Hà Lan tạm hoãn tiêu hủy 10.000 con chồn vì bị phản đối

Các nhà chức trách ở Hà Lan đã ra lệnh tiêu hủy 10.000 con chồn vì sợ rằng những con vật này có thể chứa virus SARS-CoV-2 và gây ra một làn sóng lây nhiễm mới sang người.

Một con chồn tại trang trại nuôi thú lấy lông ở Belarus. Ảnh: Reuters.

Lệnh tiêu hủy được đưa ra sau khi các nhà khoa học ở nước này xác nhận loài chồn đang nuôi nhốt ở các trang trại để cung cấp sản phẩm lông thú cao cấp có thể lây nhiễm Covid-19 cho con người.

Việc tiêu hủy dự định diễn ra vào thứ Sáu, ngày 5-6, nhưng đã bị hoãn vào phút cuối khi các nhà vận động bảo vệ quyền động vật lên tiếng với lý do thiếu cơ sở pháp lý. Lệnh đã bị hoãn, trong khi hệ thống pháp luật Hà Lan xem xét yêu cầu bồi thường nếu tiêu hủy.

Bộ trưởng nông nghiệp Hà Lan Carola Schouten lập luận rằng việc tiêu hủy là cần thiết. Trong một lá thư gửi tới quốc hội, bà nói: “Dọn sạch các trang trại bị nhiễm bệnh là vì lợi ích của cả sức khỏe con người và sức khỏe động vật”.

Các nhà khoa học không có bằng chứng cụ thể về sự lây lan giữa chồn và người. Nhưng bà Schouten đã lập luận rằng bằng chứng hiện tại đủ thuyết phục để biện minh cho việc tiêu hủy.

Việc Covid-19 bị nghi ngờ lây từ chồn sang người tại các trang trại ở phía nam Hà Lan đã được chính phủ Hà Lan báo cáo lần đầu tiên vào ngày 19-5.

Chồn ở Hà Lan được nuôi để cung cấp lông thú đắt tiền cho khách hàng. Nhưng ngành công nghiệp nuôi chồn sẽ kết thúc vào năm 2023 khi lệnh cấm theo luật năm 2013 có hiệu lực.

Bloomberg đã trích dẫn lời của Giáo sư, Tiến sĩ Arjan Stegeman, một nhà dịch tễ thú y tại Đại học Utrecht, người đang điều tra vụ dịch cho thấy, sự lây truyền ban đầu đến từ các công nhân trang trại lây nhiễm sang chồn. Virus cũng đã lây lan sang cả mèo sống ở trang trại. Bảy trong số 24 con mèo được thử nghiệm có kháng thể SARS-CoV-2. Mèo đi lang thang giữa các trang trại đã truyền virus cho những con chồn khác và virus bị nghi ngờ lây lan trong quần thể chồn tại hai trang trại nằm gần nhau ở tỉnh Noord-Brabant, gần biên giới Bỉ.

Những con chồn bị nhiễm bệnh này sau đó đã có thể truyền lại cho con người, chính phủ Hà Lan xác nhận trong một bức thư gửi tới quốc hội Hà Lan vào ngày 25-5.

Những con chồn tại một trang trại gần thị trấn Kalinkovichi, Belarus. Ảnh: Reuters.

Các nhà hoạt động vì quyền động vật đã phủ nhận rằng chồn có thể lây lan virus. “Các chuyên gia luôn nói rằng virus corona ở chồn không gây nguy hiểm cho sức khỏe đối với con người”, ông Erwin Vermeulen, phát ngôn viên của tổ chức quyền động vật, một trong những nhóm đưa ra khiếu nại nói với AFP.

Kể từ khi Covid-19 xuất hiện tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm 2019, nguồn gốc chính xác của virus vẫn chưa được biết. Nhiều sự chú ý tập trung vào chợ hải sản bán buôn ở Vũ Hán, nơi một loạt động vật hoang dã và gia súc bị giết thịt. Nhưng mới đây, các nhà khoa học cho rằng đây không phải là nơi bắt nguồn của đại dịch vì các mẫu động vật thu được ở chợ Vũ Hán đều âm tính với virus SARS-CoV-2.

Hoa Lan (Theo Business Insider)

Nguồn: