“Thiên nhiên từng quyết định cách loài người sống sót. Nay đến lượt chúng ta quyết định vận mệnh sống còn của thiên nhiên”.
Nhà tự nhiên học nổi tiếng người Anh 94 tuổi, Sir David Attenborough đã nói như vậy khi cảnh báo rằng: “Trái Đất đang lâm vào kỳ giữa của cuộc đại tuyệt chủng lần thứ sáu”, bởi thiên nhiên đang bị tàn phá và đa dạng sinh học của Trái Đất đang bị hủy diệt với tốc độ khủng khiếp.
Con người có mối quan hệ mật thiết với thiên nhiên. Thiên nhiên cho chúng ta không khí để thở, nước sạch để uống, đất đai màu mỡ để trồng trọt chăn nuôi, thức ăn phong phú để sống khỏe mạnh và chống lại bệnh tật. Thiên nhiên giúp các nhà khoa học tìm hiểu về chức năng sinh lý của con người và cung cấp nguyên liệu sản xuất thuốc điều trị nhiều bệnh tật. Thiên nhiên thậm chí còn giúp giảm nhẹ những tác động của biến đổi khí hậu bằng cách lưu trữ khí thải gây hiệu ứng nhà kính và điều hòa lượng mưa ở từng khu vực…. Nói như Giám đốc phụ trách vấn đề động vật hoang dã thuộc Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) Doreen Robinson thì con người và thiên nhiên là một phần của một hệ thống được kết nối chặt chẽ. Còn nhà khoa học Robert Watson, người đứng đầu Chương trình liên chính phủ về đa dạng sinh học và các dịch vụ sinh thái (IPBES) của Liên hợp quốc, thì cho rằng “sức khỏe” của thiên nhiên liên quan trực tiếp đến vận mệnh của nhân loại, bởi thiên nhiên có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sản xuất lương thực thực phẩm, cung cấp nước sạch và dược phẩm phục vụ con người.
Một điều đáng buồn, con người đang khai thác thiên nhiên vượt quá khả năng tái sinh. Trong 50 năm trở lại đây, dân số thế giới tăng gấp đôi, kinh tế thế giới đã tăng gần gấp 4 lần và thương mại toàn cầu đã tăng tới 10 lần. Nhưng đi kèm với đó, thiên nhiên đang bị tàn phá với “tốc độ hủy diệt”. Diện tích rừng suy giảm do nạn phá rừng, chỉ trong vòng 5 năm (2010 – 2015), 32 triệu ha rừng biến mất. Băng đang tan với tốc độ phi mã khi nhiệt độ trung bình toàn cầu đạt mức cao kỷ lục trong giai đoạn 2010-2019, trong khi tốc độ axit hóa đại dương tăng chóng mặt. Nước biển dâng, đất xói mòn, ô nhiễm không khí… Khoảng 20% các loài thú hoang đã biến mất so với đầu thế kỷ XX, 40% các loại ếch, nhái, 1/3 số lượng san hô, cá mập hay động vật biển cũng không còn.
Theo một báo cáo được Liên hợp quốc công bố năm ngoái trên cơ sở nghiên cứu của hơn 150 nhà khoa học, trong số 8 triệu loài động, thực vật đang tồn tại có tới 1 triệu loài có nguy cơ biến mất khỏi Trái Đất trước sự tàn phá của con người. Dự báo trong 10 năm tới, cứ 4 loài mà con người biết sẽ có một loài bị xóa sổ hoàn toàn. Quá trình “hủy diệt sinh học” – tức quá trình mất dần vĩnh viễn của các loài trên trái đất – hiện đang diễn ra nhanh gấp 4.000 lần so với thời kỳ khủng long.
