Thống đốc vùng Krasnoyarsk Alexander Uss ngày 9-6 đã thông báo về những hậu quả tiếp theo trong sự cố tràn dầu gần thành phố Norilsk, ở phía bắc Krasnoyarsk, thuộc khu vực Siberia, Liên bang Nga. Ông Uss cho biết dầu diesel đã loang đến hồ Pyasino, đe dọa có thể tràn vào con sông Pyasina chảy ra biển Kara ở Bắc Băng Dương.
Pyasino là một hồ nước tự nhiên, có diện tích bề mặt 735 km2, nằm ở độ cao 28 m so mực nước biển và nằm cách Norilsk khoảng 20 km. Với chiều dài lòng hồ 70 km, chiều rộng 15 km, nơi sâu nhất 4m, hồ Pyasino là một vùng sinh quyển nguyên thủy tốt, với nhiều động vật sinh sống trong lòng hồ cùng nhiều loài cây cối sinh trưởng chung quanh. Hồ Pyasino được ví như một lòng chảo, chảy vào con sông Pyasina, rồi đổ ra biển Kara ở Bắc Băng Dương.
Phát biểu trên truyền hình, ông Uss cho rằng: “Điều quan trọng lúc này là cần ngăn chặn dầu diesel tiếp tục loang vào dòng sông Pyasina, trong khi nguy cơ này lại rất có thể xảy ra”. Giám đốc dự án khí hậu của tổ chức Greenpeace (Hòa Bình Xanh) ở Nga, ông Vasily Yablokov cũng lo ngại các nguồn nước, bao gồm các mạch nước ngầm, hệ sinh thái, loài động, thực vật sinh trưởng trong vùng, đều không trách khỏi bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Sự cố ở Công ty Norilsk xảy ra từ ngày 29-5 khiến 20 nghìn tấn dầu diesel bị tràn ra ngoài. Tuy nhiên, phải hai ngày sau chính quyền địa phương và Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga mới nhận được thông báo chi tiết về vụ việc. Sự cố đã khiến dầu diesel thấm sâu xuống lòng đất, gây ô nhiễm trên diện tích 180.000 m2 trước khi thẩm thấu và lan ra các vùng nước ở gần đó như: Sông Ambarnaya, con sông cung cấp nước cho cư dân khu vực Norilsk, hồ Pyasino và sông Pyasina.
Sự cố này được cho là thảm họa ô nhiễm dầu tồi tệ nhất ở Bắc Cực trong lịch sử hiện đại Liên bang Nga. Tổng thống Vladimir Putin ngày 3-6 đã ban bố tình trạng khẩn cấp cấp liên bang tại khu vực đồng thời chỉ trích chính quyền địa phương ứng phó chưa tốt với sự cố.
Trong khi đó, cũng xuất hiện ý kiến cho rằng nguyên nhân sâu xa của sự cố tràn dầu là do tình trạng biến đổi khí hậu, Trái đất nóng lên, khiến băng tan tại Bắc Cực, dẫn đến tình trạng nền đất bị dịch chuyển, làm nứt bể chứa nhiên liệu. Nếu giả thuyết này là đúng đắn, chắc chắn sự cố tại Norilsk không còn chỉ là vấn đề mang tầm quốc gia, mà nó đặt ra những thách thức lớn hơn, về tình trạng biến đổi khí hậu trên toàn cầu.