Vấn đề các nhà máy điện than nặng nợ, vận hành không đủ công suất có thể tiếp tục làm suy yếu quyết tâm cắt giảm khí thải của Trung Quốc.
Một nửa số nhà máy điện chạy bằng than đá trên thế giới tập trung tại Trung Quốc, nhưng tỷ trọng điện sản xuất bằng than đá trong tổng sản lượng điện của nước này đang giảm xuống, trong bối cảnh điện hạt nhân và năng lượng tái tạo đang dần lấn át điện than gây ô nhiễm nhất này trên mạng lưới điện quốc gia.
Mặc dù vậy, các nhà đầu tư và chính quyền các địa phương ở Trung Quốc vẫn quan tâm đến hình thức phát điện từ than đá. Năm 2019, công suất sản xuất điện bằng than đá ở Trung Quốc đã tăng 37 gigawatt (GW), cao hơn cả mức tăng trên toàn cầu.
Con số này sẽ còn tăng khi Trung Quốc đang nới lỏng những hạn chế đối với việc xây dựng các nhà máy điện vận hành bằng than đá.
Các công trình xây dựng nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đã bắt đầu sau khi Chính phủ trung ương trao cho các quan chức địa phương nhiều quyền tự quyết hơn trong việc cấp phép cho các dự án xây dựng vào cuối năm 2014.
Mục đích của động thái này là để cắt giảm thủ tục hành chính, chứ không phải để thúc đẩy sản xuất điện than. Nhưng điều đó vô hình trung đã dẫn đến một loạt giấy phép mới được cấp cho các dự án xây dựng nhà máy điện than.
Chỉ trong vòng khoảng một năm, các tỉnh ở Trung Quốc đã phê chuẩn số nhà máy mới đủ để làm tăng 25% công suất sản xuất điện than của nước này.
Trong khi đó, Trung Quốc lại không cần gia tăng nhiều điện đến thế. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ngày càng sử dụng ít điện hơn khi không còn phụ thuộc nhiều vào các ngành chế tạo và xây dựng như trước đây.
Gần đây, các nhà máy điện than chỉ có thể bán được chưa đến 50% lượng điện mà họ có khả năng sản xuất, giảm so với mức 60% cách đây 10 năm.
Tuy vậy, chính quyền nhiều địa phương lại xem các dự án xây dựng lớn là động lực tiềm năng để thúc đẩy tăng trưởng, trong khi số khác tiếp tục bảo vệ ngành khai thác than đá.
Năm 2016, nhận thấy sai lầm này, Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu thu lại thẩm quyền đã trao cho các địa phương. Nhưng cùng lúc đó, Chính phủ lại lo ngại rằng việc ngừng các dự án sẽ đe dọa nền kinh tế của các địa phương, vì thế Trung Quốc vẫn cho phép nhiều dự án được tiếp tục triển khai.
Không lâu sau đó, Chính phủ lại bắt đầu nới lỏng hạn chế đối với việc cấp phép cho các nhà máy mới. Tổ chức phi chính phủ Global Energy Monitor cho biết trong tháng 1/2020, các nhà máy điện than mới có tổng công suất 135 GW đã được cấp phép hoặc đang được xây dựng ở Trung Quốc. Con số này bằng khoảng một nửa tổng công suất sản xuất điện than ở châu Mỹ.
Tuy nhiên, các nhà máy mới sẽ không thể hoạt động hết công suất khi phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nguồn năng lượng tái tạo đang gia tăng nhanh chóng. Các nhà máy điện than phải chịu các chính sách giới hạn sản lượng mà chính quyền đưa ra để cải thiện chất lượng không khí.
Các nhà máy điện than mới chỉ có thể chia sẻ thời gian vận hành với các nhà máy điện than đang hoạt động do không được tăng tỷ lệ điện than trên tổng nguồn điện. Điều này sẽ khiến các công ty điện than khó có được lợi nhuận.
Hơn nữa, thế giới cũng có thể bị ảnh hưởng vì mục tiêu cắt giảm lượng phát thải khí carbon của Trung Quốc vẫn rất thấp. Thiệt hại kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra có thể là yếu tố khiến Bắc Kinh “dè dặt” trong việc tiếp tục đưa ra những cam kết mới về môi trường, vốn sẽ hạn chế khả năng thúc đẩy tăng trưởng thông qua các dự án lớn, không thân thiện với môi trường.
Vấn đề các nhà máy điện than nặng nợ, vận hành không đủ công suất có thể tiếp tục làm suy yếu quyết tâm cắt giảm khí thải của Trung Quốc.
Với việc xây dựng quá nhiều nhà máy điện than mới như vậy, Trung Quốc đang lãng phí tiền của vốn đã có thể được đầu tư cho các dự án xanh hơn.
Đây là nguyên nhân khiến nước này cố trì hoãn quá trình chuyển đổi năng lượng và việc đóng cửa các nhà máy điện chạy bằng than đá trở thành một bài toán hóc búa.