Nổi tiếng thế giới với những bãi cát trắng nên thơ và làn nước biển xanh như ngọc, đảo Boracay chẳng những là thiên đường biển đảo của Philippines mà còn là một trong những điểm du lịch hàng đầu châu Á, thu hút gần 2 triệu lượt du khách mỗi năm, chiếm gần 20% lượng khách du lịch tới Philippines.
Với doanh thu từ du lịch tại Boracay năm 2017 lên tới 56 tỷ peso (1,12 tỷ USD), đóng góp 20% doanh thu du lịch cả nước, quyết định của Chính phủ Philippines đưa ra tháng 4/2018 đóng cửa đảo Boracay trong 6 tháng để dọn sạch và cải tạo môi trường biển, từng gây sốc và hứng chịu không ít chỉ trích bởi kèm theo đó, khoảng 36.000 lao động bị ảnh hưởng và chắc chắn gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Tuy nhiên, quan điểm của Chính phủ Philippines rất rõ ràng: cần đóng cửa tạm thời Boracay để cải tạo môi trường biển đang bị ô nhiễm trầm trọng do rác và nước thải, do tình trạng quản lý yếu kém và khai thác thiếu bền vững gây ra, “để đảm bảo các thế hệ sau vẫn tiếp tục được thừa hưởng trải nghiệm trên hòn đảo tuyệt vời là thiên đường của Philippines này”.
Boracay được coi như một mô hình thí điểm cho việc bảo tồn nguồn tài nguyên do thiên nhiên ban tặng để khai thác và phát triển bền vững biển và đại dương, vốn chiếm tới 70% bề mặt Trái Đất, là hệ sinh quyển lớn nhất trên hành tinh và là nơi ở của 80% sự sống trên thế giới.
Bảo tồn, sử dụng tài nguyên biển, đại dương bền vững được Liên hợp quốc đưa vào Mục tiêu số 14 trong Chương trình nghị sự Phát triển bền vững đến năm 2030, trong bối cảnh vấn đề ô nhiễm và khai thác thiếu bền vững các tài nguyên thiên nhiên biển, đại dương đang đe dọa “sức khỏe” đại dương trên toàn thế giới. Nạn săn bắt tràn lan, tận diệt các loài hải sản là một ví dụ.
Các nhà khoa học cho biết trong nửa thế kỷ qua, trữ lượng đánh bắt quá mức đã tăng gấp 3 lần, khiến nhiều loài cá đứng trước nguy cơ biến mất, điển hình như cá voi. Gần 55% tài nguyên thủy sản biển của thế giới đã hoàn toàn cạn kiệt hoặc bị đánh bắt đến mức tối đa. Hệ sinh thái và sự cân bằng trong chuỗi thức ăn trong đại dương đang bị con người phá vỡ.
Bên cạnh đó, vấn đề rác thải nhựa gây ô nhiễm đại dương đang trở thành vấn nạn khiến nhiều nước đau đầu. Ước tính mỗi năm có 8 triệu tấn rác thải nhựa bị xả ra đại dương, trong đó 94% tập trung dưới đáy, 1% trôi nổi trên bề mặt và 5 tập trung sát các bờ biển, khiến nhiều sinh vật biển bị mắc kẹt, bị chết hoặc tổn thương nghiêm trọng do ăn phải.
Các chuyên gia cảnh báo tới năm 2050, lượng chất thải nhựa trên đại dương có thể vượt cả số lượng cá. Ngoài rác thải nhựa, nhiều chất ô nhiễm khác trôi xuống đại dương cũng gây ra thiệt hại chưa từng thấy đối với hệ sinh thái biển như dược phẩm, kim loại nặng, hóa chất công nghiệp, thuốc trừ sâu, dầu, khí và chất thải rắn. Ô nhiễm đại dương cũng đồng thời đe dọa chính con người bởi đại dương chính là nguồn cung cấp thực phẩm quan trọng, trong đó cá là nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu cho hơn 1 tỷ người.
