“Chúng cháu đang dọn dẹp mớ hỗn độn mà các bác đã tạo ra”, Greta Thunberg nói về vấn đề môi trường trong một phòng họp có nhiều vị lãnh đạo châu Âu.
Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, đại diện Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường đều nhận định thế hệ trẻ đang có những tiếng nói quan trọng trong bảo vệ môi trường. Hành động của Greta Thunberg là minh chứng sinh động nhất.
Greta Thunberg (2003) là một nhà hoạt động môi trường người Thụy Điển. 15 tuổi, Thunberg bắt đầu nghỉ học để biểu tình ngoài Nghị viện Thụy Điển, kêu gọi bảo vệ môi trường.
Cô đã tham gia nhiều hội nghị, diễn đàn quan trọng, nói lên sự cấp bách của khủng hoảng khí hậu. Thunberg được tạp chí Time vinh danh là “Nhân vật của năm”, cô được đề cử giải Nobel Hòa bình 2019, tiếp tục được đề cử Nobel Hòa bình 2020.
Những hành động mạnh mẽ của Greta Thunberg gây tiếng vang lớn, được hàng triệu thanh thiếu niên hưởng ứng. Bài phát biểu “Sao mọi người dám” của cô như một tuyên ngôn của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ môi trường.
Hành trình từ một cô bé mắc bệnh Asperger đến chiến binh quả cảm bảo vệ Trái đất của Greta Thunberg được thể hiện trong cuốn sách Greta Thunberg – Chiến binh vì hành tinh xanh.
Nhân dịp phát hành bản tiếng Việt cuốn sách, hướng tới ngày Môi trường thế giới (5/6), một buổi ra mắt sách được tổ chức ở Hà Nội sáng 4/6.
Cuộc biểu tình một người
Tại chương trình, bà Ann Mawe – Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam – kể câu chuyện bà gặp Greta Thunberg hai năm trước:
“Vào mùa hè năm 2018, trên đường đi bộ đến Bộ Ngoại giao ở Stockholm để làm việc, tôi thấy một cô bé ngồi trước cổng Quốc hội Thụy Điển, bên cạnh là tấm biển ghi dòng chữ ‘Bãi khóa vì khí hậu’. Đến ngày thứ ba khi đi ngang qua cô bé, tôi liền hỏi cô bé về cuộc bãi khóa. Tôi nói rằng em thật dũng cảm và tôi hy vọng rằng những người khác sẽ tham gia chương trình với em”.
Đại sứ Ann Mawe đưa mời cô bé một quả táo nhưng em từ chối. “Tôi cảm thấy tội nghiệp cho em khi thấy em ngồi một mình nơi đây”, bà Mawe nói.
Bảy tháng sau, bà Mawe lại đi qua cổng Quốc hội Thụy Điển, lần này bà đi cùng con gái (cũng tên là Greta). Con gái bà cũng muốn bãi khóa vì khí hậu. Lần này có hàng chục nghìn thiếu niên nhi đồng ở xung quanh tòa nhà Quốc hội.
Cuộc biểu tình một người của Greta đã trở thành một phong trào quốc tế rộng lớn “#FridaysfortheFuture”.
Không phải đến khi 15 tuổi, khi bắt đầu bãi khóa Greta mới có hành động bảo vệ môi trường. Từ năm lên 8 tuổi, cô bé đã bắt đầu nhận thức về cuộc khủng hoảng khí hậu. Cô thuyết phục bố mẹ thay đổi lối sống để giảm khí thải nhà kính, sau đó cô bé nhận ra rằng cần có các hành động mạnh mẽ ở Thụy Điển cũng như trên toàn thế giới.
Vì thế cô đưa cuộc biểu tình của mình tới nơi những nhà lãnh đạo quốc tế hội họp. Cô đến Ba Lan tham dự Hội nghị Biến đổi Khí hậu Liên Hợp Quốc (tháng 12/2018), đến Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos (tháng 1/2019), đến Hội nghị Thượng đỉnh Hành động vì Khí hậu của Liên Hợp Quốc (2019) tại New York… Bài phát biểu của Thunberg với câu “Sao mọi người dám!” gây chấn động, truyền cảm hứng tới giới trẻ trong bảo vệ môi trường.
Greta khẳng định các nhà lãnh đạo thế giới phải chịu trách nhiệm về tình trạng biến đổi khí hậu vì không có những biện pháp hiệu quả để cải thiện tình hình. Nhiều người chỉ trích đó là lời kêu gọi “hỗn hào”; nhưng không ít thanh thiếu niên ủng hộ cô bé và cùng tham gia tuần hành.
“Chúng ta hãy noi gương Greta Thunberg”
Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Ann Mawe nói khủng hoảng khí hậu là vấn đề vô cùng cấp bách. “Chúng ta hãy noi gương Greta. Chúng ta cần nhận ra rằng tất cả đều có thể góp phần vào sự thay đổi. Tất cả đều có thể tạo nên sự khác biệt dù nhỏ bé đến thế nào”, bà Mawe nói.
Ông Shin Umezu, Trưởng văn phòng Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam – cho biêt mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) là 17 mục tiêu đầy tham vọng tập trung vào con người, hành tinh và sự thịnh vượng. Việc triển khai SDG đòi hỏi sự tham gia của mọi người từ tất cả quốc gia, chủng tộc và tầng lớp xã hội.
“Giới trẻ và thanh niên có một vai trò quan trọng trong việc truyền thông tin đến tất cả các cấp trong xã hội, giáo dục mọi người về chủ đề này, phát triển và mở rộng các giải pháp. Liên Hợp Quốc chia sẻ thông điệp của Greta Thunberg, rằng những bằng chứng về khoa học khí hậu rõ ràng và không thể thương lượng. Các hành động và cam kết khí hậu mạnh mẽ là cần thiết để ngăn chặn biến đổi khí hậu và những khủng hoảng về môi trường”, ông Shin Umezu nói.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch Thái Hà Books, đơn vị phát hành cuốn sách tại Việt Nam – nói đơn vị ông phát hành cuốn sách này vì cô bé Greta là đại diện của thế hệ trẻ dám nghĩ dám làm vì một môi trường mà chúng ta đang sống.
Ông Phạm Văn Tấn – đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, đồng thời là Phó Trưởng ban Công tác đàm phán biến đổi khí hậu – cho biết các cam kết của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu đã được đưa vào Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sử đổi đã được báo cáo Quốc hội.
Theo ông Tấn, ứng phó biến đổi khí hậu không chỉ là trách nhiệm của chính phủ mà còn của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Thanh thiếu niên sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu trong vài thập niên tới nếu chúng ta không hành động ngay để bảo vệ môi trường.
“Trong việc thực hiện Thỏa thuận Khí hậu Toàn cầu, thanh thiếu niên có vai trò hết sức quan trọng. Vì đây không chỉ là nhân tốt tích cực thực hiện ứng phó biến đổi khí hậu, mà còn là đối tượng gánh chịu hậu quả của biến đổi khí hậu sẽ xảy ra trong vòng vài thập kỷ tới nếu chúng ta không quyết liệt thực hiện các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu ngày hôm nay”.