Con người đang chứng kiến tình trạng biến đổi khí hậu trầm trọng, sự xuất hiện thường xuyên hơn các thảm họa thiên nhiên khủng khiếp nhất trong lịch sử, từ cháy rừng ở Brazil, Mỹ, Australia cho tới nắng nóng kỷ lục ở châu Âu hay nạn châu chấu hoành hành ở vùng sừng châu Phi và giờ là đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lan khắp toàn toàn cầu. Tất cả đều bắt nguồn từ những hoạt động của con người, từ hoạt động sống và sản xuất, giao thông… như chặt phá rừng để canh tác, khai thác tràn lan tài nguyên thiên nhiên, thải quá nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính, gây ô nhiễm…. Hoạt động của con người đã để lại hậu quả nặng nề cho thiên nhiên, làm mất cân bằng tự nhiên và phá hủy đa dạng sinh học, khó mà phục hồi nguyên trạng.
“Hành động vì Thiên nhiên” (Time for Nature) là chủ đề được UNEP lựa chọn cho Ngày Môi trường thế giới 5/6 năm nay, trong bối cảnh cộng đồng quốc tế chuẩn bị bước sang Thập niên phục hồi hệ sinh thái (2021 – 2030) với mục tiêu khôi phục mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên. Theo UNEP, đa dạng sinh học là đa dạng các sự sống trên Trái Đất. Đa dạng sinh học bao gồm 8 triệu loài trên hành tinh này – từ thực vật và động vật tới các loài nấm và vi khuẩn; hệ sinh thái của các loài này cùng đa dạng hệ gen. Đa dạng sinh học có thể được xem như một mạng lưới phức tạp mà ở đó mỗi thành phần có mối quan hệ mật thiết với nhau. Khi một thành phần bị thay đổi hoặc biến mất, toàn bộ hệ thống sẽ bị ảnh hưởng, và có thể gây ra hậu quả tiêu cực. Do đó, nếu để xảy ra mất đa dạng sinh học, sự sống của toàn nhân loại sẽ chịu tác động nghiêm trọng.
Đại dịch COVID-19 được coi là một minh chứng thuyết phục cho hậu quả của việc phá hủy đa dạng sinh học. Bà Kristine McDivitt Tompkins, Chủ tịch Trung tâm Bảo tồn Tompkins Conservation, cho rằng loài người từng có một vùng đệm – vùng đất rộng lớn của thiên nhiên không bị xáo trộn – ngăn những căn bệnh chết người như COVID-19. Nhưng bằng cách phá rừng và phá hủy các môi trường sống tự nhiên khác hay thay thế các loài bản địa bằng các sinh vật ngoại lai, chính con người đã đưa những mầm bệnh này ra khỏi vật chủ tự nhiên của chúng và tạo ra một lối tắt cho chúng xâm nhập. Tình trạng này đã xảy ra ở lưu vực sông Amazon, nơi nạn phá rừng khiến bệnh sốt rét tăng mạnh. Bệnh viêm đường hô hấp cấp tính (SARS), Ebola và cúm gia cầm cũng là những ví dụ điển hình tương tự.
Với đà hủy diệt sinh học như hiện nay, các nhà khoa học cảnh báo rằng con người sẽ phải trả giá đắt. Đảo ngược tình trạng mất đa dạng sinh học là cách duy nhất để khôi phục và duy trì một hành tinh khỏe mạnh.
UNEP cũng khẳng định tàn phá thiên nhiên chính là tàn phá cuộc sống của con người. Chăm lo cho thiên nhiên là chăm lo cho chính con người. Bởi vậy, đã đến lúc phải nhìn nhận lại mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên và đặt thiên nhiên vào trung tâm của các quyết định.
Trước Thập niên phục hồi hệ sinh thái, năm 2020 là một năm quan trọng đối với các quốc gia trong việc cam kết bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái, ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường an ninh lương thực, bảo vệ tài nguyên nước… Đây là thời điểm mỗi quốc gia cùng chung tay và có những hành động cụ thể, thiết thực vì thiên nhiên và Trái Đất, để con người lại có thể sống hòa hợp với thiên nhiên.