Nhiều chất ô nhiễm trong đại dương gây ra thiệt hại chưa từng thấy đối với hệ sinh thái biển và ven biển, bao gồm chất dinh dưỡng, kháng sinh, dược phẩm, kim loại nặng, hóa chất công nghiệp, thuốc trừ sâu, dầu khí và chất thải rắn không nhựa.
Khoảng 80% nguồn gây ô nhiễm đại dương bắt nguồn từ đất liền, chảy ra biển từ sông hoặc bị bão cuốn trôi ra biển. Các nguồn và loại ô nhiễm khác nhau có nghĩa là giải quyết thách thức ô nhiễm đại dương phải là một quá trình nhiều bên liên quan, bao gồm toàn bộ chuỗi giá trị, từ thiết kế, sản xuất đến sử dụng, xử lý công nghiệp và tiêu dùng.
Đây là những nội dung chính được nêu ra tại Đối thoại trực tuyến về đại dương, diễn ra từ ngày 1 – 5/6 tại trụ sở Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở bang Geneva (Thụy Sĩ).
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, tại phiên đối thoại, những người tham gia nêu bật một số thách thức chính và giới thiệu các giải pháp đang được triển khai, thảo luận các biện pháp tăng cường hành động nhằm thực hiện những thay đổi quan trọng cần thiết để bảo vệ đại dương khỏi ô nhiễm và các tác động rộng lớn hơn.
Cuộc đối thoại diễn ra trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang đặt ra những thách thức chưa từng có đối với nền kinh tế đại dương, đẩy nhiều người đứng trước nguy cơ chịu tác động khi có tới 10% dân số thế giới phụ thuộc vào đánh bắt cá để kiếm sống.
Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Guy Ryder cho rằng cần phải đánh giá thực tế những thách thức đối với nền kinh tế đại dương trong giai đoạn dịch COVID-19. Theo ông, đại dịch COVID-19 đã phơi bày những lỗ hổng hiện có trong các hệ thống bảo vệ người lao động.
Trong khi đó, Tổng Thư ký Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) Kitack Lim lưu ý 80% thương mại thế giới sử dụng biển, vận chuyển quốc tế đã phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng do các biện pháp kiểm dịch và hạn chế đi lại. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác giữa các bên liên quan trong khu vực công và tư nhân.
Phó Thủ tướng Tây Ban Nha Teresa Ribera cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác giữa các nước. Bà cảnh báo đại dương đang phải đối mặt với mối đe dọa của tình trạng mất đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu, đồng thời kêu gọi tăng cường quản lý vùng biển và bảo vệ đa dạng sinh học. Theo bà, đại dịch COVID-19 cũng cho thấy các hệ thống kinh tế và xã hội dễ bị tổn thương. Do đó, điều cần làm hiện nay là tổ chức lại các nền kinh tế theo cách đặt tính bền vững lên hàng đầu trong chương trình nghị sự quốc gia.