Sẽ có quy định xử lý sự cố khẩn cấp như cháy nhà máy Rạng Đông

Dự án Luật bảo vệ môi trường sửa đổi sẽ có quy định về việc ban bố tình trạng, phương án xử lý khẩn cấp đối với các sự cố ô nhiễm không khí, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Chiều 8-6, Bộ TN&MT đã tổ chức thông tin về dự án Luật bảo vệ môi trường sửa đổi với sự tham dự của đông đảo của các chuyên gia, nhà khoa học về môi trường.

Ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho hay dự luật lần này đã đưa ra nhiều đề xuất sửa đổi phù hợp với kinh tế-xã hội, thể chế hóa các quy định về bảo vệ môi trường phù hợp với quốc tế, bảo vệ sức khỏe của con người, cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục môi trường, Bộ TN&MT

Dự luật đã quy định, phân công rất rõ trách nhiệm thực hiện quản lý chất lượng không khí. Đáng chú ý có quy định về biện pháp xử lý khẩn cấp đối với các sự cố ô nhiễm không khí tương tự vụ cháy nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông.

Trong đó, quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm triển khai thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn.

“Việc quy định trách nhiệm thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp ô nhiễm không khí nghiêm trọng liên vùng, liên tỉnh là Thủ tướng Chính phủ và nội tỉnh là UBND cấp tỉnh là hoàn toàn hợp lý.

Bởi lẽ, trường hợp xảy ra trong nội tỉnh thì UBND cấp tỉnh đủ thẩm quyền để ra lệnh, điều động các nguồn lực tại chỗ của tỉnh để ứng phó, xử lý nhanh chóng, kịp thời nhất. Trong khi đó, trường hợp ô nhiễm không khí liên vùng, liên tỉnh thì phải có sự chỉ đạo đồng bộ từ Thủ tướng Chính phủ tới các Bộ, ngành, UBND các tỉnh chịu ảnh hưởng để huy động nguồn lực ứng phó” – ông Thịnh nói.

PGS.TS Nghiêm Trung Dũng (ĐH Bách khoa Hà Nội)

Liên quan đến Dự thảo này, PGS.TS Nghiêm Trung Dũng (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho rằng nên chia ra hai nhóm tình trạng khẩn cấp. Nhóm thứ nhất là do sự cố về môi trường, do cháy nổ nhà máy hoá chất. Nhóm thứ hai là do các nguồn ô nhiễm kết hợp với hiện tượng khí tượng cực đoan, đẩy nồng độ ô nhiễm ở một khu vực tăng tới mức cực đoan.

“Khi ban bố tình trạng khẩn cấp do ô nhiễm không khí, nhóm giải pháp ưu tiên đầu tiên là bảo vệ sức khỏe người dân. Nếu sự cố môi trường ở mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe, có thể di dời người dân, thậm chí cho học sinh nghỉ học. Tương tự, cần nhận dạng nguồn gây ô nhiễm, khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài đường, thậm chí tạm dừng hoạt động một số cơ sở sản xuất ở khu vực nếu nhận dạng được nguyên nhân” – chuyên gia này nói.