Ngày 5 tháng 6 năm 2020 – Các tác động về kinh tế, sức khỏe và xã hội của đại dịch COVID-19 đưa ra một lời nhắc nhở rõ ràng về những rủi ro cao liên quan đến hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp chưa được kiểm soát hoặc kiểm soát rất lỏng lẻo. Chinh vì vậy, sáng kiến quốc tế về “End Wildlife Crime” (tạm dịch “Chấm dứt tội phạm đối với động vật hoang dã”) đã vừa được công bố.
Vào ngày 5/6/2020, Ngày Môi trường Thế giới, một liên minh gồm các chuyên gia về môi trường, chính sách, pháp lý, kinh doanh và sức khỏe cộng đồng kêu gọi cộng đồng toàn cầu giải quyết những lỗ hổng nghiêm trọng trong luật pháp quốc tế bằng cách:
Tạo ra một thỏa thuận toàn cầu mới về tội phạm đối với động vật hoang dã và
Thay đổi luật thương mại quốc tế hiện hành liên quan đến động vật hoang dã để bao gồm các quan tâm đúng mức về sức khỏe động vật và công cộng trong việc ra quyết định.
Tội phạm (săn bắn, buôn bán) động vật hoang dã xuyên quốc gia là một lĩnh vực hoạt động bất hợp pháp trị giá 200 tỷ USD mỗi năm, nhưng con số này chưa thấm vào đi khi so với chi phí phải bỏ ra cho cộng đồng địa phương, sức khỏe cộng đồng, sức khỏe động vật và môi trường của chúng ta. Hiện tại, vẫn chưa có thỏa thuận về mặt pháp lý toàn cầu đối với các loại tội phạm liên quan đến động vật hoang dã.
Ông John Scanlon AO, nguyên Tổng thư ký của CITES (Convention on International Trade in Endangered Species of Wild Fauna and Flora – Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng) và Chủ tịch Sáng kiến #endwildlifecrime phát biểu: “Đại dịch COVID-19 nhắc nhở chúng ta, theo một cách tàn khốc, về bản chất liên kết của mọi thứ, đặc biệt là giữa các nền kinh tế, môi trường, sức khỏe con người và động vật hoang dã. Luật pháp, chương trình và quỹ quốc tế của chúng ta chưa phản ánh đúng thực tế này, điều này cũng phần lớn đúng ở cấp quốc gia”.
Ông John Scanlon cho biết thêm: “Hệ thống quốc tế hiện nay để điều chỉnh buôn bán động vật hoang dã và chống tội phạm động vật hoang dã là chưa đủ và như vậy, sẽ không ngăn chặn được đại dịch tiếp theo”.
Theo ông Will Travers OBE, đồng sáng lập và Chủ tịch điều hành của Quỹ Born Free Foundation, có nhu cầu cấp bách cho sự thay đổi biến đổi trước khi quá muộn. Ông Will Travers OBE cảnh báo: “Hơn một triệu loài động vật hoang dã phải đối mặt với sự tuyệt chủng và nguy cơ xảy ra đại dịch toàn cầu khác không thể bỏ qua. Bằng cách chống lại tội phạm đối với động vật hoang dã, chúng ta có thể giúp làm chậm, ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học. Chúng ta cũng có thể giúp đảm bảo rằng, nhân loại không bao giờ phải chịu những tác động tàn phá đối với sức khỏe cộng đồng, sinh kế và trật tự xã hội mà chúng ta đang chứng kiến hiện nay”.
Do ông John Scanlon làm chủ tịch, được tổ chức bởi ADM Capital Foundation tại Hồng Kông và với các thành viên sáng lập là Quỹ Born Free Foundation, Liên minh Sử dụng đất và lương thực (The Food and Land Use Coalition), Viện Môi trường Toàn cầu (the Global Environmental Institute) và Tập đoàn ICCF, Sáng kiến #endwildlifecrime tập hợp hàng loạt các tổ chức và cá nhân trong Ban chỉ đạo đại diện cho các lợi ích môi trường, chính sách, kinh doanh và sức khỏe cộng đồng. Sáng kiến này cũng bao gồm các cố vấn về sự tham gia và xây dựng quan hệ đối tác của khu vực tư nhân, cũng như một nhóm hỗ trợ kỹ thuật bao gồm các luật sư và nhà tội phạm học quốc tế nổi tiếng.
Sáng kiến sẽ hành động như thế nào?
Sáng kiến đã cùng nhau hỗ trợ xây dựng và thông qua một Nghị định thư về tội phạm đối với động vật hoang dã theo Công ước Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (United Nations Convention against Transnational Organised Crime – UNTOC) và một số sửa đổi, bổ sung cho Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật và thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng (CITES), thỏa thuận toàn cầu điều chỉnh hoạt động buôn bán động vật hoang dã quốc tế, sẽ kết hợp các tiêu chí sức khỏe cộng đồng và sức khỏe động vật vào việc ra quyết định.
