Trung Quốc có thể cấm sử dụng động vật hoang dã ngoại trừ các loài thuộc danh sách trắng (gồm các loài được cho phép chăn nuôi để lấy thịt tiêu thụ) nhưng loài động vật nào nên được liệt vào danh sách này?
Dịch Covid-19 và mối liên hệ đáng ngờ với tiêu thụ động vật hoang dã đã khiến Ủy ban Thường vụ Quốc vụ viện (NPCSC) ban hành lệnh cấm ăn thịt động vật hoang dã trên cạn vào cuối tháng 2. Đây là quy định cứng rắn nhất của Trung Quốc đối với buôn bán động vật hoang dã nhưng nó vẫn bao gồm một số miễn trừ dưới dạng danh sách trắng. Động vật nhân nuôi trong danh sách trắng vẫn có thể được dùng làm thực phẩm vì chúng được coi là gia súc và gia cầm, không phải động vật hoang dã, và vì vậy sẽ tuân thủ theo Luật Chăn nuôi.
Tháng 4, Bộ Nông nghiệp (MOA) ban hành dự thảo về danh sách trắng mang tên Danh mục tài nguyên di truyền gia súc và gia cầm để tham vấn. Bên cạnh các động vật được nuôi truyền thống là danh sách 13 loại động vật hoang dã được coi là “gia súc và gia cầm đặc biệt”.
Chú thích kèm theo dự thảo nói rằng các động vật được liệt kê trong danh mục từ lâu đã được thuần hóa và nhân nuôi thương mại, các mối lo về sức khỏe cộng đồng và sinh thái đã được xem xét, yếu tố truyền thống của các nhóm dân tộc thiểu số và “thực hành quốc tế phổ biến” cũng đã được cân nhắc.
Đáng chú ý là danh mục bao gồm cả loài hươu sao và hươu đỏ vốn là động vật được bảo vệ ở cấp I và II cùng một số phân loài trĩ đỏ và đa đa cũng được bảo vệ ở cấp tương tự, hoặc chúng cũng có thể được gọi là động vật “tam hữu” (tức có giá trị quan trọng cả về sinh thái, khoa học, xã hội và được bảo vệ theo Luật Bảo vệ Động vật hoang dã. Ngoài ra, cả le le và lửng chó cũng nằm trong danh mục đề xuất.
Văn bản cũng nói rõ mặc dù Luật Chăn nuôi áp dụng cho những động vật này trong trường hợp được nuôi trong trang trại nhưng quần thể hoang dã vẫn tuân thủ Luật Bảo vệ Động vật hoang dã và do Cục Lâm nghiệp quản lý.
Chỉ có một danh sách trắng?
Theo báo chí, MOA đã xuất bản một danh sách trắng tương tự trước khi được gọi là Danh mục tài nguyên di truyền gia súc và gia cầm Trung Quốc. Các phiên bản lưu hành trực tuyến chỉ khác danh sách mới ở chỗ bao gồm loài chó và ong.
Danh mục cũ hứng chịu không ít chỉ trích sau khi Covid-19 bùng phát. Giữa tháng 3, nhóm 17 nhà sinh thái học, nhà môi trường và nhà khoa học xã hội đã gửi bản kiến nghị kêu gọi chính phủ tránh lặp lại sai lầm khi chủ động sử dụng động vật hoang dã trong việc thực thi lệnh cấm ăn thịt động vật hoang dã như NPCSC đã ban bố. Các chuyên gia đề nghị loại bỏ và không bổ sung mới các loài trong thư mục gia súc và gia cầm được coi là phù hợp để tiêu thụ thịt. Ngoài ra, bản kiến nghị cũng yêu cầu các loài động vật hoang dã được nuôi nhằm phục vụ mục đích phi thực phẩm chỉ được phép đưa vào danh sách theo một quy trình khoa học nghiêm ngặt. Điều này xuất phát từ việc động vật trong danh sách trắng được sử dụng cả trong ngành công nghiệp lông thú (ví dụ như chồn nâu châu Mỹ, cáo bạc, cáo tuyết Bắc cực và lửng chó) và thịt của chúng sẽ được tận dụng để làm thức ăn hoặc bán cho các nhà sản xuất thực phẩm, và có nguy cơ cao những động vật này truyền bệnh cho người. Cuối tháng 1, nghiên cứu của Đại học Bắc Kinh cho thấy chồn có thể là vật chủ trung gian của virus corona. Vào thời điểm đó, các chuyên gia khác cũng đề nghị loại bỏ bốn loài trên ra khỏi danh sách.