Đại dương không chỉ là “lá phổi” tạo ra 50% lượng oxy mà con người cần, hấp thụ 25% toàn bộ khí thải CO2, cũng như 90% lượng nhiệt thải ra từ lượng khí này, mà còn là nguồn sống của hệ sinh thái đa dạng, tạo ra thức ăn, việc làm, khoáng sản và nguồn năng lượng cần thiết cho sự sống trên hành tinh.
Nhân loại đang phụ thuộc vào đại dương để phát triển, nhưng tình trạng ô nhiễm và khai thác đại dương quá mức đang gây ra những rủi ro nghiêm trọng, đe dọa sự phát triển bền vững của cả hành tinh, khiến bảo vệ đại dương trở thành một ưu tiên toàn cầu. Chủ đề “Đổi mới vì một đại dương bền vững” của Ngày Đại dương thế giới (8/6) năm nay không chỉ khẳng định tầm quan trọng của đại dương bền vững trong sự phát triển bền vững, mà còn tạo tiền đề cho Thập niên của Liên hợp quốc về phát triển bền vững khoa học đại dương trong giai đoạn từ năm 2021-2030.
Phát triển và bảo vệ bền vững đại dương từ lâu đã nằm trong chương trình nghị sự của cộng đồng quốc tế và các quốc gia, đặc biệt là các nước ven biển. Liên hợp quốc đã phát động hành động toàn cầu mang tính quyết định và phối hợp mang tên “Đại dương của chúng ta, tương lai của chúng ta”, tập trung vào bảo tồn và sử dụng bền vững các tài nguyên đại dương. Hàng nghìn cam kết và kế hoạch đã được các quốc gia công bố và triển khai thực hiện trong nỗ lực “giữ gìn đại dương xanh”.
Một trong những cam kết trong số này là tuyên bố chung của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về chống lại tình trạng rác thải nhựa trên đại dương, được đưa ra tại hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34 ở Bangkok, Thái Lan tháng 6/2019, trong bối cảnh ASEAN là khu vực có nhiều bãi biển đẹp nổi tiếng thế giới nhưng đang đứng trước nguy cơ bị tàn phá vì rác thải nhựa.
“Tuyên bố Bangkok” về chống ô nhiễm đại dương, với cam kết của 10 nước ASEAN “ngăn chặn và giảm đáng kể các mảnh nhựa ở đại dương”, được xem là nỗ lực của khu vực Đông Nam Á nhằm xóa bỏ hình ảnh là một trong những nguồn gây ô nhiễm nhựa đại dương nhiều nhất thế giới. Theo báo cáo năm 2015 của Tổ chức vận động môi trường Ocean Conservancy, 5 thành viên ASEAN gồm Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam cùng Trung Quốc là những quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất vào đại dương.
Là một quốc gia ven biển, việc quản lý, sử dụng, bảo tồn bền vững biển, đại dương cũng là chính sách ưu tiên của Việt Nam và đây cũng là một trong 17 mục tiêu phát triển bền vững quốc gia đến năm 2030. Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tập trung vào phát triển kinh tế biển đi đôi với bảo vệ môi trường biển, trên nguyên tắc “sử dụng và khai thác” phải đi đôi với “giữ gìn và tái tạo”.
Bên cạnh đó, với cam kết đồng hành cùng quốc tế bảo vệ đại dương xanh, Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến, như đề xuất cộng đồng quốc tế thảo luận khả năng tiến tới một thỏa thuận toàn cầu về ngăn ngừa xả rác thải nhựa ra đại dương tương tự như Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu; sáng kiến về thúc đẩy hình thành mạng lưới toàn cầu về chia sẻ dữ liệu biển – đại dương và tiến tới Khuôn khổ Toàn cầu về ngăn ngừa rác thải nhựa biển vì các đại dương xanh…
Thế kỷ 21 được coi là thế kỷ của đại dương bởi biển và đại dương là không gian sinh tồn và phát triển không chỉ của các quốc gia ven biển mà cả hành tinh. Bởi vậy, mục tiêu của LHQ về bảo tồn, sử dụng bền vững biển, đại dương cũng được xem là thước đo phát triển của các quốc gia, hay nói cách khác, bảo đảm đại dương bền vững là một trong những trụ cột chính để nhân loại đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.