Hai cải cách liên quan này sẽ mang lại những hạn chế mới trong buôn bán động vật hoang dã dựa trên các lý do liên quan đến y tế công cộng và động vật và việc cấm các thị trường có rủi ro cao và tiêu thụ, cùng với nỗ lực hợp tác toàn cầu trong việc thực thi pháp luật nhằm chấm dứt tội phạm động vật hoang dã.
Ông Doug Flynn, lãnh đạo mảng đa dạng sinh học của SYSTEMIQ, đại diện cho Liên minh Sử dụng đất và lương thực (The Food and Land Use Coalition) kêu gọi: “Chúng tôi cần các cơ chế pháp lý mới để giải quyết tác động tàn phá của những tội ác này đối với cộng đồng địa phương, nền kinh tế quốc gia và sức khỏe cộng đồng toàn cầu”.
Tội phạm đối với động vật hoang dã và buôn bán động vật hoang dã thương mại gây nguy hiểm như thế nào cho sức khỏe toàn cầu?
Nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, virus Corona rất dễ lây lan gây ra đại dịch COVID-19 rất có thể được truyền sang người từ vật chủ chứa nó, một con dơi móng ngựa, thông qua một loài vật chủ trung gian khác, có thể là tê tê.
Bà Lisa Genasci, Giám đốc điều hành (CEO) của ADM Capital Foundation nhận xét: “Chúng tôi đã bỏ qua các cảnh báo trong nhiều năm rằng thị trường động vật hoang dã là kho lưu trữ bệnh tật, nhưng hoạt động buôn bán vẫn tiếp tục mà không được quản lý một cách đầy đủ và nghiêm túc. Đáng buồn thay, việc duy trì hiện trạng dễ dàng hơn là hành động để bảo vệ sức khỏe toàn cầu”.
Khi các trường hợp nhiễm COVID-19 trên toàn cầu đã gần chạm ngưỡng 7 triệu người (đến thời điểm ngày 6/6/2020 là hơn 6.866.100 người bị nhiễm COVID-19 và 398.535 ca tử vong) và rủi ro về sức khỏe từ hoạt động buôn bán động vật hoang dã và tội phạm được biết đến nhiều hơn, thì đã đến lúc khuôn khổ pháp lý quốc tế điều chỉnh hoạt động buôn bán động vật hoang dã bắt đầu có hiệu lực từ những năm 1970 phải được cải tổ mạnh mẽ và triệt để hơn.
Ông David H. Barron, Chủ tịch của Tập đoàn ICCF khẳng định: “Điều cần thiết là chúng ta phải giải quyết các mối nguy hiểm của thị trường thương mại và thương mại động vật hoang dã – đặc biệt là khi chúng dẫn đến các đại dịch như chúng ta đang phải đối mặt tại thời điểm này – trong khi tôn trọng các quyền bản địa và sử dụng các phương tiện duy trì động vật hoang dã bền vững”.
Chúng ta đã có luật về vấn đề này chưa?
Báo cáo về Tội phạm động vật hoang dã thế giới của Liên Hợp Quốc (UN World Wildlife Crime Report) cho thấy, các loài động vật và thực vật hoang dã được mua và bán để lấy thịt, làm thuốc truyền thống, làm đồ nội thất, làm vật nuôi và làm các sản phẩm xa xỉ hoặc không thiết yếu khác. Báo cáo nêu rõ là 7.000 trong số 36.000 các loài được liệt kê theo CITES hiện đang được buôn bán bất hợp pháp.
Mặc dù CITES được thành lập để đảm bảo rằng, thương mại quốc tế về động vật và thực vật hoang dã không đe dọa sự sống còn của các loài này, nhưng nó không áp dụng cho thương mại nội địa. CITES yêu cầu Các bên phải xử phạt thay vì hình sự hóa các vi phạm và chỉ áp dụng cho dưới 0,5% trong số 8 triệu loài trên thế giới.
CITES không bao gồm các tiêu chí sức khỏe động vật hoặc sức khỏe công cộng trong việc ra quyết định. Việc thực hiện phương pháp Một Sức khỏe để buôn bán động vật hoang dã là cần thiết, nếu chúng ta muốn giảm thiểu rủi ro dịch bệnh từ quần thể động vật hoang dã sang người.
Với tư cách là Chủ tịch Ban chỉ đạo, ông John Scanlon khuyến khích các tổ chức đến từ tất cả các lĩnh vực và các cá nhân quan tâm, thể hiện sự hỗ trợ của họ bằng cách đăng ký ủng hộ, tham gia sáng kiến tại www.endwildlifecrime.org.
Ông John Scanlon nhấn mạnh: “Nếu bây giờ chúng ta không hành động táo bạo để thể chế hóa những thay đổi cần thiết cho luật pháp, tôi sợ rằng, chúng ta có thể quay lại cùng một vị trí trong tương lai không xa. Sáng kiến này đưa ra những cải cách có thể giúp chúng ta cải thiện tốt nhất để ngăn chặn đại dịch tiếp theo liên quan đến động vật hoang dã”.
Tài liệu, thông tin báo chí khác có thể được tải xuống ở đây.