PAHO ban hành hướng dẫn hạn chế tác động tới cộng đồng nhạy cảm

Những yếu tố làm tăng nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng nhạy cảm theo PAHO là tỷ lệ người mắc bệnh kinh niên cao, ít được chăm sóc an sinh xã hội, tập tục văn hóa đi ngược giãn cách xã hội.

Người vô gia cư xếp hàng chờ nhận lương thực cứu trợ bên ngoài một bệnh viện ở Mexico City, Mexico ngày 9/5/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 9/6, Tổ chức Y tế toàn châu Mỹ (PAHO) đã ban hành hướng dẫn tác động của đại dịch viêm đường hô hập cấp tới các cộng đồng nhạy cảm như người da màu và thổ dân bản địa, bao gồm các biện pháp chủ yếu như bảo đàm nguồn nước sạch và xà phòng, làm việc với các thầy lang y học dân tộc và cung cấp thông tin bằng các ngôn ngữ thổ dân.

Văn bản dài 15 trang này nhấn mạnh: “Điều quan trọng là phải ý thức được tình trạng phân biệt chủng tộc về cấu trúc và tính lịch sử mà những cộng động này đã và đang gánh chịu, điều khiến họ trở nên nhạy cảm hơn với các hệ quả của đại dịch so với dân chúng nói chung.”

PAHO, chi nhánh châu lục của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khẳng định các nhóm sắc tộc này luôn phải đối diện với tỷ lệ nghèo đói cao và tỷ lệ tới trường thấp, không được tiếp cận đầy đủ nguồn nước sạch và các dịch vụ vệ sinh khác và vấp phải nhiều rào cản văn hóa, kể cả ngôn ngữ.

Những yếu tố trực tiếp làm tăng nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong các cộng đồng này theo PAHO là tỷ lệ người mắc các bệnh kinh niên cao, ít được mạng lưới an ninh xã hội chăm sóc, tập tục văn hóa đi ngược lại giãn cách xã hội và tỷ lệ lao động thời vụ cao.

Tổ chức châu lục này cũng khuyến cáo việc đưa các khái niệm về sắc tộc vào trong các thống kê y tế, tích hợp các yếu tố văn hóa vào các chiến dịch chăm sóc sức khỏe, áp dụng các biện pháp phù hợp với nhu cầu của từng nhóm sắc tộc khác nhau và coi trọng các truyền thống, tập tục trong việc chôn cất người chết trong bối cảnh đại dịch.

PAHO đặc biệt nhấn mạnh những thách thức mà các cộng đồng thổ dân tại vùng châu thổ sông Amazon – bao gồm các vùng lãnh thổ của 8 nước Nam Mỹ là Braisl, Peru, Colombia, Bolivia, Ecuador, Venezuela, Guyana và Surinam, nơi vẫn còn 826 cộng đồng thuộc hơn 400 sắc tộc sinh sống theo hình thức sơ khai, trong đó có 200 nhóm sinh hoạt biệt lập tự nguyện.

Thống kê của tổ chức này chỉ ra rằng các nhóm sắc tộc thiểu số này không chỉ thường xuyên gánh chịu các bệnh dịch truyền nhiễm như lao, sốt rét, sởi và sốt vàng, mà còn thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh, trong khi 85% người dân trong số này đang trong tình trạng thiếu an ninh lương thực.

Nguồn: