Từ ngày 10/6 đến 12/6/2020, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF Việt Nam) tổ chức tập huấn sử dụng bộ công cụ giám sát quản trị rừng và tổ chức thử nghiệm thu thập thông tin tại địa phương nhằm tiến tới hoàn thiện việc xây dựng phần mềm giám sát quản trị rừng.
Mục tiêu của việc xây dựng bộ công cụ giám sát quản trị rừng là nhằm giúp các tổ chức ngoài công lập có thể chủ động tham gia quá trình đánh giá, giám sát việc thực thi các chính sách lâm nghiệp, đặc biệt là Hiệp định đối tác tự nguyện về Thực thi lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (VPA-FLEGT), bắt đầu được thực hiện vào năm 2021 và Sáng kiến Giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng (REDD+).
Tham gia tập huấn gồm đại diện một số tổ chức xã hội, các hợp tác xã lâm nghiệp và ban quản lý một số khu bảo tồn của Quảng Nam.
Hoạt động này bao gồm hai phần: 1/Giới thiệu bộ công cụ giám sát quản trị rừng cho các tổ chức và cán bộ tại địa phương; và 2/ thử nghiệm và hoàn thiện các biểu mẫu thu thập thông tin tại Quảng Nam với việc khảo sát tại Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm, Quỹ BVPTR tỉnh Quảng Nam, Hạt Kiểm lâm, Phòng Nông nghiệp, Ban quản lý RPH Nam Giang, Khu BTTN Sông Thanh, UBND xã Ta Bhing, UBND xã La Dêê và các hộ gia đình tại xã Ta Bhing.
Hoạt động nằm trong Dự án Tiếng nói vì rừng Mê Kông (Voice for Mekong Forests – V4MF) nhằm hỗ trợ các tổ chức ngoài công lập tham gia một cách có hiệu quả vào tiến trình quản trị rừng. Dự án đã xây dựng bộ chỉ số giám sát quản trị rừng như là một công cụ để giúp cho các tổ chức ngoài công lập thực hiện hoạt động này. Hiện tại, bộ chỉ số giám sát này đang trong tiến trình thử nghiệm, dự kiến sẽ hoàn chỉnh và đưa vào áp dụng vào cuối năm 2020.
Dự án Tiếng nói vì rừng Mê Kông nhằm tăng cường vai trò của các tổ chức ngoài công lập trong quản trị rừng ở khu vực Mê Kông (V4MF) được thực hiện tại 5 nước bao gồm: Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar. Tại Việt Nam, Dự án triển khai thí điểm tại 04 huyện thuộc tỉnh Quảng Nam, bao gồm: Phước Sơn, Nam Trà My, Tây Giang và Nam Giang. Các bên tham gia thực hiện dự án tại Việt Nam bao gồm Trung tâm Vì con người và rừng (RECOFTC), Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF Việt Nam) và Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature). |