Trong cuộc chiến giảm phát thải toàn cầu, thuế carbon là công cụ thường được nhắc đến, nhưng việc thực thi tỏ ra khó khăn trên nhiều mặt. Trong khi đó, thuế ô nhiễm không khí có thể là công cụ “gần gũi” hơn mà vẫn giúp đạt được phần nào mục tiêu trên.
Khi đề cập các chính sách biến đổi khí hậu, công cụ ưa thích (nhưng khá mơ hồ) mà các nhà kinh tế học thường nhắc đến là thuế carbon. Mặc dù đã có khoảng 30 quốc gia áp dụng thuế carbon và nhiều quốc gia khác đang cân nhắc, việc thực thi trên thực tế vẫn tương đối hiếm hoi hoặc gặp nhiều bất cập.
Xây dựng thuế carbon liên quan đến định giá carbon – một công việc khó khăn vì nó đòi hỏi gán giá trị cho những tổn thất môi trường hoặc lượng hóa lợi ích của việc được hít thở bầu không khí trong lành. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ủy ban Stiglitz-Stern đề xuất, đến năm 2030, giá carbon toàn cầu phải ở mức 75-100 USD/tấn để đạt mục tiêu nhiệt độ trái đất không nóng lên quá 2oC .
Trong khi đó, hiện nay mức giá carbon trung bình mới chỉ đạt 2 USD/tấn và có tới 80% khí thải toàn cầu vẫn không được định giá. Những quốc gia đầu tiên áp dụng thuế carbon cũng gặp nhiều trở ngại. Chẳng hạn ở Pháp, việc thuế carbon tăng từ mức 7 Euro/tấn năm 2014 lên 44,6 Euro/tấn năm 2018 đã châm ngòi cho nhiều vụ biểu tình cuối năm đó. Những người phản đối cho rằng thuế carbon đang vượt quá sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp, bởi carbon được đánh thuế tại quá trình sản xuất, phân phối hoặc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Bằng cách làm cho nhiên liệu hóa thạch trở nên đắt đỏ hơn, thuế carbon đặt gánh nặng lên những người có thu nhập thấp, khiến họ phải trả nhiều hơn cho các nhu yếu phẩm hàng ngày như xăng dầu, khí đốt, điện và thực phẩm.
Ở Canada năm 2019, đã xảy ra đối đầu giữa chính quyền liên bang và các địa phương do không thống nhất được các mức thuế và cách tính thuế carbon khác nhau đối với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, mối lo ngại về công bằng khi phân phối lại doanh thu thuế carbon cũng cản trở tiến trình áp dụng nó.
Chính vì vậy, việc đặt ra loại thuế tập trung vào một vấn đề liên quan là ô nhiễm không khí và đóng vai trò tiền đề cho thuế carbon – có thể là giải pháp trung gian.
Ô nhiễm không khí – vấn đề dễ thấy hơn
Mặc dù ô nhiễm không khí tập trung ở khu vực thành phố, những người làm chính sách từ trung ương đến địa phương đều cần quan tâm vì vấn đề này có thể gây ra những tổn thất đáng kể về sức khỏe, năng suất lao động và công bằng.
Trên thế giới, ước tính có khoảng 4 triệu ca tử vong mỗi năm do phơi nhiễm không khí ô nhiễm ngoài trời. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng tới mọi loại đô thị với cường độ khác nhau, chẳng hạn mỗi tuần ở Bristol, Anh có 5 trường hợp tử vong [vì ô nhiễm không khí], trong khi con số đó ở Delhi, Ấn Độ là 500 người.
Ô nhiễm không khí cũng làm giảm năng suất của nền kinh tế, vì nó làm giảm sức khỏe và hiệu suất làm việc của người lao động. Tại Mexico City, khi nồng độ SO2 giảm 20%, công nhân tăng thời gian làm việc lên 3,5%.
Tại Trung Quốc, nghiên cứu chỉ ra rằng nhân viên ở trung tâm chăm sóc khách hàng của một đại lý du lịch lớn ở Thượng Hải và Nam Thông làm việc năng suất hơn, tăng thêm 6% thu nhập khi ô nhiễm không khí trong thành phố ở mức thấp, so với lúc ô nhiễm đỉnh điểm. Một nghiên cứu khác năm 2017 cho thấy ô nhiễm không khí cũng có thể khiến người dân Trung Quốc buộc phải di cư ra, khiến những công dân – đặc biệt là người trẻ tuổi và có học thức – thà thất nghiệp còn hơn mất sức khỏe.
Những nhóm nghèo nhất thường bị tổn thương mạnh nhất. Có tới 91% trường hợp tử vong sớm xảy ra ở các nước thu nhập thấp và trung bình, nơi thường xuyên có mức độ ô nhiễm không khí ở mức cao. Mặc dù ô nhiễm không khí cũng là vấn đề ở các thành phố giàu có nhưng số lượng so ra vẫn thấp hơn những thành phố nghèo. Batman, Thổ Nhĩ Kỳ là đô thị đầu tiên thuộc nhóm các nước OECD lọt vào danh sách những thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới, nhưng nó cũng chẳng leo tới vị trí top 100.
Ngay cả trong phạm vi một thành phố thì ô nhiễm không khí từng nơi cũng khác nhau. Ở châu Âu, những khu vực đa sắc tộc và nghèo khó ở thành thị có mức độ ô nhiễm không khí cao hơn hẳn. Tại London, khoảng 50% khu dân cư có thu nhập thấp và trình độ học vấn thấp vượt quá giới hạn về ô nhiễm không khí, trong khi chỉ có 2% khu vực giàu có vượt trên mức cho phép.
