Bài 4: “Quy hoạch miệng, dự án ma”: Mê hồn trận giúp “con voi chui lọt lỗ kim”
Quy hoạch miệng, “sốt ảo” đất nền, đó là thực trạng nhức nhối của thị trường bất động sản “giả, lậu, ma” tưởng chừng như “khó qua mắt luật pháp,” nhưng lại nở rộ và điềm nhiên diễn ra ở hầu khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước bấy lâu nay.
Không thể phủ nhận, khi “chiếc áo đô thị” đang trở nên chật hẹp, nhiều nơi bị biến dạng đến “ngộp thở,” thì việc đi trước, đón đầu xu hướng dịch chuyển đất nền, dự án ở ngoại thành hay các tỉnh vùng ven là một thực tế tất yếu khó tránh.
Nhưng đằng sau việc hàng loạt các dự án ảo được quy hoạch từ miệng các ‘nhà đầu tư,” mà thực chất là cò đất tung ra lừa đảo người dân khiến bao nhiêu người nhà tan cửa nát, vỡ nợ, rơi vào bẫy tín dụng đen… đó chính là kẽ hở của pháp lý, cách thực thi và tham nhũng…
Bài 1: Siêu dự án hô biến mất nhà cửa của dân nghèo thành thị
Bài 2: Xây trước, xin sau và cái bóng của “nhóm lợi ích”
Bài 3: “Chiếc áo đô thị” chật hẹp – Mỗi mảnh ghép một nỗi lo…
Dự án “ma” vẽ ra để… lừa đảo
Có thể nói, năm 2019 là một năm chao đảo của thị trường bất động sản cả nước, đặc biệt là khu vực phía Nam, khi hàng loạt công ty bất động sản làm ăn bất chính đã bị cơ quan chức năng “sờ gáy” điển hình như vụ Alibaba. Câu hỏi là, đằng sau những cú lừa táng tận lương tâm của Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba, liệu còn bao nhiêu dự án “ma” được vẽ ra để lừa đảo, lôi kéo, chiếm đoạt tiền của khách hàng?
Gõ vào google dòng chữ “lợi nhuận kinh doanh bất động sản,” trong vòng 0,41 giây đã cho ra con số 20 triệu kết quả. Rõ ràng, bất động sản có sức hút cực kỳ hấp dẫn. Nhưng bên cạnh mặt tích cực, bất động sản cũng là lĩnh vực được xem như “canh bạc hên-xui,” khiến nhiều đối tượng bất chấp thủ đoạn, lợi dụng kẽ hở của pháp luật, lách luật để thực hiện các hành vi lừa đảo.
Trong khi, không ít khách hàng vì cả tin, thiếu hiểu biết và đôi khi vì lòng tham đã sập bẫy. Đó cũng là lý do khi gõ vào google cụm từ “dự án ma,” chỉ trong vòng 0,41 giây đã có 101 triệu kết quả. Riêng nội dung “sập bẫy dự án ma” đã lên tới hơn 1,3 triệu kết quả. Cũng gần ấy thời gian, google cho ra con số 18,5 triệu kết quả bài viết liên quan đến “quy hoạch miệng.” Những con số thật sự đáng lo ngại.
Đáng nói hơn là, mặc dù đã có bài học nhãn tiền từ vụ Alibaba, nhưng vừa qua, lợi dụng tình hình bất động sản đang phải “ngủ đông” vì dịch COVID-19 và cả nước đang nỗ lực dập dịch, ở một số nơi, nhiều đối tượng vẫn tiếp tục “vẽ” ra dự án “ảo” và ngang nhiên thổi giá lên cao, khiến nhiều người thờ ơ với dịch…
Đơn cử như tại xã Đồng Trúc (Thạch Thất, Hà Nội). Ghi nhận của phóng viên VietnamPlus vào những ngày giữa tháng 3/2020 cho thấy: Từ thông tin chưa được kiểm chứng về việc có tập đoàn lớn dự kiến xây khu đô thị trên địa bàn, một số đối tượng đã tung thông tin “sốt đất” và liên tục thổi giá lên cao, từ 8 triệu đồng lên 23 triệu đồng, khiến hàng trăm nhà đầu tư, cò đất kéo tới mua bán, kiếm lời.
Sự việc này chỉ được ngăn chặn khi báo chí phản ánh và chính quyền xã Đồng Trúc phát ra hàng loạt thông báo khẳng định hiện nay chưa có quy hoạch khu đô thị nào được duyệt trên địa bàn và kiên quyết giải tán “chợ đất” trái phép.
Trước đó, trong tháng 2/2020, tại xã Bình Ba và thị trấn Ngãi Giao (Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu), một số đối tượng cũng đã đưa thông tin gán ghép “dự án khu đô thị cao cấp Bình Ba” và rầm rộ quảng cáo, tạo cơn sốt đất “ảo” để trục lợi tiền bạc.
Tuy nhiên, những vụ việc nêu trên mới chỉ là một phần nổi của tảng băng chìm bất động sản “giả, lậu” đã được ngăn chặn. Trên thực tế, có rất nhiều “siêu” hay “đại” dự án từng được quy hoạch nhưng thực chất chỉ là cái cớ để thâu tóm đất vàng, chờ giá lên cao rồi bán trục lợi. Đó cũng là lý do, chỉ trong vòng 0,37 giây, google đã cho ra 1 triệu kết quả liên quan đến vấn đề “thâu tóm đất vàng.”
Một ví dụ điển hình là khu du lịch Bình Tiên tại huyện Thuận Bắc (Ninh Thuận). Theo điều tra của phóng viên VietnamPlus, dự án này được Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 8/2005, với tổng vốn đầu tư ban đầu là 555 tỷ đồng, sau đó được điều chỉnh nâng mức đầu tư lên 2.579 tỷ đồng. Thời gian khởi công và gia hạn hoàn thành dự án trong 10 năm (từ 2005-2014).
Trước khi “vẽ” siêu dự án, Công ty cổ phần Đầu tư và Du lịch Bình Tiên đã trình kế hoạch đầu tư những hạng mục rất “khủng” ở khu du lịch này, như: Hệ thống khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế 5 sao với hơn 500 phòng, trung tâm hội nghị quốc tế 1.000 chỗ ngồi, 200 căn biệt thự, bến du thuyền, sân golf, khu tái định cư…
Sau hơn 13 năm xây dựng, trải qua 6 “đời” Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, đến năm 2018, “siêu” dự án chiếm hơn 190ha “đất vàng” Bình Tiên vẫn ngổn ngang, “đắp chiếu.” |
Thế nhưng, sau hơn 13 năm xây dựng, trải qua 6 “đời” Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, đến năm 2018, “siêu” dự án chiếm hơn 190ha “đất vàng” Bình Tiên vẫn ngổn ngang, “đắp chiếu.” Trong khi, để thực hiện dự án hứa hẹn khơi sáng tiềm năng du lịch cho tỉnh nghèo này, 72 hộ dân đã phải di dời, nhường đất đai cho chủ đầu tư với mức giá bồi thường 4.000-5.000 đồng/m2, thậm chí có nơi chỉ có 1.200 đồng/m2.
Từ đó gây ra tình trạng khiếu kiện kéo dài, bởi theo Quyết định số 87/2005/QĐ-UBND, ngày 21/12/2005 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận (tỉnh giáp ranh với Ninh Thuận), thì việc thu hồi đất để giao cho các dự án du lịch ven biển có giá đền bù từ 100.000-150.000 đồng/m2 tùy thuộc vào vị trí đất nằm gần hay xa bờ biển…
Đó là chưa kể, giá đất ở Bình Tiên, bây giờ đã “ở trên trời!”
Liên minh ma quỷ “nổ, lòe, lừa”
Dành không ít thời gian để nói về thực trạng này, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV vừa qua, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho biết qua các phương tiện thông tin, đơn thư của cử tri thì lĩnh vực bất động sản đang là môi trường cho lừa đảo hoành hành mạnh nhất, hình thành nên các băng nhóm lừa đảo có tổ chức, chiếm đoạt tài sản gây nhiều hậu quả, hệ lụy cho kinh tế và trật tự xã hội.
Mặt khác, bất động sản cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ra nợ xấu trong một số tổ chức tín dụng vô tình tiếp tay cho các dự án “ma” của băng nhóm lừa đảo này.
Hiện nay còn nhiều công ty lừa đảo hoạt động kiểu Alibabba, Angel Lina. Hình thành các dự án ma, phân lô bán nền được sinh ra từ liên minh ma quỷ, băng nhóm xã hội đen núp bóng doanh nghiệp với thủ đoạn lừa đảo chuyên nghiệp, tổ chức tinh vi. |
“Hiện nay còn nhiều công ty lừa đảo hoạt động kiểu Alibabba, Angel Lina. Hình thành các dự án ma, phân lô bán nền được sinh ra từ liên minh ma quỷ, băng nhóm xã hội đen núp bóng doanh nghiệp với thủ đoạn lừa đảo chuyên nghiệp, tổ chức tinh vi. Nhưng đều có thủ đoạn với công thức: ban đầu thì ‘nổ, lòe, lừa,’ giăng bẫy được khách hàng vào mê hồn không dễ nhận biết; lừa lọc không từ một ai để thu tiền. Tiếp đó, dùng nhiều chiêu trò gian manh, ủy quyền hợp đồng sang nhượng, bán dự án lòng vòng trong đồng bọn và nhiều đối tượng khác,” ông Vượt nói.
Vị đại biểu này cũng nhấn mạnh, với chiêu thức kiểu “ve sầu thoát xác” nhằm vừa chiếm đoạt tiền, vừa che giấu hành vi, xóa dấu vết hồ sơ phạm tội… hàng trăm người bị lừa với băng rôn, biểu ngữ cũng không thể tìm gặp công ty lừa đảo. Từ đó đẩy nhiều gia đình vào khốn khổ, thậm chí đến bước đường cùng tuyệt vọng.
“Nhiều cử tri đặt ra câu hỏi nghi vấn nhưng hoàn toàn logic có phải tại cơ chế kẽ hở của pháp luật, sự lỏng lẻo quản lý nhà nước không? Hay nguyên nhân chính là do đường dây băng nhóm công chức cùng hội cùng thuyền cấu kết móc nối; vẽ đường bảo kê, cộng sinh, cổ phần chia chác cùng tạo ra môi trường tù mù, lùng bùng để băng nhóm tội phạm lộng hành chiếm đoạt tài sản, rồi đùn đẩy, bao che, chỉ trỏ lòng vòng. Người bị hại kêu trời nhưng không thấu,” đại biểu Đinh Duy Vượt trăn trở.
Nhìn nhận ở góc độ cơ quan quản lý đất đai, ông Bùi Văn Hải, Cục trưởng Cục Kiểm soát quản lý và Sử dụng đất (Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng thừa nhận đúng là trong thời gian qua ở một số địa phương có tình trạng cá nhân, doanh nghiệp tự ý dùng đất nông nghiệp lập dự án phân lô bán nền, đất ở trái phép (dự án ma) nhưng chưa được xử lý triệt để…
Đề cập đến nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Đính-Phó Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng bản chất của dự án “ma,” sốt đất ảo ngày càng tràn lan trên thị trường là do quy định giữa các Luật còn kẽ hở.
Đơn cử, Luật Kinh doanh bất động sản mặc định mọi hành vi rao bán khi dự án chưa hình thành là vi phạm, nên chỉ quản lý các hành vi từ thời điểm ký hợp đồng mua bán nền nhà, hoặc khi đã xây nền móng. Còn giai đoạn trước đó, tức là những thỏa thuận theo Luật Dân sự thì Luật Kinh doanh bất động sản lại không đề cập. Tuy vậy, nguyên nhân mẫu chốt dẫn tới việc gia tăng các dự án bất động sản “ma, ảo” là bởi sự tắc trách, lơ là quản lý của chính quyền địa phương.
