mạnh về khí hậu cũng có thể giúp AIIB dẫn đầu trong bối cảnh khác. Khi các MDB chật vật ứng phó với đại dịch Covid-19, người châu Âu kêu gọi khối MDB “tái thiết tốt hơn”, nhất là trong bối cảnh khi các quốc gia tìm cách đối phó với khủng hoảng và lên kế hoạch phục hồi hậu tác động. Những phản ứng thân thiện với khí hậu là cần thiết cho cả sự phục hồi từ đại dịch và khủng hoảng khí hậu sắp xảy ra. Nếu biết tận dụng lợi thế, AIIB có thể đi đầu trong hành động phục hồi bền vững.

Thế Anh (Theo chinadialogue)

Nguồn: