Ngày 2/6, 5 tổ chức xã hội dân sự Campuchia gồm Diễn đàn NGO Campuchia, Hiệp hội bảo tồn văn hóa và môi trường, My Village, Fisheries Action Coalition Team (FACT) và 3S Rivers Protection Network đã ra thông cáo yêu cầu Ủy ban hỗn hợp MRC trì hoãn quá trình tham vấn trước dự án Luang Prabang để dành thêm thời gian cho nhà phát triển đập thực hiện các nghiên cứu nghiêm ngặt hơn nhằm đảm bảo tính bền vững của dòng sông.
5 tổ chức cho rằng dự án không có đủ thông tin chi tiết về đánh giá tác động xuyên biên giới và thiếu các biện pháp đáng tin cậy để giảm thiểu tác động đối với các nước hạ nguồn Mê Kông – đây là những vấn đề quan trọng cần được giải quyết trong quá trình tham vấn dự án thủy điện Luang Prabang.
“Không có đủ đánh giá chi tiết về cá di cư, thủy văn và dòng trầm tích cũng như tác động đến hồ Tonle Sap. Nghiên cứu về dự án không hề đánh giá dòng chảy ngược của Tonle Sap – dòng chảy tự nhiên của hồ tạo điều kiện cho cá di cư đến nơi đẻ trứng và kiếm ăn. Thay đổi chế độ dòng chảy tự nhiên sẽ ảnh hưởng đến Tonle Sap, sự sinh sản của cá cũng như an ninh lương thực của người dân Campuchia”, thông cáo viết.
Các tổ chức cũng yêu cầu MRC xem xét kỹ nội dung các tài liệu dự án trước khi tổ chức tham vấn trước với các bên liên quan.
Theo một thông cáo báo chí đưa ra ngày 28/5, Ủy ban hỗn hợp MRC đã dự kiến nhóm họp để thảo luận về việc hoàn thành quy trình tham vấn trước của dự án Luang Prabang và có nên đưa ra quyết định dừng quy trình hay đề nghị nghiên cứu thêm. Quyết định dừng quy trình sẽ mở đường cho việc xây dựng dự án.
An Pich Hatda, CEO MRC cho biết quyết định trì hoãn hoặc tiếp tục quá trình tham vấn trước thuộc về Ủy ban hỗn hợp MRC – cơ quan chủ quản của tổ chức: “Quyết định trì hoãn hoặc thậm chí dừng dự án là quyết định cao nhất, MRC được ủy nhiệm tham vấn ý kiến các thành viên và các bên liên quan về dự án một khi dự án được đệ trình”.
Giám đốc điều hành Ban thư ký MRC nói rằng trong giai đoạn rà soát và chuẩn bị cho tham vấn trước đập Luang Prabang, nhóm chuyên gia quốc tế và của MRC đã xem xét các tài liệu dự án để xác định dự án có tuân thủ Hướng dẫn thiết kế của MRC đối với đập dòng chính hay không cũng như việc đề xuất các biện pháp giảm thiểu và bù đắp tác động xuyên biên giới có thể xảy ra.
“Theo đánh giá kỹ thuật, MRC đã lưu ý các vấn đề liên quan đến thiết kế và những tác động bất lợi tiềm tàng đối với các quốc gia hạ nguồn, thang cá, vận chuyển trầm tích, thiết kế giao thông thủy và các sinh cảnh thủy sinh. MRC cũng khuyến nghị hành động và biện pháp giảm thiểu để nhà phát triển đập xem xét thực hiện một khi dự án được triển khai”.
Tháng 7/2019, Lào thông báo cho MRC rằng việc xây dựng dự án Luang Prabang dự kiến bắt đầu trong năm nay và hoàn thành vào năm 2027. Chính phủ nước này kỳ vọng con đập sẽ sản xuất 1.460 MW điện để xuất sang Thái Lan và Việt Nam.
Tháng 2/2020, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lào Saynakhone Inthavong cho biết chính phủ Lào đánh giá cao những ý kiến có giá trị từ tất cả các bên liên quan theo quy trình tham vấn trước và sẽ tiếp tục giải quyết các mối quan ngại chính đáng.
Nhật Anh (Theo Khmer Times)