“Tôi cho rằng, lý do khiến dự án bất động sản ‘ảo’ ngày càng nhiều là do sự buông lỏng quản lý, thậm chí là tiếp tay cho các doanh nghiệp của chính quyền địa phương. Nếu chính quyền địa phương quản lý chặt ngay từ đầu thì làm gì có những Alibaba,… có thể vô tư huy động vốn, lôi kéo, thổi giá, tụ tập một số lượng lớn khách hàng đến xem dự án, mà chính quyền lại không hay biết?” ông Đính lưu ý.
Vẫn còn vùng cấm, “giơ cao đánh khẽ”
Từ thực tế nêu trên, vị chuyên gia Hội Môi giới bất động sản kiến nghị đối với trường hợp chào bán đất trái pháp luật, rõ ràng là hành vi lừa đảo thì cương quyết phải dẹp, có thể xử lý hình sự. Về lâu dài, chính quyền địa phương cần phải công khai các dự án có đầy đủ hồ sơ pháp lý lên cổng thông tin địa phương, để đảm bảo công tác quản lý, cũng như tạo điều kiện cho người dân tra cứu, tham khảo.
Để xử lý vấn nạn trên, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cũng đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an, các cơ quan tố tụng cần tập trung chỉ đạo tấn công quyết liệt điều tra, truy tố, trừng trị nghiêm “liên minh ma quỷ,” băng nhóm tội phạm có tổ chức mới xuất hiện này, nhằm ngăn chặn không để lừa đảo lộng hành, gây đau khổ cho người dân, người bị hại trên lĩnh vực đất đai và các lĩnh vực khác.
Cùng với đó, Bộ Công an và các cơ quan tố tụng xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm công chức tiếp tay, bảo kê, làm ngơ trước bức xúc của người dân hoặc để dự án “ma” tồn tại nở rộ kiểu “con voi chui lọt lỗ kim.”
Ông Vượt cũng lưu ý, qua tìm hiểu được biết nhiều địa phương phường, xã đã cắm biển cảnh báo, lắp camera theo dõi ngay tại lô đất của băng nhóm lừa đảo, nhưng cắm đi cắm lại băng nhóm lừa đảo vẫn “đổ bỏ,” thể hiện hành động liều lĩnh coi thường chính quyền và pháp luật, quyết thực hiện bằng được hành vi động lừa đảo.
Vì thế, cùng với các luật khác khắc phục dự án treo, ông Vượt cũng kiến nghị công khai, minh bạch quy hoạch; ngăn chặn, xử lý dự án “ma’ đang nở rộ. Đồng thời nghiêm trị các hành vi lừa đảo để nhân dân phấn khởi được thụ hưởng thành quả kinh tế, nhưng mong muốn có một môi trường xã hội, môi trường sống tương xứng, bình yên, tính mạng và tài sản được pháp luật bảo vệ.
Góp thêm tiếng nói chống tham nhũng, đại biểu Nguyễn Văn Được (Hà Nội) cho rằng thời gian qua Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã chỉ đạo rất quyết liệt nên đã đưa ra xét xử một số vụ án lớn, đây là điều đáng mừng.
Tuy nhiên, việc xử lý vẫn chưa triệt để, vẫn còn vùng cấm, “giơ cao đánh khẽ.” Vì thế, tới đây phải làm quyết liệt. |
“Nhân dân cả nước nói chung, cựu chiến binh nói riêng đã hiến hàng triệu m2 đất, hàng triệu ngày công để đóng góp xây dựng nông thôn mới, xây dựng các công trình công cộng cho đất nước. Vậy mà có những lợi ích nhóm, có những cá nhân, loại cỡ bự thiếu trách nhiệm gây thất thoát lớn còn dã tâm tham nhũng của nhà nước, của nhân dân hàng nghìn tỷ đồng,” ông Được chia sẻ.
Đại biểu Nguyễn Văn Được cũng đề nghị nhà nước, cơ quan pháp luật cần phải xử lý nghiêm minh, kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng cho nhà nước; những trường hợp nào xử lý nội bộ cũng phải công khai, thông báo họ tham nhũng những gì, có bao nhiêu tiền để dân chúng biết. “Bởi, có những vụ án chỉ xử lý nội bộ, nhưng tiền của có thể họ ăn cả đời không hết, vì thế, phải công khai, minh bạch khi xử lý nội bộ,” ông Được nhấn mạnh.