Rừng phòng hộ ven biển là “lá chắn” chống xâm thực, bão lũ nhưng tỉnh Bình Thuận lại chuyển đổi cấp cho một dự án du lịch, xây biệt thự.
Ngày 4-6, nguồn tin của PLO cho biết Sở NN&PTNT, UBND tỉnh Bình Thuận đang chuẩn bị hồ sơ trình Thường trực Tỉnh ủy thông qua chủ trương chuyển hơn 110 ha rừng sang mục đích sử dụng khác để thực hiện tám công trình, dự án.
Trong số diện tích này có gần 75 hecta rừng trồng và hơn 25 hecta rừng phòng hộ. Trong số hơn 25 hecta rừng phòng hộ sẽ chuyển cho dự án thì có đến gần 15 ha sẽ được chuyển cho Dự án khu tổ hợp khách sạn cao cấp Utisys thuộc địa bàn hành chính xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong.
Dự án nói trên do Công ty TNHH Utisys Việt Nam làm chủ đầu tư. Công ty này thành lập vào năm 2010 và có trụ sở chính tại khu vực trại lưới, thôn 1, xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, Bình Thuận. Vốn điều lệ của công ty này là 370,8 tỉ đồng do ông Vladislas Zhuchkov – Quốc tịch Liên bang Nga làm chủ tịch công ty.
Được biết tổng quy mô dự án có diện tích hơn 73 ha, ngoài rừng phòng hộ ven biển còn có gần 50 ha là rừng sản xuất.
Dự án được quy hoạch nhiều loại hình dịch vụ như: Khu biệt thự, khách sạn, nhà hàng, khu trung tâm hội nghị và triển lãm quốc tế, trung tâm vui chơi giải trí trong nhà và ngoài trời, khu thể thao, spa và các loại hình giải trí thể thao… đáp ứng khoảng 3.788 người. Trong đó, diện tích xây biệt thự lên tới 3,6 ha.
Dự án được UBND tỉnh Bình Thuận cấp giấy chứng nhận đầu tư trong năm 2010 và cấp thay đổi lần thứ nhất vào tháng 4-2012. Theo cam kết, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư và bàn giao đất tại thực địa, dự án phải được triển khai, hoàn thành và đưa vào hoạt động kinh doanh năm 2017.
Tuy nhiên đến năm 2018, dự án mới chỉ thực hiện công tác đo đạc bản đồ, rà phá bom mìn, bồi thường được hai hộ dân và còn vướng bốn hộ (khoảng 2,5 ha).
Ngoài ra chủ đầu tư có hoàn chỉnh hồ sơ trồng rừng thay thế, hoàn chỉnh hồ sơ phê duyệt giá trị rừng trồng nằm trên khu đất dự án và đã được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt, tuy nhiên vẫn còn một khoản tiền chưa nộp theo thông báo của Cục Thuế Bình Thuận…
Sau đó, chủ đầu tư xin gia hạn tiến độ dự án thêm 6 tháng (đến cuối tháng 12-2018) để thực hiện các thủ tục liên quan. UBND tỉnh Bình Thuận đồng ý gia hạn; đồng thời cho biết đây là lần gia hạn cuối cùng. Nếu quá thời hạn mà chủ đầu tư không thực hiện hoặc thực hiện không đúng theo tiến độ cam kết, UBND tỉnh sẽ thu hồi dự án và không giải quyết bất cứ lý do khiếu kiện gì của chủ đầu tư.
Như vậy, đây là dự án du lịch có nhiều ý kiến trái chiều bởi 10 năm qua vẫn chưa khởi công xây dựng. UBND tỉnh Bình Thuận đã gia hạn nhiều lần thậm chí đã ra “tối hậu thư” sẽ thu hồi từ hai năm trước. Thế nhưng dự án này không những không bị thu hồi mà nay còn có chủ trương được cấp cả rừng phòng hộ ven biển để làm khu du lịch và xây biệt thự.
Được biết, hồ sơ cho chuyển mục đích sử dụng hơn 25 ha rừng phòng hộ ngoài cho chuyển gần 15 ha cho Utisys Việt Nam, còn có hơn 10 ha rừng phòng hộ khác nằm trong Dự án nhà máy điện gió Bình Thuận (Hòa Thắng, huyện Bắc Bình) do Công ty Cổ phần Win Energy làm chủ đầu tư. Hồ sơ này sau khi có ý kiến thống nhất của Thường trực Tỉnh ủy, sắp tới UBND tỉnh Bình Thuận sẽ lập thủ tục trình HĐND tỉnh để cho phép chuyển đổi diện tích rừng nêu trên.
Một chuyên gia lâm nghiệp cho biết, cây phi lao được coi là “lá chắn” chống triều cường, sạt lở cho vùng ven biển. Khi quỹ đất ven biển đã bị thu hẹp rất lớn, diện tích dành cho rừng phòng hộ ven biển không thể mở rộng, thì việc gìn giữ những rừng cây ven biển này càng trở nên cấp thiết. Chỉ có rừng phòng hộ mới mong giảm thiểu được tác hại của bão lụt, triều cường, bảo vệ được tính mạng và tài sản của người dân và các công trình ven biển.
“Rừng phòng hộ phi lao ven biển đã góp phần rất lớn trong việc đảm bảo an sinh cho người dân. Điều đó thấy rất rõ khi nhiều năm qua rừng phòng hộ đã chống được gió bão, bảo vệ môi trường sinh thái, các công trình ven biển, hạn chế xâm thực, tạo “bức tường xanh” ngăn bão lũ” – vị này nêu ý kiến.
Do đó, theo vị này, việc giao một diện tích rừng phòng hộ để làm du lịch xây biệt thự, tỉnh Bình Thuận cần phải hết sức cân nhắc. Bởi dù cho doanh nghiệp đầu tư có bỏ ra bao nhiêu tiền bồi hoàn rừng đi nữa thì những bờ kè bê tông chống xâm thực hàng trăm tỉ thậm chí hàng ngàn tỉ cũng không thể so sánh hiệu quả, bền vững với rừng phòng hộ.
Theo ghi nhận của chúng tôi, rừng phi lao phòng hộ ven biển ở Bình Thạnh, Tuy Phong có hàng chục năm tuổi được trồng với mật độ dày đặc, đan xen nhau trở thành một “lá chắn” xanh bảo vệ bờ biển này không bị xói lở nhiều năm qua.
Để thông tin nhiều chiều tới bạn đọc, PV đã tìm cách liên lạc với chủ đầu tư, tuy nhiên do chủ đầu tư người Nga nên PV vẫn chưa liên hệ được. PLO sẽ tiếp tục theo dõi để thông tin sớm tới bạn đọc.