Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Science vào ngày 29/5, nhiệt độ toàn cầu và nồng độ CO2 trong khí quyển tăng nhanh trong thế kỷ qua, kết hợp với sự gia tăng của các yếu tố gây căng thẳng môi trường (cháy rừng, phá rừng, côn trùng, dịch bệnh,..) và sự kiện thời tiết khắc nghiệt, đã làm thay đổi đáng kể cấu trúc rừng trên toàn cầu.
Căn cứ vào dữ liệu vệ tinh và tài liệu nghiên cứu về sức khỏe của rừng trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học nhận thấy tỷ lệ chết của cây cổ thụ trong những khu rừng trên khắp thế giới đang tăng lên – đặc biệt là rừng già – khiến chúng dần bị chi phối bởi các cây trẻ hơn và thấp hơn.
Do đó, tổng sinh khối của các khu rừng trên toàn cầu sẽ giảm xuống.
“Xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra với sự nóng lên của khí hậu. Một hành tinh trong tương lai với ít khu rừng già rộng lớn sẽ rất khác so với những gì chúng ta đã quen thuộc. Các khu rừng già thường có sự đa dạng sinh học cao hơn nhiều so với các khu rừng trẻ và chúng lưu trữ nhiều carbon hơn”, Nate McDowell, tác giả chính của nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm quốc gia Tây Bắc Thái Bình Dương (Mỹ), cho biết.
Quốc Hùng (Theo UPI)