Năm 2012, Thanh tra Chính phủ đã làm rõ và kiến nghị tỉnh Đắc Lắc thu hồi 874,9ha rừng giao khoán sai đối tượng xảy ra tại Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn (RPHĐN) Krông Năng. Đến nay, sau 8 năm, vẫn còn 219,8ha chưa thu hồi được.
Việc chậm trễ này đã được Báo Quân đội nhân dân (số ra ngày 19-7-2018) phản ánh trong bài “Rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng bị xâm hại nghiêm trọng”.
Tại Kết luận số 1600/KL-TTCP, ngày 22-6-2012 của Thanh tra Chính phủ về thực hiện pháp luật trong đầu tư, quản lý sử dụng đất đai và giải quyết khiếu nại, tố cáo một số dự án trồng rừng, trồng cao su, dự án kinh tế-quốc phòng trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc, đã chỉ rõ: Công tác quản lý đất đai, quản lý bảo vệ rừng của chính quyền cấp cơ sở và Ban Quản lý RPHĐN Krông Năng thể hiện sự bất cập, buông lỏng, yếu kém trong thời gian dài, dẫn đến 2.661ha rừng bị lấn chiếm (chiếm 33,5% tổng diện tích rừng đơn vị quản lý).
Trong tổng số 89 hộ, nhóm hộ Ban Quản lý RPHĐN Krông Năng giao khoán (thời hạn 50 năm) diện tích 1.550ha rừng, có 6 nhóm hộ nhận khoán 874,9ha rừng không đúng đối tượng được ưu tiên nhận khoán theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày 8-11-2005 của Chính phủ về việc giao khoán đất rừng sản xuất cho các hộ gia đình.
Theo quy định, đối tượng được nhận khoán phải là hộ gia đình có nhu cầu trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản đang cư trú trên địa bàn (ưu tiên đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn đang cư trú trên địa bàn). Nhưng Ban Quản lý RPHĐN Krông Năng giao khoán cho cả đối tượng là cán bộ, người nhà cán bộ xã, huyện. Cụ thể, giao sai 6 nhóm hộ, với diện tích 874,9ha, gồm: Nhóm hộ bà Mai Thị Hải Yến (vợ ông Phạm Minh Sơn, nguyên Chủ tịch UBND huyện Krông Năng); nhóm hộ ông Trương Công Đản (nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Krông Năng); nhóm hộ bà Triệu Thị Hồng (vợ ông Nguyễn Kim Liên, nguyên Chủ tịch UBND xã Cư Klông); nhóm hộ là xã viên Hợp tác xã Hợp Tiến (gồm 41 hộ dân xã Ea Tam và Ea Puk); nhóm hộ ông Nguyễn Minh Trình và nhóm hộ ông Nguyễn Đình Chương (cán bộ Chi cục Thuế huyện Krông Năng).
Kết luận của Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND tỉnh Đắc Lắc chỉ đạo thu hồi 874,9ha rừng giao khoán không đúng đối tượng và thu hồi 2.661ha đất thuộc lâm phần của Ban Quản lý RPHĐN Krông Năng bị lấn chiếm.
Ngày 24-4-2020, làm việc với chúng tôi, ông Lê Minh Tiến, Phó giám đốc phụ trách Ban Quản lý RPHĐN Krông Năng, cho biết: Đến nay, đơn vị mới thanh lý hợp đồng, thu hồi được 655,1ha rừng giao sai đối tượng. Còn lại 219,8ha, thuộc 5 nhóm hộ chưa thu hồi được, gồm: Nhóm hộ bà Mai Thị Hải Yến (58,5ha); nhóm hộ ông Trương Công Đản (17,2ha); nhóm hộ bà Triệu Thị Hồng (80,6ha); nhóm hộ ông Nguyễn Minh Trình (45ha) và nhóm hộ ông Nguyễn Đình Chương (18,5ha). Vì các nhóm hộ trên yêu cầu được đền bù cây trồng, vật kiến trúc đầu tư trên đất nhận khoán.
Hiện tại, Ban Quản lý RPHĐN Krông Năng đã đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn thẩm định giá trị cây trồng và công trình kiến trúc trên 219,8ha đất lâm nghiệp giao khoán sai đối tượng chưa thu hồi được để hỗ trợ đền bù cho các nhóm hộ khi tiến hành thanh lý hợp đồng, thu hồi đất.
Cũng theo ông Lê Minh Tiến, đối với 2.661ha rừng bị lấn chiếm, sau khi chuyển một phần diện tích về cho địa phương quản lý, hiện tại đơn vị đang quản lý 945ha rừng và đất lâm nghiệp bị 900 hộ dân phá, lấn chiếm từ trước đến nay, phải thu hồi theo Kết luận số 1600/KL-TTCP, ngày 22-6-2012 của Thanh tra Chính phủ.
Trên thực tế, qua kiểm tra, trong diện tích lấn chiếm có 301,13ha quy hoạch là rừng phòng hộ và 643,86ha quy hoạch là rừng sản xuất. Về hiện trạng sử dụng, phần lớn đất rừng bị lấn chiếm, các hộ dân đã trồng cà phê, lúa và hoa màu. Vì vậy, Ban Quản lý RPHĐN Krông Năng đã kiến nghị với UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét giải pháp: Giao khoán lại diện tích này cho các hộ dân phát triển mô hình nông-lâm kết hợp, nhằm tạo sinh kế cho bà con.
Từ thực tế trên, UBND tỉnh Đắc Lắc cần thực hiện dứt điểm việc thu hồi 219,8ha (trong tổng số 874,9ha) rừng giao khoán sai đối tượng, hiện chưa thu hồi được; đồng thời có phương án quản lý chặt chẽ, khai thác hiệu quả, đúng mục đích, tuân thủ quy định của pháp luật đối với 945ha rừng thuộc lâm phần của Ban Quản lý RPHĐN Krông Năng đã bị 900 hộ dân phá, lấn chiếm từ trước đến nay.