Những hình ảnh ám ảnh khoét sâu vào mâu thuẫn lớn giữa phát triển du lịch và bảo tồn tự nhiên tại Sơn Trà.
Chùa Linh Ứng, núi Sơn Trà là một địa điểm du lịch tâm linh khá nổi tiếng của thành phố Đà Nẵng. Nơi đây thu hút nhiều khách đến tham quan không chỉ vì cảnh thiên nhiên đẹp tuyệt vời, mà còn vì đây là nơi sinh hoạt của khá nhiều động vật hoang dã từ núi Sơn Trà xuống. Núi Sơn Trà còn được gọi là Núi Khỉ, bởi có nhiều khỉ và voọc sinh sống. Khỉ ở đây quá nhiều nên chúng khá quen thuộc với con người và cũng là bạn tốt với người dân sống ven núi.
Thời gian gần đây, do vùng cư trú của khỉ bị con người xâm lấn, nạn phá rừng, chặt cây, khai thác ồ ạt để làm đường giao thông, khu du lịch đã khiến các đàn khỉ phải di tản để kiếm ăn. Chúng thường đến kiếm ăn ở bãi rác của núi Sơn Trà, số còn lại thì đến vườn cây của chùa Linh Ứng. Số khỉ đến chùa Linh Ứng được tiếp xúc với con người hằng ngày nên chúng khá dạn dĩ, thậm chí còn giật thức ăn từ tay du khách. Nhiều du khách thường mang theo thức ăn cho khỉ khiến bầy khỉ đến đây ngày một nhiều.
Tuy nhiên, gần tới Ngày Môi trường Thế giới (ngày 5.6) năm nay, dư luận trong nước đã bị sốc với những hình ảnh do nhiếp ảnh Nguyễn Công Hưng ghi lại được từ bầy khỉ đang sinh sống ở chùa Linh Ứng. Bộ ảnh cho thấy nhiều chú khỉ ở chùa Linh Ứng bị các thợ chụp ảnh vô tư dùng ná có đạn cao su bắn đến lòi xương, thậm chí là què quặt! Theo anh Hưng, sau gần 2 tháng theo dõi, anh đã thực hiện được bộ ảnh đau lòng này, với các chú khỉ thương tật đầy mình, con thì cụt chân, cụt tay, con bị lác da, lòi xương và cả những vết thương đang rỉ máu. Không ít con bị cụt 2-3 chi, không biết sẽ kiếm ăn bằng cách nào.
Anh Hưng cho biết một số con bị thương còn cư ngụ ở các vườn cây của chùa, số còn lại có cả thương tật phải chạy vào rừng để trốn hoặc trốn luôn trên cây. Cũng theo quan sát của anh Hưng, những con khỉ đang sống ở phía Bắc bán đảo Sơn Trà, nơi con người ít đến thì vẫn bình an.
Ngoài điểm nhấn chính là loài voọc chà vá chân nâu được mệnh danh “nữ hoàng” linh trưởng, Sơn Trà còn là điểm đến sinh thái với đa dạng hình ảnh các loài chim và các loài động vật khác như khỉ đuôi lợn, sóc chuột, vượn cáo, mang… Trong đó, khỉ vàng là loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IIB.
Ông Ben Rawson, Giám đốc Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) tại Việt Nam, nhận xét: “Sơn Trà là nơi có một không hai trên thế giới. Ở đây có sự đa dạng sinh học rất cao mà thành phố Đà Nẵng cần bảo vệ và sử dụng sự đa dạng đó thu hút du lịch và phát triển bền vững”.
Nhưng những hình ảnh đau lòng trên cho thấy sự đa dạng này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Mâu thuẫn lớn giữa phát triển du lịch và bảo tồn nếu không có giải pháp kịp thời sẽ kéo theo sự hủy hoại hệ sinh thái tự nhiên quý giá tại đây.
Đây cũng chính là lời cảnh báo của các chuyên gia ở Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet). Sự xâm lấn của con người theo nhiều cách đang tác động tiêu cực đến đời sống của động vật hoang dã nơi đây. Không chỉ là những cuộc tấn công vào môi trường sống, những hành vi độc ác, mà ngay cả việc du khách cho khỉ ăn cũng có thể khiến chúng mất bản năng tìm kiếm hoa quả, thức ăn ngoài tự nhiên, hình thành tập tính xấu, sức khỏe bị ảnh hưởng. Đó là chưa nói về tác động đến hệ sinh thái rừng, bởi khỉ là loài vật phát tán các loại hạt giống rất tích cực trong thiên nhiên.
“Tình trạng khỉ như hiện nay cũng là do chúng ta chưa có đủ biện pháp mang tính răn đe. Chúng tôi đã đăng tải những tấm ảnh này lên mạng xã hội nhiều lần và thông báo cho chính quyền nhưng chưa thấy sự vào cuộc quyết liệt”, anh Hưng đưa ra lời cảnh báo với truyền thông. Nhiều ý kiến cho rằng ngành du lịch Đà Nẵng cần phải quyết liệt hơn trong việc yêu cầu tất cả các đơn vị lữ hành đưa khách lên chùa Linh Ứng hay Sơn Trà tham quan phải có cam kết bảo vệ môi trường và động vật rừng tại đây. Lâu dài hơn, cần có những “ranh giới” nghiêm ngặt, bảo vệ môi trường sống của các loài động vật hoang dã.
Việt Nam hiện có nhiều tổ chức bảo tồn động vật hoang dã nhưng vấn đề khỉ bị xâm hại ở chùa Linh Ứng này xuất hiện đã lâu nhưng vẫn chưa có biện pháp giải quyết triệt để. Phải chăng, người ta cho rằng khỉ là động vật bình thường nên không cần quan tâm như voi, tê giác…? Trong khi một con tê giác ở tận châu Phi bị chết, các tổ chức môi trường ở Việt Nam còn phát động phong trào làm đám tang và lễ đưa tang với truy điệu, điếu văn, nhờ truyền thông tuyên truyền rầm rộ.
Điều đáng buồn là Chương trình Môi trường của Liên hiệp Quốc (UNEP) đã công bố chủ đề Ngày Môi trường Thế giới năm nay là đa dạng sinh học. Những chú khỉ đáng thương đã để lại một hình ảnh rất xấu trong mắt cộng đồng quốc tế về công tác bảo tồn của Việt Nam.