Bài 2: Xây trước, xin sau và cái bóng của “nhóm lợi ích”
Không chỉ “siêu dự án” Thủ Thiêm bị phá vỡ quy hoạch dẫn đến biến dạng đô thị, theo tìm hiểu của phóng viên VietnamPlus, trong suốt hai thập kỷ qua, tình trạng quy hoạch “thần tốc,” xây dựng trái phép, sai phép, “vượt” quy hoạch cũng lây lan nhanh như virus.
Mỗi dự án có những khoảng tối khác nhau, nhưng hầu như đều chung một kịch bản là xây trước, xin-chạy sau và giải pháp nhân đạo: “phạt cho sai phạm tồn tại.” Thực tế này không chỉ dẫn tới phá vỡ quy hoạch, thất thoát tài nguyên, gây ra khiếu kiện, mà còn xuất hiện những “vết hằn” của cái bóng quyền lực…
Bài 1: Siêu dự án hô biến mất nhà cửa của dân nghèo thành thị
Tràn lan công trình xây “vượt” quy hoạch
Nói về những dự án xây dựng “lùm xùm” trong thời gian qua, hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến công trình 8B Lê Trực hay HH Linh Đàm. Hai công trình đã và đang để lại nhiều tai tiếng, làm xấu diện mạo Thủ đô, gây bức xúc trong nhân dân.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là phần nổi của “khối băng chìm” đang tồn tại trong “biển hồ đô thị” từ Bắc vào Nam với nhan nhản dự án, công trình vi phạm. Thực tế này cũng đã được cử tri phản ánh, các đại biểu Quốc hội nêu ra rất nhiều trong các kỳ Đại hội.
Chỉ riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi năm, đô thị sầm uất nhất cả nước này đã có hàng nghìn công trình xây dựng không phép, sai phép bị phát hiện và xử lý. Thống kê năm 2017, cho thấy toàn thành phố có 2.856 công trình vi phạm; năm 2018 có 2.419 công trình; năm 2019 có 2.900 vụ vi phạm xây dựng công trình, nhà ở… Các công trình ấy đã góp phần phá vỡ quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Chỉ riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi năm, đô thị sầm uất nhất cả nước này đã có hàng nghìn công trình xây dựng không phép, sai phép bị phát hiện và xử lý… |
Nhìn ra toàn quốc, đại biểu Quốc hội Thái Trường Giang (tỉnh Cà Mau) cho biết tình trạng xây dựng không phép, trái phép tràn lan, thực tế cho thấy hầu như công trình xây dựng nào cũng có vi phạm. Nguyên nhân là luật không quy định rõ về quản lý trật tự xây dựng và tốc độ phát triển đô thị nhanh, trong khi các quy trình phê duyệt quy hoạch đô thị chậm, các cấp chính quyền đôi khi buông lỏng quản lý.
Điều đáng nói là, rất nhiều công trình vô tư thi công “vượt đèn đỏ” khi chưa được phê duyệt quy hoạch, chưa có giấy phép, quá trình xây dựng gây ra hậu quả nghiêm trọng, nhưng chính quyền địa phương vẫn không kịp thời ngăn chặn, xử lý.
Đơn cử như dự án khu biệt thự và nhà phố Vườn Vạn Tuế-Sago Palm Garden (Vườn Vạn Tuế), tỉnh Hưng Yên. Mặc dù dự án này chưa có quyết định chủ trương đầu tư, cũng như còn “thiếu” các thủ tục pháp lý bắt buộc, nhưng chủ đầu tư vẫn ngang nhiên thi công xây dựng và thực hiện giao dịch mua bán nhà trái pháp luật.
Theo tài liệu mà phóng viên VietnamPlus thu thập được, dự án Vườn Vạn Tuế được xây dựng trên phần diện tích gần 51.000m2 từng được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên đồng ý cho Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Văn Giang thuê từ năm 2002, để thực hiện dự án nhà máy sản xuất gạch ngói tunnel trong thời hạn 50 năm.
Đến cuối tháng 2/2016 (tức 14 năm sau), Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên tiếp tục có quyết định cho phép Công ty cổ phần thương mại sản xuất vật liệu xây dựng Đại Hưng thay thế doanh nghiệp Văn Giang và trở thành chủ đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất gạch ngói tunnel với quy mô sản xuất lên tới 15 triệu viên/năm.
Thế nhưng, chỉ hơn 3 tháng sau, ngày 11/6/2016, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng-“hàng xóm thân thiết” của doanh nghiệp Đại Hưng đã có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên, đề nghị di dời nhà máy sản xuất gạch ngói đến vị trị khác vì dự án này nằm cạnh Khu đô thị Ecopark nên tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng cảnh quan khu đô thị, mà suốt 14 năm qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên và cả phía chủ đầu tư đã không nghĩ tới?
10 ngày sau đó, doanh nghiệp Đại Hưng liền có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhà máy gạch để thực hiện dự án Vườn Vạn Tuế. Như vậy, chỉ gần 4 tháng tiếp quản nhà máy sản xuất gạch ngói, doanh nghiệp đã xin chuyển đổi mục đích sử dụng sang làm dự án bất động sản.
Đến thời điểm cuối năm 2019, dự án Vườn Vạn Tuế đã thi công gần như hoàn thiện với đường nội bộ, điện chiếu sáng, cây xanh, hơn 200 công trình nhà biệt thự, liền kề đã được xây xong phần thô. |
Trên cơ sở đề xuất của doanh nghiệp, ngày 30/11/2016, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên đã ra Thông báo số 283/TB-UBND kết luận của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, đồng ý về chủ trương để doanh nghiệp Đại Hưng được điều chỉnh thành dự án Vườn Vạn Tuế. Lợi dụng thống báo này, chủ đầu tư đã ồ ạt triển khai thi công, dù dự án này chưa có quyết định chủ trương đầu tư, cũng như còn “thiếu” thủ tục pháp lý và thực hiện giao dịch mua bán nhà ngay trong lúc mới thi công.
Các cổng ra vào của dự án được kết nối trực tiếp với hạ tầng của khu đô thị Ecopark, đều có bảo vệ, gác chắn…
“Thả gà ra đuổi” dự án xây dựng vi phạm
Điều đáng nói là, mặc dù dự án Vườn Vạn Tuế đã được lãnh đạo các Sở Xây dưng, Kế hoạch và Đầu tư xác nhận là đã xây dựng “vượt đèn đỏ” khi chưa có quyết định chủ trương đầu tư, cũng như chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý trình cơ quan chức năng thẩm định, nhưng khi người viết đề cập đến giải pháp xử lý thì không một ai đưa ra được giải pháp xử lý thỏa đáng trên tinh thần “thượng tôn pháp luật.”
Ngay cả đại diện lãnh đạo tỉnh Hưng Yên khi trao đổi với phóng viên VietnamPlus cũng thẳng thắn nhìn nhận thực tế trên và cho biết “trong vụ việc này cũng có phần trách nhiệm của các sở, ngành.” Nhưng, như một quy luật đã thành thói quen, dự án “xây trước, chạy sau” với quy mô 200 nhà biệt thự, liền kề đến nay vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” bất chấp việc sẽ không còn chuyện phạt cho tồn tại đối với những công trình vi phạm theo Nghị định số 139/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/1/2018!
Theo Nghị định số 139/2017/NĐ-CP, kể từ ngày 15/1/2018, sẽ không còn chuyện phạt cho tồn tại đối với những công trình vi phạm. |
Nhìn nhận ở gốc độ cán bộ của cử tri, nhiều đại biểu quốc hội cũng đã không thể “ngồi yên,” liên tiếp nhắc tới tình trạng vi phạm trong hoạt động xây dựng như một mối đe dọa khi những “siêu, đại” dự án đang tồn tại như thách thức phát luật.
Thảo luận tại nghị trường Quốc hội ngày 27/11/2019 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, đại biểu Lê Quang Trí (tỉnh Tiền Giang) đã nêu lên thực trạng thời gian vừa qua có rất nhiều công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị, nhiều công trình xây dựng không phép. Có nhiều công trình xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng, sai với thiết kế được cấp có thẩm quyền thẩm định.
Thực tế đã có nhiều công trình xây dựng vượt số tầng cho phép trong trung tâm thành phố, thị xã. Nhiều công trình xây dựng không phép trên đất nông nghiệp tại các huyện vùng ven của thành phố. Vi phạm nghiêm trọng trật tự xây dựng.
Không chỉ ở các đô thị lớn, vùng ven, mà ngay cả ở các tỉnh miền núi, vùng cao, tình trạng xây dựng trái phép, xây dựng “vượt đèn đỏ” cũng diễn ra phổ biến. Chỉ riêng lĩnh vực thủy điện, trong 10 năm qua, các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng đã quy hoạch trên 100 dự án thủy điện. Dù hai tỉnh này đã loại bỏ gần 40 dự án yếu kém, nhưng trung bình mỗi dòng sông vẫn phải “cõng” từ 3-6 nhà máy thủy điện. Điều đáng nói là, nhiều dự án thủy điện xây dựng trái phép, “làm trước, xin sau,” không tuân thủ các thủ tục pháp lý bắt buộc để được thi công, khai thác.
Từ đó gây hậu quả nghiêm trọng như sạt lở đất canh tác, đường quốc lộ, nhiều nhà dân, dẫn tới khiếu nại như: Thủy điện Bắc Mê, thủy điện sông Lô 2, Bát Đại Sơn.
Thậm chí, như tại Hòa Bình, một số dự án thủy điện đã xây dựng trái phép trên dưới 2 năm, đã phát điện, nhưng chỉ khi phóng viên VietnamPlus phản ánh, các sở, ngành mới “biết chuyện” và tiến hành lập biên bản xử phạt, yêu cầu doanh nghiệp lập hồ sơ để cấp giấy phép xây dựng như dự án Thủy điện Suối Mu, hồ Trọng…
Sừng sững chiếc bóng của “nhóm lợi ích”
Thảo luận tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV vừa qua, về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cho biết thời gian qua có nhiều công trình, dự án quy mô ban đầu chỉ vài trăm nhân khẩu, nhưng sau những lần điều chỉnh theo kiểu “đúng quy trình” thì quy mô đã lên đến 6.000-7.000 nhân khẩu.
Đáng nói là, đằng sau câu chuyện điều chỉnh đúng quy trình ấy, lẩn khuất đâu đó bóng dáng của “nhóm lợi ích.” Có rất nhiều dự án như vậy xảy ra ở nhiều nơi, quy mô lớn hơn rất nhiều và để lại những hậu quả nặng nề. Dự án thì đi sai mục đích phát triển chung, phá vỡ quy hoạch làm biến dạng hình hài đô thị, tăng áp lực nặng nề lên hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng an sinh xã hội, cảnh quan đô thị trật tự lộn xộn.
Trong khi, chính quyền thì luôn khẳng định rằng sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật. Nhà nước thì mất cán bộ, chủ đầu tư thì vô can. Các thực thể vi phạm vẫn tồn tại lồ lộ, sừng sững, đầy thách thức. Chính vì thế, “xử lý nghiêm và triệt để đối với loại vi phạm kiểu này, tôi e rằng đó là điều không thể,” ông Sơn chia sẻ quan ngại.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hoà Bình thì nhấn mạnh: Hãy nhìn vào hiệu quả công tác quản lý lãnh đạo của nhà nước sẽ thấy điều gì tạo nên một hiện trạng, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức vụ suy thoái, nếu không xuất phát từ tham nhũng trong công tác cán bộ?
Điều gì đằng sau những tòa nhà sai phép, không phép, hàng trăm căn hộ sai thiết kế vượt tầng, nếu không phải là tham nhũng làm ngơ trong công tác quản lý? |
Cũng tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 14 vừa qua, đại biểu Phạm Trọng Nhân (tỉnh Bình Dương) đã nêu thực trạng đáng quan ngại mà báo cáo thẩm tra dự luật Xây dựng chưa đề cập, đó là sự tồn tại thách thức dư luận và thể chế của các công trình như 8B Lê Trực, HH Linh Đàm cùng nhiều dự án, nhà thương mại, chung cư cao tầng mọc trên nền của một số cơ quan, tổ chức sau khi di dời trong nội đô Hà Nội.
Theo ông Nhân, một trong những nguyên tắc cơ bản đầu tiên của luật hiện hành cũng như dự luật này là đảm bảo đầu tư xây dựng công trình theo quy hoạch thiết kế. Nhưng với 1.390 quy hoạch bị điều chỉnh từ 1 đến 6 lần, quy hoạch được điều chỉnh tăng tầng cao, giảm diện tích, đất công trình, hạ tầng kỹ thuật,… mà báo cáo giám sát đã nêu thì Luật Xây dựng nói chung và các nguyên tắc cơ bản nói riêng trong Luật Thủ đô, Luật Quy hoạch và Luật Quy hoạch đô thị được dày công nghiên cứu để chế định đã bị xem thường thế nào?
Những nguyên tắc, quy định liên quan đến công tác lập, thẩm định, phê duyệt, cấp phép, thanh tra, kiểm tra các dự án đầu tư xây dựng vướng mắc chỗ nào để sinh ra 8B Lê Trực, HH Linh Đàm, các tuyến đường sắt hay hàng ngàn chung cư sai phạm mà báo cáo giám sát đã nêu? Hay mới đây nhất, vụ xe container kéo sập cầu đường bộ hành ở Thành phố Hồ Chí Minh mới vỡ lẽ dự án này không có hồ sơ thiết kế.
“Rõ ràng thể chế không sai nhưng khâu tổ chức thực hiện đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng. Nhưng điều đáng nói là các điều khoản trách nhiệm của luật lại không biết gắn cho ai trong những sai phạm không hiệu quả được diễn ra,” ông Nhân chia sẻ.
Ngoài ra, vị đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương cũng đề cập tới nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng và các hành vi bị nghiêm cấm có thể được xem là kim chỉ nam, điều chỉnh mọi hành vi hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Điều quan trọng không phải là người dân hiểu và thi hành như thế nào bởi khó qua được cửa ải giấy phép hiện nay, chính cán bộ công chức phải hiểu và tổ chức thực hiện.
Vì thế, “nếu còn có sự thỏa hiệp, phạt cho tồn tại và quy hoạch còn phải chạy theo dự án vì một lý do nào đó thì 8B Lê Trực, HH Linh Đàm có lẽ sẽ tiếp tục chất vấn ở nhiều kỳ Quốc hội,” ông Nhân chia sẻ.