Chủ đề Ngày Môi trường thế giới 5/6 năm 2020 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc lựa chọn là “Hành động vì thiên nhiên”.
Bài 1: Thực trạng về hệ sinh thái tự nhiên
Năm 2020 là một năm quan trọng đối với các quốc gia trong việc cam kết bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học với việc tăng cường đồng loạt các biện pháp, hoạt động nhằm phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường an ninh lương thực, bảo vệ tài nguyên nước, đồng thời đây là thời điểm mỗi quốc gia cùng chung tay, có những hành động cụ thể, thiết thực vì thiên nhiên và trái đất.
Dự báo các diễn tiến tiêu cực đối với các hệ sinh thái và đa dạng sinh học sẽ làm suy yếu tới 80% tiến trình thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc liên quan đến nghèo đói, y tế, tiêu dùng, sản xuất bền vững, nước, đô thị, khí hậu, đại dương và đất đai. Đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái đóng vai trò thiết yếu cho sinh kế người dân Việt Nam. Tuy nhiên, tính toàn vẹn của hệ sinh thái và chất lượng đa dạng sinh học đang bị suy giảm qua các thập kỷ, kéo theo các dịch vụ hệ sinh thái cũng đang ngày càng bị đe dọa.
Việt Nam là quốc gia được thiên nhiên ưu đãi về sự phong phú, đa dạng của các hệ sinh thái, các loài và tài nguyên di truyền. Các kết quả điều tra cho thấy, 10% số loài thú, chim và cá của thế giới tìm thấy ở Việt Nam, hơn 40% số loài thực vật thuộc loại đặc hữu không tìm thấy ở nơi nào khác ngoài Việt Nam. Đa dạng sinh học đóng vai trò chủ chốt đối với sinh kế của một bộ phận không nhỏ dân cư, đặc biệt với các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Các nguồn lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh và thu nhập chủ yếu đều dựa vào việc khai thác đa dạng sinh học. Tuy nhiên, đa dạng sinh học Việt Nam đang bị đe dọa và ngày càng suy thoái, nhất là các hệ sinh thái tự nhiên.
Tổn hại rất lớn
Báo cáo đánh giá dịch vụ hệ sinh thái toàn cầu 2019 cho biết, 75% hệ sinh thái trên bề mặt trái đất đã có sự thay đổi, 85% diện tích khu vực đất ngập nước bị mất đi, suy thoái đất làm giảm 23% năng suất các hệ sinh thái cạn, khoảng từ hơn 200 đến hơn 500 tỷ đô la từ sản lượng cây trồng toàn cầu hàng năm đối mặt với rủi ro cao do mất nguồn hỗ trợ cho thụ phấn. Các loài ngoại lai đã tăng 40% kể từ năm 1980, gần 1/9 bề mặt trái đất bị ảnh hưởng do sự xâm hại của động, thực vật ngoại lai, tác động loài bản địa, chức năng hệ sinh thái và đóng góp của tự nhiên cho con người…
Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng đánh giá, Việt Nam là một trong các quốc gia có tổn hại lớn về hệ sinh thái tự nhiên. Với hệ sinh thái rừng, hiện diện tích đất có rừng toàn quốc gần 14,5 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên hơn 10 triệu ha và rừng trồng hơn 4 triệu ha. Từ năm 2005 đến năm 2017, diện tích rừng trồng và cải tạo tự nhiên đã tăng từ 34,6% đến hơn 41,4%. Giai đoạn 2045-2017, diện tích rừng tự nhiên giảm từ 12 triệu ha còn 2,8 triệu ha, trong đó tới 80% ở mức duy trì kém. Giai đoạn 2012-2017, 11% diện tích rừng tự nhiên đã bị mất do chặt phá trái phép, 89% còn lại do chuyển mục đích sử dụng.
Hệ sinh thái đất ngập nước lại đối mặt với tác động của biến đổi khí hậu ngày càng bất thường, cực đoan. Diện tích đất ngập nước khoảng 12 triệu héc ta, đa dạng về kiểu loại và phân bố ở mọi vùng sinh thái với 20 triệu người sinh sống. Dự báo trong 25 năm tới, dân số chịu ảnh hưởng do lũ lụt sẽ là 38-46%. Khoảng 3.450 sông, suối có chiều dài hơn 10km; 114 cửa sông, hàng chục hồ tự nhiên, khoảng 7.000 hồ chứa cho thủy lợi và thủy điện bị suy giảm mức đa dạng sinh học.
Với hệ sinh thái biển và ven biển, rạn san hô đang giảm về diện tích, độ phủ san hô sống do chịu áp lực về biến đổi khí hậu, khai thác du lịch quá mức. Chỉ 1-2% san hô sống tốt, số còn lại trong trạng thái kém và rất kém. 63,5% rạn san hô đang trong tình trạng xấu với độ che phủ dưới 25%.
Theo Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường), rừng nguyên sinh chỉ còn khoảng 0,57 triệu ha, chỉ 1% các rạn san hô có độ phủ trên 75%, số loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam ngày càng tăng với 1.112 loài. Môi trường hệ sinh thái đất ngập nước ven biển, vùng biển ven bờ đang chịu ảnh hưởng do xung đột giữa phát triển khu công nghiệp và bảo tồn ở vùng cửa sông châu thổ sông Hồng, rác thải từ nhà máy công nghiệp ở miền Trung, phát triển quá mức lồng bè nuôi ở các vụng, vịnh biển. Diện tích các hệ sinh thái đất ngập nước tự nhiên như rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng tràm, hồ tự nhiên có xu hướng suy giảm nhưng các kiểu đất ngập nước nhân tạo như hồ chứa nước, ao nuôi trồng thủy sản, đất trồng lúa, ao xử lý nước thải… có chiều hướng gia tăng. Vùng đầm lầy than bùn cũng bị thu hẹp diện tích và giảm độ dày. Năm 1950, khu vực rừng Tràm vùng U Minh có đến 400.000 ha, đến nay, sau 70 năm chỉ còn 10.300 ha với độ dày từ 0,4-1,2 m. Thảm cỏ biển cũng giảm 50% diện tích năm 2012 so với năm 1999. ầm phá lớn nhất là Tam Giang-Cầu Hai (Thừa Thiên-Huế) đã giảm tới 60%.
Tăng số lượng các khu bảo tồn
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, thời gian qua Bộ đã có nhiều hoạt động để đẩy mạnh bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, nhất là tăng số lượng hệ thống các Khu Bảo tồn. Về xây dựng và hoàn thiện pháp luật, Luật Đa dạng sinh học được Quốc hội thông qua năm 2008, có 9 Nghị định, 2 Nghị quyết của Chính phủ, 10 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các Thông tư của các bộ hướng dẫn thực hiện. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường 2014, trong đó dự thảo 7 Điều xem cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học là thành phần môi trường quan trọng cần quan tâm, bảo vệ, sẽ góp phần tăng cường hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo việc kiểm soát tình trạng buôn bán, tiêu thụ các loài động vật hoang dã nguy cấp và phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại; xây dựng và trình dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về loài ngoại lai xâm hại và Chỉ thị về một số giải pháp cấp bách để quản lý động vật hoang dã trong tình hình mới.
Tổng cục Môi trường đã triển khai thực hiện rất nhiều công việc như nghiên cứu, đề xuất để Việt Nam gia nhập các Điều ước quốc tế, xây dựng và trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn thực hiện bảo tồn đa dạng sinh học, triển khai các hoạt động về tăng cường năng lực và nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái tự nhiên.
Hiện cả nước có 173 khu bảo tồn với tổng diện tích hơn 2.500 ha, gồm 33 vườn quốc gia, 66 khu dự trữ thiên nhiên, 18 khu bảo tồn loài và sinh cảnh, 56 khu bảo vệ cảnh quan. Có 23 quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được phê duyệt, 11 tỉnh đã xây dựng xong chờ phê duyệt. Nhiều địa phương đang tích cực triển khai thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt như Hà Nội, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Quảng Ninh,… Các tỉnh còn chủ động quy hoạch thêm các đối tượng quy hoạch mới gồm 44 khu bảo tồn thiên nhiên, 37 cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học và 15 hàng lang đa dạng sinh học.
Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, thành lập mới theo quy định của Luật Đa dạng sinh học 5 khu bảo tồn thiên nhiên về loài và sinh cảnh, biển, 7 cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học cho gấu, rắn, động vật hoang dã; 3 hành lang đa dạng sinh học cấp tỉnh ở Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Trị; thí điểm lồng ghép nội dung bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh tại Sơn La và Lạng Sơn.
Hiện Việt Nam có 9 khu Ramsar (đất ngập nước) với tổng diện tích hơn 120.000 ha; có 10 khu bảo tồn biển đã được thành lập với tổng diện tích gần 188.000 ha; 9 khu vực được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới với tổng diện tích hơn 4,2 triệu ha. Trong năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng hồ sơ đề cử và được Ban Thư ký ASEAN công nhận thêm 4 Vườn di sản ASEAN, nâng tổng số Vườn di sản ASEAN của Việt Nam thành 10 khu. Gần đây nhất, tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Bộ phối hợp triển khai thành công việc thành lập khu bảo tồn đất ngập nước Thái Thụy (Thái Bình) và Phá Tam giang-Cầu Hai (Thừa Thiên – Huế)”.
Mới đây nhất, năm 2019, khu Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long (Ninh Bình) đã đạt 2 kỷ lục về thiên nhiên là “Khu Bảo tồn có đàn Voọc lớn nhất Việt Nam” và “Khu vực có bức tranh tự nhiên lớn nhất Việt Nam – bức tranh núi mèo cào”. Không chỉ có ý nghĩa cho bảo tồn, nghiên cứu khoa học, Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long còn cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái quan trọng cho các cộng đồng dân cư xung quanh, bao gồm cả nguồn lợi thủy sản và nông nghiệp, điều tiết nước, đặc biệt là vẻ đẹp danh lam thắng cảnh để giải trí, du lịch sinh thái.
Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO), Việt Nam là một trong những quốc gia có hệ sinh thái đa dạng sinh học và quan trọng nhất trên thế giới, cả về hệ sinh thái biển và trên cạn, đặc biệt là hệ sinh thái rừng và rừng ngập mặn. 6/238 khu sinh thái ưu tiên được công nhận trên toàn thế giới được đặt tại Việt Nam. Có một số khu bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam được UNESCO công nhận về giá trị tự nhiên phổ quát duy nhất của chúng, bao gồm ba Di sản thiên nhiên, hai Công viên địa chất toàn cầu, 9 Khu Bảo tồn sinh quyển và hai khu Ramsar.