Thời gian qua, hoạt động thu phí và chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trong cả nước đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, cần tạo điều kiện để các cấp chính quyền, lực lượng chuyên trách và chủ rừng nâng cao hơn nữa công tác bảo vệ rừng, để phát triển rừng bền vững, cải thiện đời sống người dân.
Theo Tổng Cục lâm nghiệp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2019, cả nước thu được hơn 2.800 tỷ đồng tiền DVMTR để chi trả hỗ trợ trong công tác quản lý bảo vệ 6,3 triệu ha rừng, chiếm 43% tổng diện tích rừng toàn quốc. Việc triển khai chi trả tiền DVMTR được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo mạnh mẽ đã nâng cao hiệu quả của chính sách này trong việc ủy thác tiền chi trả cho chủ rừng. Thực hiện quy định tại Nghị định số 156/2018/NÐ-CP, hiện nay đã có thêm hai loại DVMTR mới là cơ sở sản xuất công nghiệp và dịch vụ nuôi trồng thủy sản được áp dụng triển khai rộng rãi trên toàn quốc. Riêng đối với cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước trực tiếp từ nguồn nước, hiện nay có 25 tỉnh, thành phố, xác định được danh sách các cơ sở phải nộp tiền dịch vụ môi trường rừng, ký được 214 hợp đồng với số tiền thu được là 3,65 tỷ đồng, nâng tổng số hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR trên cả nước lên 871 hợp đồng. Ðối với dịch vụ nuôi trồng thủy sản được quy định thu theo hình thức trực tiếp, đến nay có ba tỉnh đã rà soát danh sách để triển khai ký hợp đồng đối với 11 cơ sở nuôi trồng thủy sản. Thời gian tới, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF) sẽ tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai mạnh mẽ các loại dịch vụ mới theo đúng quy định, một mặt tăng thu nhập cho người dân có rừng, mặt khác nhằm bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Chủ tịch VNFF Nguyễn Quốc Trị cho biết, năm 2020 và trong thời gian tới ngành lâm nghiệp cả nước sẽ tiếp tục tập trung thu đúng, thu đủ tiền DVMTR trên cơ sở rà soát các hợp đồng ủy thác, các loại dịch vụ môi trường rừng mới theo quy định, đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp chây ỳ, nợ đọng kéo dài. Triển khai mạnh mẽ việc chi trả tiền DVMTR qua hệ thống tài khoản đến các chủ rừng, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn để nâng cao tính minh bạch, an toàn, hiệu quả trong công tác giải ngân; tiếp tục tổ chức nghiên cứu, xây dựng kế hoạch triển khai dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh gây phát thải khí nhà kính lớn ngay khi quyết định thí điểm của Thủ tướng Chính phủ được ban hành. Công tác kiểm tra, giám sát cần được tăng cường, thực hiện thường xuyên, liên tục từ trung ương đến địa phương để kịp thời phát hiện xử lý những bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách chi trả tiền DVMTR.
Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách về bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, phòng hộ; đến nay thành lập 395 khu rừng đặc dụng, phòng hộ; quản lý 6,75 triệu ha rừng và đất lâm nghiệp tập trung ở khu vực có hệ sinh thái đặc trưng trên cạn, trên biển, đất ngập nước giữ vai trò quan trọng trong phòng hộ đầu nguồn, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái. Thông qua các hoạt động DVMTR và du lịch sinh thái đã góp phần tạo sinh kế, nâng cao đời sống người dân. Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện chính sách DVMTR vẫn còn những vướng mắc như một số địa phương kéo dài tiến độ giải ngân tiền DVMTR cho chủ rừng do phải rà soát lại diện tích rừng làm căn cứ chi tiền DVMTR. Một số nơi khi chi trả tiền DVMTR không dùng tiền mặt, hoặc gặp khó khăn do địa bàn vùng sâu vùng xa, hồ sơ của một số người dân cần xác minh; một số đơn vị sử dụng DVMTR chậm nộp tiền, chưa chấp hành đúng quy định. Công tác quản lý rừng vẫn còn những hạn chế. Tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật vẫn xảy ra tại nhiều nơi; hạ tầng, trang thiết bị chưa được đầu tư đúng mức; chưa tương xứng với mục tiêu và nhiệm vụ; chưa khai thác được tiềm năng , lợi thế môi trường rừng để tạo nguồn tài chính đầu tư lại rừng; hoạt động bảo vệ rừng, bảo tồn vẫn phụ thuộc ngân sách nhà nước. Do đó, cùng với việc đẩy mạnh hoạt động DVMTR, các địa phương, chủ rừng cần tập trung nâng cao ý thức bảo vệ rừng, nhất là đối với rừng đặc dụng, phòng hộ.