Nhưng Lưu Kim Mai, Cố vấn pháp lý của tổ chức Friends of Nature nói rằng dự thảo danh sách trắng mới ngắn hơn cô kỳ vọng.
Giữa tháng 2, 10 tổ chức bao gồm Friends of Nature, Trung tâm bảo tồn Sơn Thủy và Đại học Duke Côn Sơn đã công bố đề xuất chung sửa đổi Luật Bảo vệ Động vật hoang dã. Các tổ chức cũng đề xuất một hệ thống danh sách trắng các động vật hoang dã có thể được phép nuôi cùng những điều kiện nghiêm ngặt để bổ sung các loài vào danh sách bao gồm cả kỹ thuật nuôi và tiêu chuẩn sức khỏe đã được xác minh, mức độ rủi ro thấp đối với sức khỏe cộng đồng, và không bắt động vật từ tự nhiên. Cùng với đó, các tổ chức cũng kêu gọi truy xuất nguồn gốc là điều kiện tiên quyết để được cấp giấy phép chăn nuôi, bao gồm lưu giữ dữ liệu phả hệ, tệp giống và dữ liệu trên từng cá thể động vật và thậm chí cả việc gắn chip.
Danh sách trắng không chính thức này lần đầu tiên xuất hiện vào tháng 8/2003, ngay sau khi dịch SARS kết thúc. Cục Lâm nghiệp đã công bố danh sách 54 loài được phép nuôi thương mại, có cầy hương – vật chủ trung gian SARS – và nhiều loài được bảo vệ như hươu sao. Danh sách thúc đẩy ngành chăn nuôi hoang dã khổng lồ phát triển. Tháng 10/2012, Cục Lâm nghiệp tuyên bố danh sách này không hợp lệ. Tuy nhiên, các tòa án tiếp tục tham khảo danh sách này để biện minh cho các hình phạt nhẹ hơn trong trường hợp có liên quan đến động vật được bảo vệ hoặc giữ nguyên kháng cáo.
Các chuyên gia nói rằng động vật hoang dã vẫn được nuôi sau khi danh sách chỉ bị vô hiệu mà không áp dụng những hạn chế đã được đưa ra. Hiện có quá nhiều động vật có thể được nuôi chỉ với điều kiện không thuộc nhóm được nhà nước ưu tiên bảo vệ (Loại I và II) và có chứng nhận y tế cùng nguồn gốc hợp pháp. Một ví dụ nổi bật là dúi, cũng là loài “tam hữu” nhưng không bao giờ bị đưa vào danh sách trắng. Nghề nuôi dúi bùng nổ, một số người nuôi thậm chí trở thành người nổi tiếng trên mạng.
Danh sách trắng mới có thể đem lại trật tự cho tình huống hỗn loạn này bởi nó không chỉ bao quát việc sử dụng động vật làm thực phẩm. Phần gia súc và gia cầm đặc biệt của danh mục bao gồm các động vật được nuôi để lấy lông, làm thuốc (như hươu sao) hoặc lấy thịt. Thậm chí, danh sách trắng hiện tại có thể điều chỉnh tất cả các hình thức sử dụng động vật hoang dã trong tương lai?
Lưu Kim Mai cho rằng có thể có những danh sách trắng mới sau khi sửa đổi Luật Bảo vệ Động vật hoang dã nhưng “chúng tôi muốn giữ lại danh sách duy nhất từ MOA”.
Lí Bân Bân, phó giáo sư khoa học môi trường thuộc Đại học Duke Côn Sơn và là người tham gia viết đề xuất chung vào tháng 2 cho biết phản ứng đầu tiên với danh sách trắng là “có vẻ không tệ lắm”.
Phó giáo sư Lí chấp nhận rằng một số hoạt động chăn nuôi vẫn tiếp diễn vì nông dân cần kiếm sống và cần thời gian để ngành chăn nuôi thực hiện trách nhiệm. Sử dụng danh mục gia súc và gia cầm để điều tiết là có ý nghĩa nhưng chăn nuôi vẫn đe dọa quần thể động vật hoang dã vì động vật vẫn bị bắt từ tự nhiên nhằm ngăn ngừa sinh sản cận huyết trong quần thể nuôi. Thị trường động vật hoang dã nuôi nhốt có tồn tại, người tiêu dùng có xu hướng ưu ái động vật từ tự nhiên hơn và làm tăng nguy cơ săn trộm. Truy xuất nguồn gốc là tiền đề sống còn của việc sử dụng động vật hoang dã.
Lí Bân Bân muốn thấy các tiêu chuẩn kiểm dịch cụ thể để bảo vệ an toàn cho người tiêu dùng và người nuôi nhưng không tiêu chuẩn cụ thể nào được áp dụng cho động vật hoang dã nuôi trong trang trại. Thay vào đó, tiêu chuẩn cho vật nuôi truyền thống được áp dụng cho các động vật đặc biệt trong danh mục: chim trĩ được áp dụng tiêu chuẩn của gà, le le theo tiêu chuẩn của vịt và hươu theo tiêu chuẩn của bò. Cơ sở khoa học cho thực hành như vậy không hề thuyết phục.
Phó giáo sư Lí cho rằng có thể mở rộng danh sách trắng. Tuy nhiên, các loài động vật như cầy hương và dúi hiện đang được Cục Lâm nghiệp liệt vào nhóm “tam hữu”, vì vậy MOA không thể đưa vào danh mục gia súc và gia cầm. Đây sẽ là “trận đấu lâu dài” giữa các cơ quan chính phủ và xã hội dân sự.
Nếu đây là danh sách trắng duy nhất cho việc sử dụng động vật hoang dã, nhiều người nuôi sẽ phải bỏ nghề. Không rõ họ sẽ được bồi thường như thế nào.
Lưỡng cư và bò sát trong vùng xám
Luật Bảo vệ Động vật hoang dã Trung Quốc phân chia động vật thành các chủng loại trên cạn và dưới nước mà không phân định chúng. Không như động vật trên cạn, động vật dưới nước không được bảo vệ theo lệnh cấm ăn thịt động vật hoang dã của Quốc vụ viện và chắc chắn không hiện diện trong danh sách trắng được đề xuất cho gia súc và gia cầm dù theo các chuyên gia, chúng phải đối mặt với những vấn đề gai góc hơn nhiều.
Vấn đề quan trọng nhất là động vật lưỡng cư và bò sát thuộc ranh giới giữa các loài trên cạn và dưới nước, do đó, có thể coi là “vùng xám” trong Bảo vệ Động vật hoang dã. Nguyên do là thẩm quyền quản lý thuộc về cả Cục Lâm nghiệp – cơ quan quản lý động vật trên cạn và MOA – cơ quan giám sát động vật thủy sinh trong vai trò là một phần của khai thác thủy sản.
Lí Bân Bân cho rằng tình hình là “vô vọng” khi viện dẫn trường hợp về loài bò sát. “Trung Quốc có 34 loài rùa và loài nào cũng được Sách đỏ IUCN xếp hạng bị đe dọa – tất cả chúng đang trên đường tuyệt chủng. Rất ít cá thể còn lại trong tự nhiên, chủ yếu do con người sử dụng làm thực phẩm và làm cảnh”.
Để đưa những động vật này khỏi vùng xám, Lí Bân Bân nêu rõ trong đề xuất chung về sửa đổi Luật Bảo vệ Động vật hoang dã, các tổ chức đã đưa vào định nghĩa về “động vật hoang dã thủy sinh” để chỉ những động vật sống cả đời ở nước ngọt hoặc biển. Như vậy sẽ không bao gồm động vật lưỡng cư hoặc bò sát sống một phần đời dưới nước, cũng có nghĩa là chúng sẽ tuân theo Luật Bảo vệ Động vật hoang dã thay vì Luật Thủy sản.
