WHO cập nhật khuyến cáo phòng Covid-19

Theo Reuters và TTXVN, ngày 6-6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cập nhật khuyến cáo về việc đeo khẩu trang, khuyến khích người dân đeo khẩu trang ở những nơi dịch Covid-19 lây lan mạnh và việc giãn cách gặp khó khăn.

Michael J. Ryan, Giám đốc Điều hành Chương trình Cấp cứu Sức khỏe của WHO và Tổng Giám đốc của WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: Reuters/Denis Balibouse – RC237F9WRS8Q

Trước đó, WHO cho rằng người dân không cần đeo khẩu trang nếu không bị ốm để dành khẩu trang cho các nhân viên y tế. Theo worldometers.info, tính đến ngày 6-6, thế giới đã ghi nhận hơn 6,9 triệu ca mắc Covid-19, với gần 400 nghìn người chết. Mỹ vẫn là tâm dịch của thế giới với hơn 1,97 triệu ca mắc và hơn 111 nghìn người chết.

* Ngày 6-6, Ấn Độ ghi nhận tổng số ca nhiễm Covid-19 của nước này đã vượt Italy, quốc gia từng là tâm dịch châu Âu. Như vậy, Ấn Độ hiện đứng thứ sáu thế giới về số ca mắc bệnh với hơn 243 nghìn ca. Ấn Độ đang từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế và cho phép nối lại nhiều hoạt động xã hội.

* Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã điện đàm với Tổng thống Pháp E.Macron để thảo luận về các vấn đề liên quan đến đại dịch. Trong cuộc điện đàm, Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi hai bên phối hợp nỗ lực để đẩy lui dịch Covid-19 trên toàn cầu.

* Chính phủ Malaysia đưa ra một số ưu đãi thuế để kích cầu thị trường bất động sản và ngành công nghiệp ô-tô. Thủ tướng M.Yassin cho biết, Malaysia sẽ miễn thuế với các giao dịch chuyển nhượng nhà đất và hợp đồng cho vay mua nhà có giá trị lớn. Xe ô-tô sản xuất, lắp ráp tại Malaysia được miễn 100% và xe nhập được giảm 50% thuế doanh thu.

* Ngân hàng Thương mại Siam dự báo nền kinh tế Thái Lan sẽ hồi phục theo hình chữ U, dự kiến vào đầu năm 2022 sẽ trở lại với mức tăng trưởng như trước đại dịch. Kinh tế Thái Lan đã giảm 1,8% trong quý I-2020. Tổng cục Du lịch Thái Lan đang nỗ lực thu hút để biến một nửa số chuyến du lịch nước ngoài của người dân thành các chuyến du lịch nội địa trong năm 2020.

* Lần đầu tiên sau gần ba tháng qua, các đền thờ ở thủ đô Jakarta của Indonesia đã mở cửa trở lại. Thống đốc Jakarta tuyên bố nới lỏng các biện pháp hạn chế, theo đó các văn phòng, nhà hàng, trung tâm mua sắm và các địa điểm du lịch sẽ mở cửa trở lại trong những tuần tới.

* Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ngày 6-6 cam kết hỗ trợ hơn 21 tỷ USD cho cuộc chiến đẩy lùi dịch Covid-19. Trước đó, nhóm G20 kêu gọi tất cả các quốc gia, các tổ chức phi chính phủ, các nhà từ thiện và lĩnh vực tư nhân cùng chung tay đóng góp khoản tài chính hơn tám tỷ USD còn thiếu hụt cho cuộc chiến chống đại dịch trên toàn cầu. A-rập Xê-út, chủ tịch luân phiên của G20, cam kết ủng hộ 500 triệu USD.

* Cùng ngày, Liên hiệp châu Âu (EU) thông báo triển khai cầu hàng không nhân đạo để hỗ trợ cuộc chiến chống đại dịch tại CHDC Congo. Các chuyến bay nhân đạo bắt đầu từ ngày 7-6 sẽ mang theo ít nhất 40 tấn hàng viện trợ, vật tư y tế. EU đã cam kết dành 3,67 tỷ USD tài trợ và 1,4 tỷ USD tín dụng giúp các nước nghèo, trong đó có CHDC Congo, vượt qua khủng hoảng.

* Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thông báo đạt thỏa thuận sơ bộ với Ai Cập về khoản vay trị giá 5,2 tỷ USD có thời hạn 12 tháng giúp Ai Cập duy trì ổn định kinh tế. Trước đó, IMF cũng nhất trí về gói cho vay khẩn cấp trị giá 2,8 tỷ USD hỗ trợ Ai Cập đối phó với dịch Covid-19.

* Ngân hàng Trung ương Italy dự báo nền kinh tế Italy, vốn bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch, sẽ sụt giảm khoảng 9,2% trong năm nay. Việc chính phủ mới đây dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa sẽ tạo thuận lợi để nền kinh tế tăng trưởng trong nửa sau của năm 2020. Dự báo nền kinh tế Italy sẽ phục hồi vào năm 2021 với GDP tăng khoảng 4,8%.

* Nhằm giúp nền kinh tế chống chọi với đại dịch, các ngân hàng Pháp đã cấp các khoản vay được Nhà nước bảo lãnh lên tới 93 tỷ ơ-rô cho khoảng 490 nghìn doanh nghiệp. Như vậy, Pháp dẫn đầu châu Âu trong lĩnh vực này, vượt qua Tây Ban Nha, Đức và Italy.

* Tại Anh, Kho bạc Vương quốc Anh đã triển khai bảo lãnh các khoản vay ngân hàng cho các công ty đang gặp khó khăn bởi đại dịch. Tổng cộng, hơn 745.000 công ty được hưởng lợi với số tiền 31,3 tỷ bảng Anh. Các khoản vay giới hạn ở mức 50.000 bảng được đánh giá là thành công nhất.

* Ủy viên phụ trách các vấn đề nội vụ của EU Y.Johansson cho biết, EU sẽ mở cửa hoàn toàn biên giới nội khối vào cuối tháng này và bắt đầu mở cửa biên giới ngoại khối trong tháng sau. Trong khi đó, Chính phủ Séc đã quyết định khai thông hoàn toàn các tuyến đường giữa Séc, Áo và HHungary.

* Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống T.Erdogan đã dỡ bỏ lệnh giới nghiêm vào cuối tuần sau khi cân nhắc tác động kinh tế của biện pháp này. Tổng thống T.Erdogan kêu gọi người dân đeo khẩu trang, tuân thủ các quy định giãn cách xã hội và bảo đảm các quy định vệ sinh dịch tễ. Trong vài tuần qua, số ca tử vong mỗi ngày tại Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm xuống dưới mức 50 ca.

* Bộ Kinh tế Mexico cho biết, với sự suy giảm kỷ lục trong xuất khẩu hàng hóa trong tháng 4 do tác động của đại dịch, Mexico đã mất vị trí là đối tác thương mại số một của Mỹ khi chỉ chiếm 10,9% tổng kim ngạch thương mại của Mỹ, sau Trung Quốc và Canada. Trong bốn tháng đầu năm, kim ngạch trao đổi thương mại với Mỹ chỉ đạt 176,133 tỷ USD, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong hai ngày 5 và 6-6, các cơ quan chức năng Việt Nam, các cơ quan đại diện Việt Nam ở Thụy Điển, Phần Lan và các nước châu Âu khác, cùng Hãng hàng không quốc gia Việt Nam phối hợp các cơ quan chức năng sở tại đưa hơn 300 công dân Việt Nam từ các nước Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy, Đan Mạch, Ba Lan, Hungary, Bồ Đào Nha, Latvia, Séc, Bulgaria… về nước an toàn từ hai sân bay ở Stockholm và Helsinki. Sau khi hạ cánh tại sân bay quốc tế Nội Bài, những người tham gia chuyến bay đều được kiểm tra y tế và cách ly tập trung theo đúng quy định.
Nguồn: