Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đang trình Quốc hội quy định sử dụng 50% tiền xử phạt vi phạm về bảo vệ môi trường để lại cho cơ quan, tổ chức thực hiện việc kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, quy định này đang gây tranh cãi khi trái với Luật Ngân sách nhà nước và pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính…
Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) được trình Quốc hội và thông qua năm 1993. Đến năm 2005 được sửa đổi, bổ sung toàn diện lần đầu tiên với 15 chương và 136 điều. Năm 2014, Luật được sửa đổi lần 2. Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) lần này bao gồm 16 chương và 192 điều, giảm 4 chương và tăng 21 điều so với Luật BVMT năm 2014.
Dự thảo được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đánh giá là đồ sộ, được sửa đổi cơ bản, toàn diện để thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng, nhất là về BVMT là vị trí trung tâm của các quyết định phát triển, không đánh đổi môi trường lấy tăng tưởng kinh tế.
Góp ý Dự thảo Luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội đề nghị cân nhắc quy định sử dụng 50% tiền xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) về BVMT để lại cho cơ quan, tổ chức thực hiện việc kiểm tra, xử lý vì quy định này trái với Luật Ngân sách nhà nước.
Theo nội dung Tờ trình số 125/TTr-CP ngày 07/4/2020 2020 trình Quốc hội hồ sơ Dự án Luật BVMT (sửa đổi), nhằm huy động sự tham gia của các lực lượng được pháp luật cho phép (thanh tra xây dựng, giao thông, tổ chức, cá nhân quản lý công viên, khu vui chơi, giải trí, khu du lịch,…) để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm về BVMT, Dự án Luật BVMT quy định quyền của các lực lượng này được xử lý vi phạm về BVMT nơi công cộng, trong hoạt động xây dựng, phương tiện tham gia giao thông.
Theo đó, quy định cơ chế xử phạt nhanh bằng biên lai thu tiền trực tiếp (số tiền phạt không quá 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức theo Nghị định 81/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý VPHC) và cho phép giữ lại một phần số tiền xử phạt, tiền phạt tại các cơ quan, tổ chức để duy trì hoạt động BVMT.
Tuy nhiên, sau 2 cuộc họp với Thường trực Ủy ban KH,CN&MT ngày 17/4/2020 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 21/4/2020, các đại biểu đánh giá: Có sự khác nhau của Dự thảo Luật với pháp luật về xử lý VPHC, nhất là việc mở rộng chủ thể có quyền xử phạt; Quy định sử dụng 50% tiền thu được từ xử phạt để lại cho cơ quan, tổ chức thực hiện việc kiểm tra, xử lý vi phạm về BVMT trên địa bàn quản lý… cần cân nhắc thêm.
Do đó, ngày 19/5/2020, Bộ TN&MT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các nội dung giải trình và dự kiến tiếp thu, hoàn thiện Dự thảo Luật.
Theo đó, thống nhất điều chỉnh một số nội dung của Dự thảo Luật để phù hợp với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý VPHC như: Bỏ quy định các chức danh cụ thể trong xử phạt VPHC đối với một số hành vi VPHC về BVMT; Bỏ quy định việc giữ lại 50% số tiền xử phạt để phục vụ hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm của cơ quan người đã xử phạt đối với một số hành vi VPHC về BVMT; Bỏ quy định hình thức phạt theo biên lai thu tiền trực tiếp đối với tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về giữ gìn vệ sinh, BVMT nơi công cộng; Bỏ quy định một số biện pháp đảm bảo việc chấp hành quyết định xử phạt VPHC đối với cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây ô nhiễm môi trường kéo dài không chấp hành quyết định xử phạt VPHC (đã bỏ Điều về xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng)…
Một số điểm mới tại Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) Dự thảo quy định tần suất thanh tra không quá 1 lần/năm đối với một tổ chức, cá nhân, riêng các đối tượng chấp hành tốt công tác BVMT là không quá 1 lần/2 năm liên tiếp, trừ trường hợp thanh tra đột xuất để giảm phiền hà, chồng chéo cho doanh nghiệp. Dự thảo Luật đã cải cách mạnh mẽ, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính từ 20 – 85 ngày; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0. Bổ sung nhiều công cụ, chính sách kinh tế như: Cơ chế đặt cọc – hoàn trả, đóng góp kinh phí để thu gom, tái chế, xử lý bao bì, sản phẩm đã qua sử dụng; thuế, phí BVMT đối với chất thải, thuế các-bon; thị trường phát thải; tín dụng xanh; đầu tư theo hình thức PPP; đầu tư vào vốn tự nhiên; phát triển ngành công nghiệp môi trường… |