Giải pháp thuế ô nhiễm không khí
Bằng chứng thực tế cho thấy việc đặt ra thuế ô nhiễm không khí ở các thành phố dễ thực hiện hơn so với thuế carbon.
Thuế carbon cũng là một loại thuế môi trường, đánh vào lượng khí thải mà một thực thể tạo ra, hoặc đánh vào những hàng hóa, dịch vụ sử dụng nhiều carbon như xăng dầu. Về mặt nào đó, nó chồng lấn một phần lên các đối tượng bị điều chỉnh bởi những công cụ kinh tế trong chính sách chống ô nhiễm không khí.
Tuy nhiên, tên gọi “thuế carbon” và việc thiết kế nó thường gắn với tiến trình chống biến đổi khí hậu toàn cầu, trong khi “thuế ô nhiễm không khí” dễ dàng gắn với một không gian địa lý cụ thể và có cơ chế thay đổi trực tiếp thông qua việc làm sạch không khí. Hơn nữa, người dân trong thành phố có thể cảm nhận được tác động thay đổi của chất lượng không khí một cách nhanh chóng, do vậy có thể phản ứng tốt hơn với với loại thuế này.
Nhiều quốc gia chưa tính đến việc áp dụng thuế carbon nhưng từ lâu đã bắt đầu chú ý tới các loại thuế về ô nhiễm. Việc đưa ra các loại thuế ô nhiễm mới – đặc biệt ở những nước đang phát triển – có thể học hỏi nhiều bài học kinh nghiệm hữu ích từ những nghiên cứu, thiết kế về thuế carbon. Doanh thu thuế ô nhiễm không khí có thể được hoàn trả cho người dân dưới dạng cổ tức (tương tự như mô hình thuế carbon áp dụng ở tỉnh British Columbia, Canada), biến nó thành một chính sách không làm tăng doanh thu thuế và ủng hộ người nghèo. Ngoài ra, họ có thể dùng nguồn thu từ thuế để tài trợ cho các dự án giảm thiểu ô nhiễm như giao thông công cộng (tương tự như mô hình phí độc hại áp dụng ở London).
Mặc dù cuộc chiến chống biến đổi khí hậu ở quy mô thành phố có thể thành công hay thất bại, thì thuế ô nhiễm không khí cũng là một vũ khí mà các nhà hoạch định chính sách đô thị có thể sử dụng để giảm ô nhiễm không khí, giảm phát thải, và qua đó, giảm tác động của biến đổi khí hậu. Công cụ này có thể là cánh cửa mở ra kỷ nguyên mới cho việc chấp nhận thuế carbon.
Hệ thống công cụ chính sách ứng phó ô nhiễm không khí
Một trong những biện pháp giảm ô nhiễm là thông qua các chính sách dựa trên thị trường, như thuế ô nhiễm không khí và giấy phép mua bán phát thải (cap-and-trade). Về lý thuyết, đây là những cách làm hiệu quả nhất về mặt kinh tế – đảm bảo rằng các nhà sản xuất có thể giảm lượng phát thải nhiều nhất với chi phí thấp nhất. Tuy nhiên, hiệu quả của cách làm này phụ thuộc phần lớn vào số lượng giấy phép được cấp và quy chế phân bổ giấy phép. Đã có một số quốc gia triển khai công cụ này, ví dụ như Ấn Độ mới thí điểm một sàn giao dịch mua bán hạt (bụi) ô nhiễm ở Surat từ tháng 7/2019 và có khả năng giảm 29% lượng phát thải so với mức hiện tại. Nhiều nơi đã bắt đầu thiết lập các “vùng không khí sạch” để ngăn các phương tiện gây ô nhiễm nhất đi vào thành phố. Bằng chứng chỉ ra rằng có thể giảm ô nhiễm ở các vùng này, dù sử dụng hệ thống nhiều nhân công chi phí thấp (như ở một số thành phố tại Pháp) hay hệ thống tự động hóa chi phí cao (như London). Để chống ô nhiễm không khí, người ta còn sử dụng các chính sách ít phức tạp hơn dựa trên mệnh lệnh kiểm soát. Chẳng hạn, việc hạn chế số lượng phương tiện lưu thông ở Delhi, Mexico City và thủ đô Quito của Ecuador đã giúp giảm 10% ô nhiễm không khí tại những nơi này. Tương tự, các chính sách dựa trên thông tin cũng có thể đạt được hiệu quả đối với doanh nghiệp và người dân. Hệ thống quan trắc phát thải liên tục (CEMS) của Ấn Độ đã cung cấp thông tin sâu rộng về những bên gây ô nhiễm, từ đó giúp giảm đáng kể tình trạng ô nhiễm. Người dân cũng có thể được truyền thông về các thiệt hại sức khỏe do ô nhiễm không khí gây ra để từ đó thay đổi hành vi của mình. Có được dữ liệu cần thiết để củng cố việc thi hành chính sách là điều còn quan trọng hơn bản thân chính sách. Thành phố Dakar ở CH Sénégal là một trong những nơi duy nhất tại châu Phi đo lường mức ô nhiễm hằng ngày. Có thể nói, thực thi trách nhiệm giải trình là tiền đề cho việc hành động. |