Theo dự báo của Tổng cục Khí tượng thủy văn trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diện tích băng ở các cực liên tục giảm và nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng nhanh. Nắng nóng cao nhất trong 140 năm qua. Việt Nam là một trong những quốc gia ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Tuy vậy, nắng hạn gia tăng ở Việt Nam không chỉ có nguyên nhân từ thiên tai…
Dù đầu hè, nhưng nắng nóng và khô hạn bắt đầu xảy ra khốc liệt khắp nơi. Đặc biệt khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Đâu đâu cũng lâm cảnh sông khô, hồ cạn, ruộng đồng nứt nẻ, rừng khô cỏ cháy. Không đủ nước để sản xuất, tưới tiêu trồng trọt đã đành, đến nước sạch sinh hoạt của người dân cũng bị thiếu trước hụt sau. Thiếu nước hoặc nhiễm mặn xảy ra từ thành thị đến vùng núi cao.
Báo cáo của ngành Khí tượng thủy văn chỉ rõ là do ảnh hưởng của hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu. Điều đó là hiển nhiên, nhưng có một thực tế phủ phàng là vấn nạn phá rừng xảy ra nghiêm trọng, triền miên lại Việt Nam đã gây thêm hạn hán khốc liệt.
Nếu như độ che phủ rừng tự nhiên của Việt Nam chiếm gần 50% lãnh thổ với hơn 14 triệu héc ta thời điểm năm 1945, thì nay chỉ còn xấp xỉ 10 triệu héc ta với độ che phủ chưa đầy 30% tổng diện tích tự nhiên.
Dùng báo cáo của Bộ NN&PTNT cho rằng trung bình mỗi năm cả nước trồng mới được 200-250 héc ta rừng, nhưng ngược lại cũng xảy ra cả ngàn vụ cháy rừng, gây thiệt hại hàng chục ngàn héc ta rừng khác mỗi năm.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 10 năm (2009-2018), nạn cháy rừng đã thiêu hủy gần 22 nghìn héc ta rừng của Việt Nam. Đặc biệt, chỉ trong 10 tháng năm 2019, diện tích rừng bị cháy lại tăng lên đến 2,7 nghìn héc ta…
Mặt khác, với rừng trồng phần lớn là cây nguyên liệu, cây sản xuất nên chỉ sau 3-5 năm đã bị khai thác đồng loạt, đốt cháy để trồng vụ mới. Rừng không chỉ bị trọc hóa mà đất đai trở nên khô cằn, bạc màu. Rừng trồng làm nghèo đất nhưng quan trọng là không giữ được nước, lại gây xói mòn và thường xuyên bị hỏa hoạn do người dân đốt thực bị sau khai thác.
Mất rừng không chỉ thiếu nước mà làm mất hệ sinh thái tự nhiên, tác động nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt người dân. Dù nhà nước đã đầu tư xây dựng hàng trăm hồ đập thủy lợi, hồ chứa nước nhưng không cứu vãn được thực trạng hạn hán ngày càng khốc liệt.
Thống kê ngành nông nghiệp, hiện tỉnh Gia Lai có trên 300 công trình thủy lợi lớn nhỏ, tưới cho hơn 40 ngàn héc ta, trong đó có 15 ngàn héc ta lúa 2 vụ. Hồ Ialy giáp tỉnh Kon Tum rộng 7 ngàn héc ta mặt nước, hồ Ayun Hạ rộng 4 ngàn héc ta… Hơn 160 hồ đập khác ở Đắk Lắk… Mạng lưới hồ thủy lợi dày đặc vậy nhưng không thể cứu được cây trồng, nước sinh hoạt cho dân mỗi đợt hạn hán về.
Mất rừng thì mạch nước ngầm sụt giảm, bị khai thác thiếu kiểm soát nên tụt mạnh.
Dù cả ngành nông nghiệp, thậm chí cả hệ thống chính trị có nỗ lực, đưa ra nhiều giải pháp để chống hạn thì hiệu quả chỉ cục bộ, tạm thời. Bởi 90% vật chất hữu cơ của trái đất là do cây tạo ra từ nước, ánh sáng và không khí. Vì vậy, cách tốt nhất là giữ rừng, bảo vệ, khoanh nuôi và trồng mới rừng tự nhiên, tôn trọng tự nhiên thì mới là giải pháp bền vững.