Chính quyền một số nơi chống lại lệnh cấm ăn động vật hoang dã bằng cách thực hiện ngược lại đề xuất của giới chuyên gia. Hai ngày sau lệnh cấm của Ủy ban Thường vụ Quốc vụ viện được công bố, Thâm Quyến viện dẫn các rủi ro về sức khỏe cộng đồng và công bố kế hoạch cấm nuôi ễnh ương beo và rùa mai mềm – hai loài được tiêu thụ rộng rãi ở nước này. Động thái này châm ngòi cho cuộc tranh luận công khai và phản đối quyết liệt từ ngành chăn nuôi. Mọi thứ chỉ dịu xuống vào ngày 4/3 khi MOA đưa ra tuyên bố rằng những động vật được liệt kê trong “Danh mục tài nguyên động thực vật thủy sinh được Nhà nước bảo vệ” cùng với động vật lưỡng cư và bò sát trong “Danh sách các loài thủy sinh thương mại mới” được quản lý như động vật thủy sinh, và do đó không thuộc phạm vi lệnh cấm.
Đây là một động thái dung hợp. Hai ngày trước khi MOA đưa ra tuyên bố, ngày 2/3, Cục Lâm nghiệp yêu cầu việc nuôi động vật trong “Danh mục Động vật thủy sinh nuôi nhốt được Nhà nước bảo vệ” và “Danh mục tài nguyên động thực vật thủy sinh được Nhà nước bảo vệ” của MOA sẽ được quản lý như động vật hoang dã thủy sinh, mọi giấy phép hoặc tài liệu đã được cấp sẽ bị hủy bỏ.
Từ thời điểm đó, các động vật trước đây được cả hai cơ quan giám sát, dù là động vật lưỡng cư hoặc bò sát, sẽ được MOA quản lý.
Sự thay đổi có thể không giới hạn ở các động vật đã có trong danh sách thủy sinh của MOA. Đầu tháng 4, các nhà hoạt động bảo tồn đã hỏi qua trang web của Cục Lâm nghiệp rằng có cho phép nuôi ếch cỏ Bắc Á không. Câu trả lời không trực tiếp giải quyết vấn đề nuôi hoặc ăn ếch nhưng cho biết các chuyên gia đang phân loại lại động vật trên cạn và dưới nước. Điều này có nghĩa là ếch cỏ Bắc Á được liệt kê là động vật trên cạn “tam hữu” và không có mặt trong bất kỳ danh sách động vật thủy sinh nào vẫn có thể được tái phân loại là thủy sinh và không được bảo vệ theo Luật Bảo vệ Động vật hoang dã.
Lệnh cấm ăn thịt động vật hoang dã báo hiệu việc quản lý động vật hoang dã của Trung Quốc có thể chuyển từ danh sách đen sang danh sách trắng, nghĩa là thay vì bảo vệ một số loài cụ thể động vật quý hiếm, nguy cấp hoặc quan trọng, tất cả các động vật sẽ mặc định được bảo vệ, việc nuôi và sử dụng chỉ được cấp phép cho những loài trong danh sách trắng. Điều này đồng nghĩa với việc các loài sẽ được bảo vệ mạnh mẽ hơn, nếu danh sách trắng không quá dài. Tuy nhiên, việc sửa đổi Luật Bảo vệ Động vật hoang dã có thể không cải thiện được số phận các loài động vật thủy sinh không quý hiếm hoặc nguy cấp bao gồm động vật lưỡng cư, bò sát, cá, động vật có vú sống dưới nước và động vật không xương sống dưới nước.
Lí Bân Bân lo lắng việc Cục Thủy sản quá quan tâm đến vấn đề sử dụng cũng đồng nghĩa với việc không có hy vọng cải thiện cho những loài này. “Chúng ta hy vọng sẽ thấy bảo vệ và sử dụng được phân tách trong các cải cách trong tương lai thay vì cả hai diễn ra cùng một lúc bởi cùng một cơ quan”.
Thế Anh (Theo Chinadialogue)